Mức lương của công nhân vệ sinh môi trường chưa đủ để trang trải cuộc sống, nuôi con

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/6/2022 | 4:38:25 PM

QLMT - Nếu trước đây mức thu nhập bình quân 7,3 triệu đồng/tháng có thể chấp nhận được. Thế nhưng, hiện nay, khi giá cả mọi mặt hàng thiết yếu đều tăng thì mức thu nhập này chưa đủ để người lao động trang trải cuộc sống.

Sáng 22-6, tại Hà Nội, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) đã tổ chức Hội nghị Người Lao động năm 2022. Ông Lê Anh Tuấn - Chủ tịch HĐTV Công ty; Ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng Giám đốc Công ty đồng chủ trì Hội nghị.


Hội nghị Người Lao động năm 2022 của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco)

Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Urenco Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ, năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty.

Tuy nhiên, Urenco đã kịp thời đưa ra các giải pháp như: tiết giảm chi phí quản lý, rà soát các chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, tổ chức lại sản xuất... Từ đó, đã đảm bảo ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.


Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua được nhận Cờ, Bằng khen của TP.

Ông Nguyễn Hữu Tiến thông tin, năm 2021, mặc dù doanh thu của đơn vị chỉ đạt 58% só với kế hoạch đề ra (10,8 tỷ/18,8 tỷ đồng), nhưng đơn vị đã nỗ lực để đảm bảo thu nhập bình quân cho cán bộ, công nhân viên là 7,3 triệu đồng/tháng. Song, đây vẫn là mức thu nhập chưa tương xứng với công sức mà người lao động đã phải bỏ ra.

Về việc này, ông Nguyễn Hữu Tiến dẫn chứng, nếu trước đây mức thu nhập bình quân 7,3 triệu đồng/tháng có thể chấp nhận được. Thế nhưng, đến thời điểm này, khi giá cả mọi mặt hàng thiết yếu đều tăng, đặc biệt giá xăng, dầu tăng mạnh đã khiến mức thu nhập này chưa đủ để người lao động trang trải cuộc sống, lo toan cho con cái.

Mặt khác, những năm gần đây, bãi rác Nam Sơn thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc do quá tải, đường dẫn lên bãi xuống cấp, ảnh hưởng của mưa bão... khiến công tác duy trì VSMT, vận chuyển rác thải gặp rất nhiều khó khăn. "Nếu trước đây, thời gian vận chuyển một xe rác từ khu vực nội thành lên bãi rác Nam Sơn chỉ mất khoảng 3 tiếng, thì nay phải mất đến 7 tiếng” - ông Nguyễn Hữu Tiến cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tiến, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của các tập thể cán bộ, công nhân viên đơn vị, năm 2021, Công ty Urenco đã đạt được những kết quả khả quan được Nhân dân, lãnh đạo các cấp ghi nhận, đánh giá cao.

Tập trung chăm lo cho người lao động

Trao đổi với PV về nội dung thực hiện quyền làm chủ của người lao động, ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Đối với đơn vị đặc thù như Urenco, Hội nghị là dịp để người lao động được trình bày những mô hình tốt, sáng kiến hay, kinh nghiệm giá trị nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác VSMT. Đặc biệt, đây là dịp để người lao động nói lên tâm tư nguyện vọng, những vướng mắc khó khăn cần kịp thời động viên, tháo gỡ; từ đó, tạo điều kiện cho người lao động yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với Công ty.

Đánh giá cao vai trò của Công đoàn trong việc phối kết hợp cùng chính quyền giám sát, quản lý, nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm; đồng thời tích cực chăm lo tới đời sống người lao động, Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ: "Công đoàn là cánh tay nối dài của Công ty, đưa tiếng nói của Ban Giám đốc Công ty tới người lao động và chuyển tâm tư nguyện vọng, tiếng nói của người lao động tới Ban Giám đốc. Xuất phát từ vai trò quan trọng đó, nhiều năm qua, Ban Giám đốc Công ty đã tạo điều kiện để Công đoàn làm tốt chức năng của mình, đặc biệt trong công tác nắm bắt tình hình tư tưởng người lao động để Ban Giám đốc có những giải pháp động viên, quan tâm phù hợp, kịp thời”.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Hoàng Thị Bích Hạnh cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc và phát huy vai trò chức năng nhiệm vụ của Công đoàn, Công đoàn cơ sở đã chủ động xuống tận địa bàn nắm tình hình công tác, đời sống cũng như tâm tư nguyện vọng của người lao động để kịp thời thông tin đến Ban Giám đốc và các phòng ban chức năng. Từ tham mưu đề xuất của Công đoàn, nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng người lao động của Công ty đã được thực hiện. Liên đoàn Lao động thành phố đã hỗ trợ nhà mái ấm cho đoàn viên công đoàn, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn; bồi dưỡng người lao động có kết quả vượt năng suất, thời gian; hỗ trợ học phí cho conCBCNVNLĐ đang trong độ tuổi đi học.


Nghề quét rác gắn liền với "bụi khói", vất vả và thầm lặng để môi trường sống xanh, sạch, đẹp

Trong năm 2021,trước tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa, cán bộ, công nhân viên phải bố trí làm việc 3 tại chỗ để đảm bảo công tác VSMT cho phòng, chống dịch, đại diện Công ty và Công đoàn đã đến trao quà, động viên người lao động làm việc tại các khu vực cách ly.

Định kỳ hằng năm, Công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho gần 3.000 CBCNVNLĐ toàn Công ty; định kỳ khám sức khỏe đối với công nhân làm công việc nặng nhọc… Duy trì các hoạt động truyền thống như trợ cấp, thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình Thương binh liệt sĩ, gặp mặt chúc Tết Ban liên lạc hưu trí, cán bộ lãnh đạo Công ty qua các thời kỳ… tặng quà các đối tượng gia đình có 3 thế hệ công tác tại Công ty, tặng quà cho con CBCNV dịp 1/6… Tổng giá trị các hoạt động chăm lo cho người lao động trong năm 2021 lên tới hàng tỷ đồng. Đây là một cố gắng rất lớn của Công ty trong điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, khó khăn.

Sự quan tâm của Công ty đã mang lại những hiệu quả tích cực, động viên người lao động vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa duy trì không khí lao động vui tươi và xây dựng tình đoàn kết gắn bó. Ở Tổ Môi trường 6, Chi nhánh Hai Bà Trưng là một ví dụ. Tổ Môi trường 6 có 32 công nhân, phụ trách địa bàn phường Bạch Mai, Quỳnh Lôi và Trương Định. Đây là địa bàn rộng, nhiều ngõ nhỏ, lại gần khu vực bệnh viện, vì thế lượng rác thải ra khá nhiều và phức tạp. Tuy nhiên, theo chị Phạm Thị Hòa - Tổ trưởng Tổ môi trường 6, được sự quan tâm động viên của Công ty và Chi nhánh Hai Bà Trưng, Tổ 6 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ duy trì vệ sinh và tích cực chăm lo đời sống tinh thần cho anh chị em trong Tổ thông qua các hoạt động chung, vì thế, không khí lao động ở Tổ lúc nào cũng vui như Tết. Chị bảo: "Những đợt rác nhiều, anh chị em phải làm tăng thời gian, Công ty và Chi nhánh lại có bồi dưỡng "nóng”, xúc động lắm”.

Không riêng chị Hòa, nhiều công nhân đã đến dự Hội nghị với tâm thế vui vẻ, tự tin thể hiện lời ca tiếng hát, bình đẳng trao đổi những ý kiến, tâm sự với đồng nghiệp và cấp trên. Anh chị em công nhân chia sẻ rằng, các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động được duy trì thường xuyên; đặc biệt, nhiều người rất ấn tượng với phương châm thực hiện công tác từ thiện xã hội của Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Tiến, đó là: Làm từ thiện không phải ở đâu xa mà phải bắt đầu ngay tại đơn vị mình, với đồng nghiệp của mình, là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Không khí dân chủ, thân tình cùng những chia sẻ của CBCNVNLĐ đã mang đến cho các đại biểu dự Hội nghị nhiều ấn tượng tốt đẹp. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trường Sơn - Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội nhận định: Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội không chỉ là một đơn vị có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng trong sứ mệnh bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường Hà Nội, mà còn là một điển hình của tinh thần dân chủ, đây là truyền thống tốt đẹp, văn hóa, nhân văn cần gìn giữ và phát huy.

Lấy con người làm trung tâm trong Chiến lược phát triển Công ty

Thời gian tới, nhằm hiện thực hóa mục tiêu Giữ gìn vệ sinh môi trường (VSMT) Hà Nội Xanh - Sạch - Đẹp cùng với chú trọng nhiệm vụ hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo VSMT; xây dựng hình ảnh đô thị văn minh… Công ty sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác hợp đồng dịch vụ, hướng tới tăng nguồn doanh thu ngoài ngân sách, tập trung vào các mảng đầu tư công nghệ xử lý chất thải hiện đại đáp ứng nhu cầu thực tế; Đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế xanh - kinh tế bền vững của đất nước với nhiệm vụ đặc thù thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn thông qua hoạt động kinh doanh rác tái chế; Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành sản xuất…

Đặc biệt, xác định lấy người lao động là chủ thể, là trung tâm trong Chiến lược phát triển, Công ty sẽ tập trung xây dựng và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực thông qua lập quy hoạch cán bộ, phương án tổ chức, sắp xếp bố trí hợp lý nhân lực theo yêu cầu cụ thể, đảm bảo mọi người có việc làm phù hợp, ổn định và phát huy hiệu quả công việc.

Nghiên cứu và đề xuất chương trình đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Tổ chức nhiều lớp đào tạo tại chỗ về các chuyên ngành liên quan. Tham mưu, đề xuất để cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo ngắn ngày nhằm nâng cao nghiệp vụ cho các bộ quản lý các cấp.

Nghiên cứu đổi mới chính sách tiền lương, chính sách tuyển dụng nhằm thu hút được lực lượng lao động có trình độ, kinh nghiệm, tay nghề cao, tập trung vào một số lĩnh vực: tự động hoá, cơ khí chế tạo, marketing, xử lý môi trường, truyền thông.

Tăng cường kỷ luật lao động, xây dựng tác phong công nghiệp, cơ chế quản lý lao động linh hoạt, phát huy được năng lực cá nhân và sức mạnh tập thể.

Tiếp tục hoàn thiện và triển khai đề án vị trí việc làm khối văn phòng Công ty, tinh giản bộ máy gián tiếp để nâng cao, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy gián tiếp. Điều chỉnh, hoàn thiện các quy trình, quy định của Công ty trong việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ để tăng cường tiết kiệm và chống tham nhũng.

Với tinh thần "Đổi mới - Phát triển” trên nền tảng các giá trị truyền thống tốt đẹp và tinh thần dân chủ, bằng sự quan tâm, chăm lo phát triển nguồn lực con người, tin rằng, Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) sẽ ngày càng ổn định và phát triển không chỉ xứng tầm là đơn vị hàng đầu bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường Hà Nội, mà còn nâng cao chất lượng môi trường doanh nghiệp chính quy, hiện đại, dân chủ, nhân văn.

"Quét rác là cái nghề mà được ít người coi trọng, bởi làm nghề này lúc nào người quét rác cũng phải khoác lên mình bộ trang phục màu xanh có phản quang với chiếc mũ cùng đôi giày vải. Bộ trang phục thường trông cũ kỹ bởi họ phải mặc hàng ngày và phải đến những nơi bụi bẩn, hôi hám. Thậm chí có những người còn xa lánh, coi thường công nhân quét rác. Đôi khi, chị em chúng tôi làm việc mệt quá, tranh thủ ngồi nghỉ trước nhà họ một chút thì bị xua đuổi. Đối với công nhân dọn vệ sinh, vất vả nhọc nhằn trong công việc cũng không đáng buồn bằng thái độ kỳ thị của mọi người đối với họ. Nhiều người vẫn biện minh cho hành động vứt rác bừa bãi là tạo điều kiện cho người quét rác làm việc. Họ nói đã nhận lương thì phải làm việc. Thử hỏi nếu những con người luôn có thái độ coi thường ấy phải làm công việc của người quét rác thì liệu có làm nổi dù chỉ một ngày?

Vượt qua những buồn vui và những hiểm nguy trực chờ. Chúng tôi vẫn luôn tự hào, khi hình ảnh của mình được khắc hoạ trong bài thơ "Tiếng chổi tre” của Nhà thơ Tố Hữu, đã làm xúc động bao người trong mấy chục năm qua, tôi xin gửi gắm bài thơ thay cho lời kết bài cảm nhận về nghề quét rác của mình " … Những đêm Đông/Khi cơn dông vừa tắt/ Tôi đứng trông/Trên đường lặng ngắt/ Chị lao công như sắt, như đồng/ Chị lao công. Đêm Đông quét rác…..Sáng mai ra/Gánh hàng hoa/ Xuống chợ hoa Ngọc Hà/Trên đường rực nở. Hương bay xa/ Thơm ngát đường ta”. Một công nhân môi trường Urenco Hà Nội chia sẻ.

An Na