Khơi nguồn nước sạch Ba Vì

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/6/2022 | 5:24:48 PM

Cùng với thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất xứ Đoài tiềm năng kinh tế, địa linh cũng tạo cho con người nơi đây những phẩm chất nhân văn. Nước sạch ở Ba Vì là một trong những câu chuyện tử tế nhân văn ấy.

Kể từ khi các nhà máy nước chưa xuất hiện, Ba Vì đã được thừa hưởng nguồn nước ngọt dồi dào từ 3 con sông hùng vĩ và thơ mộng: sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Ở nơi hợp lưu tạo thành Ngã ba Bạch Hạc này, "nước sông Lô thì xanh, sờ tay xuống thấy mát. Nước sông Hồng thì đỏ, sờ tay xuống thấy ấm. Còn nước sông Đà vì chảy qua nhiều núi đá, nên chạm tay vào thì lạnh”. 3 dòng vừa tách bạch vừa hợp quần, cuồn cuộn vờn quấn vào nhau. Nơi ấy, là vùng nước thiêng.


Vận hành hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt tại Nhà máy nước sạch Sông Đà Ba Vì. Ảnh: Việt Hùng

Bởi được "uống” nguồn nước dồi dào mang nặng phù sa nên dẫu ngự trên hình thái địa chất đồng bằng bán trung du nhưng Ba Vì hiện lên là một vùng bờ xôi ruộng mật, đồng bãi bát ngát quanh năm tươi tốt, mùa vụ sai quả trĩu cành; dưới sông cá tôm quần tụ.

Cũng bởi thừa hưởng sự kiến tạo tuyệt vời của địa chất đã tạo cho Ba Vì một hệ thống mạch ngầm phong phú với nguồn nước ngọt được cất lên từ các giếng đào. Những chiếc giếng thăm thẳm như đôi mắt xứ Đoài chứa trong lòng nguồn nước trong vắt ngọt ngào được lọc qua các thớ mạch đá ong. Những chiếc giếng đã bền bỉ đồng hành cùng bao thế hệ, kể cả cho đến khi khoa học công nghệ cùng những cơ sở hạ tầng của đời sống thị thành chạm vào Ba Vì, trang bị cho người dân hệ thống cấp nước máy đã qua thanh lọc kiểm tra thì những chiếc giếng thiêng vẫn tồn tại trong đời sống và tâm thức xứ Đoài.

Là ngoại vi Thủ đô nên các giá trị đô thị thâm nhập vào Ba Vì từ rất sớm. Ba Vì cũng đồng thời tiếp nhận nó một cách tiên tiến hiện đại văn minh. Những người con sinh ra lớn lên trên đồng bãi Ba Vì, đủ lông đủ cánh bay đi, rồi chính những người con ấy lại mang kiến thức trở về xây dựng quê hương, phục vụ người dân. Như câu chuyện về nước sạch Ba Vì hôm nay mà chúng tôi từng gặp.

Nhân vật chính trong câu chuyện này là bác sĩ, bởi thế, anh hiểu hơn ai hết nước sạch cần cho cuộc sống thế nào. Càng ý nghĩa hơn khi cần cho chính những người dân quê anh. May mắn làm sao, công việc trước đó đã cho anh một "vốn liếng” cơ sở vật chất sẵn có, đủ để không phải đầu tư quá sức khi bắt tay vào xây dựng Nhà máy nước sạch Sông Đà Ba Vì. Nếu có gọi là cơ duyên, thì theo anh, chút duyên lành là như thế.

Không có thành công nào được trải bằng hoa hồng, nhất là buổi sơ khai san đồi bạt núi, gầy dựng cơ sở; làm sao để vừa có một cơ ngơi bền vững, đảm bảo chất lượng cấp nước sạch, vừa đảm bảo giá thành hợp lý cho dân là cả một bài toán khó khăn, thế nhưng, khi hỏi về khó khăn, chúng tôi chỉ gặp câu trả lời: "Chả có gì đâu, cứ thế mà làm thôi”.

Đúng là, trong anh chẳng có gì, ngoài kiến thức và tình yêu quê hương, nó đủ lớn để mọi thứ trở nên lặng lẽ, cả sự tử tế cũng lặng lẽ không ngờ. Nếu gặp anh ở ngoài đời, sẽ nghĩ đấy là một nông dân thực thụ mà ít ai biết, anh là "tác giả” của một nhà máy nước sạch theo đúng nguyên tắc sạch của một bác sĩ. Chính vì cuộc đời cho anh là bác sĩ nên vận hành nhà máy cũng theo nguyên tắc khá khắt khe. Phong cách có thể xuề xòa, nhưng quy chuẩn áp dụng trong sản xuất nước sạch thì bất di bất dịch. Nếu có thay đổi, sự thay đổi duy nhất đó là nâng cao hơn các chỉ số sạch cho nước.

Người ta nói rằng tướng nào quân ấy, quả không sai. Gặp kỹ sư Nguyễn Anh Thi, hỏi đâu cũng chỉ gặp nụ cười. Sự đồng điệu trong quan điểm sống và gắn bó với quê đã kéo họ lại gần nhau và chỉ một lời mời, thế là Thi trở thành người của Nhà máy. Chỉ tay lên dòng chữ "Nước là mạch máu của sự sống”, Thi bảo: "Nếu như chất lượng nước cung cấp cho bà con mà không đảm bảo là mình có tội”.

Tuân thủ các nguyên tắc trong công việc là yêu cầu bắt buộc của tất cả cán bộ, nhân viên ở đây. Kỹ sư Đỗ Minh Chương là một điển hình. Người đàn ông có gương mặt hồn hậu đã quá quen với công việc trực 24/24h; đo quan trắc 30 phút/lần/ngày (những ngày mưa lũ, cường độ đo sẽ tăng lên). Theo anh, công việc này đòi hỏi tính kiên trì, nhưng cao hơn, đòi hỏi người kỹ sư phải có một trái tim. Bởi "đằng sau mỗi chỉ số của chúng tôi là sức khỏe của người dân. Chúng tôi thấy được ý nghĩa công việc mình đang làm, hiểu rằng, sự tử tế mang lại cho cuộc đời những giá trị sống cao hơn vật chất khác. Vì vậy, với công việc, không cần phải nhiều lời”.


Một góc Ba Vì

Định kỳ, mẫu nước đều được Nhà máy gửi đi kiểm tra thông số an toàn từ các cơ quan chức năng. Trong tháng 4/2022, các phiếu kết quả thử nghiệm 77 thông số do Trung tâm phân tích chất lượng môi trường (Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm và công nghệ Việt Nam); 19 thông số do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội); 1 mẫu quan trắc nước sản xuất và chế biến thực phẩm do Trung tâm Quan trắc phóng xạ và đánh giá tác động môi trường thực hiện đều cho kết quả tốt; các chỉ số độc hại đều dưới ngưỡng cho phép nhiều lần, thậm chí đến hàng chục lần.

Trao đổi với chúng tôi, một thành viên Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế IDP - Nhà máy Ba Vì, với các sản phẩm sữa tươi tiệt trùng 100% tự nhiên sản xuất theo công nghệ Nhật Bản cho biết: "Trong hành trình "Đem yêu thương từ nông trại đến với mọi nhà” của IDP, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành tin cậy của Nhà máy nước sạch Sông Đà (Ba Vì). Cùng với hàng chục chỉ tiêu hóa lý, chỉ tiêu vi sinh bắt buộc đối với nước uống theo WHO, UNICEF và đáp ứng quy chuẩn do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế Việt Nam quy định thì sản phẩm nước sạch của Nhà máy còn đáp ứng rất tốt chỉ số TDT (nước mềm) - chỉ số đặc trưng trong quy trình chế biến, sản xuất các sản phẩm sữa. Có thể nói, trong quá trình hợp tác, chúng tôi đã gặp nhau ở chữ tín và các giá trị nhân văn”.

Cùng với IDP, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, các trường học, cơ quan và hộ dân đều yên tâm sử dụng nước của Nhà máy. Là người dân sinh sống trên địa bàn thôn Tiên Phong, Thụy An, Ba Vì, ông Phan Văn Hướng hồ hởi chia sẻ: "Người dân quê tôi cảm thấy hài lòng khi sử dụng nguồn nước này. Trước đây khi dùng nguồn nước khác thì quần áo và các vật dụng trong nhà bị ô xy hóa ngả màu xỉn hết. Nhưng mà từ khi chuyển sang sử dụng nước của Nhà máy thì lâu lắm rồi chúng tôi ở đây không bị sự cố gì do nguồn nước mang lại, nói thật là yên tâm lắm”.

Một khu điều hành hiện đại đang được xây lên. Rồi đây, không chỉ những kỹ sư mỗi 30 phút lại thăm đo, mà còn điều hành, kiểm soát toàn bộ hệ thống từ sớm từ xa, bao quát và trực tiếp, toàn diện và cụ thể; hiện thực hóa ước mơ hiện đại hóa công nghệ và nhân văn hóa con người để đi tới thực hiện mục tiêu càng nhiều người dân được dùng nước sạch càng tốt.

Nhưng, vẫn còn đó 3 xã Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì chưa có hệ thống cấp nước sạch và 2 xã Vân Hòa, Yên Bài chưa được lắp đặt mạng lưới cấp nước sạch. Ước mong của người dân cũng như của cán bộ, công nhân Nhà máy nước sạch Sông Đà Ba Vì đó là được Nhà nước hỗ trợ trang thiết bị ban đầu vì đây là các xã có địa hình khó khăn. Như vậy, Nhà máy sẽ đủ sức vươn tới cấp nước cho các địa bàn này. Câu chuyện Nhà nước và nhân dân cùng làm trong công tác xã hội hóa nước sạch ở Ba Vì đang cần một quyết sách mạnh mẽ từ chính quyền.

Trong tương lai, Nhà máy sẽ được nâng công suất từ 15.000m3 lên 60.000 - 100.000m3/ngày - đêm để cấp nước sạch cho toàn địa bàn huyện và bổ sung nguồn nước cấp cho thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ theo Văn bản 2946 của UBND TP. Hà Nội và chủ trương đầu tư mở rộng của Chính phủ. Và như vậy, ước mơ bao phủ nước sạch toàn Ba Vì của những người con Ba Vì, có lẽ, sẽ có cơ hội thành hiện thực.

Theo Báo TN&MT