Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020 vì biến đổi khí hậu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/7/2022 | 4:39:33 PM

QLMT - Dựa trên các mô hình tính toán, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do các tác động của khí hậu.

WB vừa tổ chức Lễ công bố Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam vào ngày 14/7, tại Hà Nội. Dựa trên các mô hình tính toán, WB nhận định, Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do các tác động của khí hậu. Tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050. Báo cáo cho rằng, cần ưu tiên đầu tư để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu.

Khi nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam tiến dần đến vị thế là nước có thu nhập cao, Việt Nam cũng cần phải giảm cường độ carbon. Việt Nam đã tăng lượng phát thải khí nhà kính (KNK) bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong thế kỷ này lượng khí thải và đang duy trì tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Ô nhiễm liên quan đến khí thải này ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm năng suất; tình trạng cạn kiệt tài nguyên và các tác động của biến đổi khí hậu đã làm tổn hại đến thương mại và đầu tư.

Theo ông Muthukumara Mani, Chuyên gia trưởng về kinh tế môi trường, Trưởng nhóm chuyên gia của WB, con số 368 tỷ USD dựa trên giá trị thực tế hiện hành. Nếu không dùng biện pháp chiết khấu dòng tiền, số tiền này có thể lên tới 700 tỷ USD. Bởi vậy, Việt Nam cấp thiết phải triển khai ngay từ bây giờ các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời, có các chính sách và đầu tư để giảm cường độ phát thải các-bon trong tiến trình tăng trưởng.


Phiên thảo luận về nhu cầu và giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam

Dựa trên kết quả chạy mô hình và phân tích của báo cáo, Nhóm Ngân hàng thế giới đề xuất 5 gói chính sách ưu tiên. 

Thứ nhất là một chương trình cấp vùng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dễ bị tổn thương, là nơi đóng góp 50% sản lượng lúa gạo và một phần ba GDP nông nghiệp của đất nước. Khu vực này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như xói lở bờ biển và bờ sông, mực nước biển dâng và xâm nhập mặn. Chương trình này sẽ hạn chế khai thác cát và khai thác nước ngầm, đầu tư thêm cơ sở vật chất và tăng cường điều phối vùng, đồng thời, hỗ trợ sinh kế cho những người nông dân đang tìm giải pháp thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu.

Thứ hai, một kế hoạch tổng hợp bảo vệ các đô thị ven biển và kết nối giao thông khỏi tác động của thời tiết khắc nghiệt. Kế hoạch này bao gồm hoạt động nâng cấp hệ thống đường bộ và năng lượng, cũng như tăng cường hệ thống quản lý rủi ro thời tiết và cảnh báo sớm.

Thứ ba, một chương trình giảm ô nhiễm không khí bao vây khu vực Hà Nội, nơi chất lượng không khí kém đã vượt ít nhất 5 lần giới hạn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới trong hơn một nửa thời gian từ năm 2018 đến năm 2021 và dự báo nồng độ bụi mịn sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Thứ tư, tăng tốc quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo bằng cách cải thiện khung pháp lý để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư tăng công suất của lưới điện và thực hiện các kế hoạch tiết kiệm năng lượng.

Thứ năm, mở rộng an sinh xã hội để bù đắp những tác động kinh tế mà các giải pháp khí hậu có thể tác động đến những người dễ bị tổn thương nhất. Tài trợ cho các chương trình xã hội bằng nguồn thu từ thuế carbon sẽ giúp hỗ trợ người nghèo khỏi tác động của việc tăng chi phí đi lại và năng lượng.

Báo cáo chỉ ra, nếu có các chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng những hoạt động khử carbon của mình để đạt được mục tiêu phát triển sao cho phát thải khí nhà kính ròng bằng "0” không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Các cam kết của Chính phủ có thể và cần được củng cố bằng sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước và thông qua các nguồn lực tài chính nước ngoài, Nhà nước và tư nhân.

Để đáp ứng nhu cầu vốn, cần phân bổ lại tiết kiệm từ khu vực tư nhân trong nước sang các dự án liên quan đến khí hậu, tăng tiết kiệm từ khu vực công và huy động hỗ trợ tài chính từ bên ngoài. Đầu tư công có thể chiếm khoảng một phần ba tổng vốn đầu tư và có thể được tài trợ thông qua thuế carbon hoặc đi vay trên thị trường trong nước. Trong khi đó, nguồn vốn tư nhân tương đương khoảng 3,4% GDP mỗi năm có thể được huy động thông qua tín dụng xanh từ các ngân hàng, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh, cũng như áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro.

Lâm Hà (T/h)