Ngư dân Quảng Nam “đưa rác vào bờ”, bảo vệ môi trường biển sau chuyến ra khơi

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/6/2022 | 4:24:59 PM

Từ một xã vùng biển chịu nhiều áp lực về rác thải trên biển, đến nay, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường biển. Ngư dân cũng đã ý thức hơn việc đưa rác về bờ sau mỗi chuyến ra khơi.

"Đưa rác vào bờ"

Xã Bình Minh hiện có khoảng 70% người dân làm nghề biển với 130 tàu thuyền đánh bắt xa bờ có công suất lớn, bình quân mỗi thuyền có từ 7-8 lao động, còn tàu câu mực thì khoảng từ 30- 40 thuyền viên/tàu trên một chuyến ra khơi dài ngày. Trong mỗi chuyến vươn khơi dài ngày, ngư dân phải chuẩn bị rất nhiều thức ăn nước uống tiện lợi. Theo thói quen, sau khi sử dụng, một phần vỏ thức ăn, nước uống dạng bao bì, lon, chai nhựa,  các thuyền viên thường vứt xuống biển. Điều này gây ảnh hưởng môi trường và đa dạng sinh học biển, nhất là hệ san hô.


Sau mỗi chuyến vươn khơi, tàu cá của ngư dân ở xã Bình Minh mang về túi đựng đầy ắp vỏ chai nhựa 

Trước thực tế này, bắt đầu từ tháng 4/2022, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Minh phát động mô hình "Thu gom rác thải từ biển vào bờ và biến rác thành tiền”, kêu gọi các tàu đánh bắt xa bờ thu gom lon, vỏ chai, bao ni lon qua sử dụng và mang vào bờ được nhiều ngư dân ủng hộ. Mô hình vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tạo công ăn việc làm cho hội viên, phụ nữ và gây quỹ tình thương giúp trẻ mồ côi và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.


Số vỏ chai được bán đi và góp và quỹ hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Ông Đặng Bảy (chủ tàu cá ở thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) cho biết, trước đây, nhiều ngư dân có thói quen sau khi uống nước đóng chai sẽ vô tình vứt xuống biển làm ô nhiễm môi trường. Sau khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã kêu gọi bảo vệ môi trường, ông cùng các thuyền viên cũng bắt đầu thay đổi thói quen bảo vệ môi trường biển.

"Không vứt rác xuống biển, không những bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ được nguồn hải sản để chúng tôi đánh bắt. Ngoài ra, việc này rất ý nghĩa bởi nguồn lon, chai nhựa thu gom có thể bán, tạo quỹ hỗ trợ cho trẻ em khó khăn tại địa phương” – ông Bảy nói.


Sau hơn 2 tháng vận động đã có 27 tàu ở  xã Bình Minh tham gia mô hình này.

Phấn khởi vì cảm thấy việc mình làm có ý nghĩa thiết thực, các ngư dân trên tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở Bình Minh cho hay ngoài việc thu gom rác thải trên tàu mình, mỗi chuyến đánh bắt lâu ngày trên biển, họ còn thu gom rác trôi nổi trên mặt nước biển, khi gặp.

Tạo thành phong trào, thay đổi ý thức

Chia sẻ về những hoạt động hiệu quả từ mô hình "đưa rác vào bờ”, bà Đặng Thị Mỹ Ly - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Minh cho biết, với bình quân 7- 8 người trên một tàu, toàn bộ rác thải trên tàu nếu không có biện pháp thu gom thì khả năng tất cả đều đổ xuống biển, gây ô nhiễm môi trường biển. Từ thực trạng đó, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã triển khai nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn và làm giảm rác thải ra môi trường biển.


Rác thải nhựa được thu gom trong hành trình đánh bắt ngoài khơi của các tàu cá ở Bình Minh

Để thực hiện được mô hình, ban đầu hội cử các chị trong Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã trực tiếp đến vận động chủ tàu thuyền ký cam kết mang rác thải nhựa và lưới hỏng về bờ cho chị em thu gom để tái chế, bán phế liệu đóng góp xây dựng quỹ tình thương.

Cạnh đó, hội còn xây dựng nội quy thu gom rác thải nhựa dán trên các tàu thuyền, thành lập tổ hợp tác đan vá lưới, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho chủ tàu thuyền; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đan túi lưới từ các loại lưới hỏng cho hội viên phụ nữ để tái sử dụng.


Chị em phụ nữ cùng ngư dân thu gom rác thải nhựa

Bà Đặng Thị Mỹ Ly cho hay: Sau khi ra mắt mô hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ thường xuyên yêu cầu các chi hội kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các thành viên trong tổ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của các tổ thuyền. Đề xuất kịp thời những yêu cầu cần giúp đỡ của từng tổ thuyền về Hội Liên hiệp phụ nữ xã để có hướng giải quyết.

"Đến nay việc làm sạch biển, xóa bỏ rác thải nhựa đã trở thành phong trào ở địa phương. Hiện nay 27 tàu chụp mực tham gia mô hình đều thực hiện thu gom rác thải hiệu quả. Qua 3 đợt thu gom, phân loại, hội đã bán rác thải với tổng số tiền hơn 5 triệu đồng.”- bà Ly phấn khởi cho biết.


Người dân ra quân dọn vệ sinh, thu gom túi nilong bảo vệ môi trường biển

Ngoài rác thải, hội còn vận động, thu gom lưới đã qua sử dụng, sau đó đan thành những chiếc túi và phát lại để các tàu đựng rác. Mô hình "Thu gom rác thải từ biển vào bờ và biến rác thành tiền” phát động đã làm thay đổi nhận thức, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong ngư dân. Thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Minh tiếp tục vận động các tàu đánh bắt gần bờ và các tàu câu mực khơi thực hiện mô hình này.

Theo Báo TN&MT