Chiến lược quản lý chất thải rắn bền vững cho Thành phố Hồ Chí Minh

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/6/2022 | 9:56:41 AM

QLMT - Hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt (QLCTRSH) phù hợp đóng một vai trò trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững như bảo vệ môi trường và sức khỏe con người; phát triển kinh tế và thực hiện các điều kiện cần thiết về quy định và xã hội.

TÓM TẮT

Nghiên cứu này nhằm xác định chiến lược tốt nhất để QLCTRSH bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống QLCTRSH được đánh giá bằng cách sử dụng quy trình phân tích thứ bậc (Analytical Hierarchy Process - AHP) thông qua ma trận so sánh theo cặp do mười một chuyên gia thực hiện. Nghiên cứu xác định ba tiêu chí chính (môi trường, xã hội, kinh tế) và mười hai tiêu chí phụ (ô nhiễm không khí, phát thải khí nhà kính, tiếng ồn, sử dụng đất đai; tạo việc làm, sự chấp nhận của công chúng, sức khỏe cộng đồng, chính sách;  chi phí vốn, chi phí vận hành và bảo dưỡng, chi phí đào tạo, doanh thu), đồng thời xem xét lựa chọn hệ thống QLCTRSH phù hợp trong số bốn giải pháp thay thế: chôn lấp, tái chế, làm phân compost và đốt rác. Kết quả cho thấy các bên liên quan coi khía cạnh môi trường là quan trọng nhất trong các khía cạnh xã hội, kinh tế. Giải pháp thay thế chuyển hóa chất thải thành năng lượng với mức độ ưu tiên xếp hạng là 41,4% được lựa chọn cho QLCTRSH bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Quy trình phân tích thứ bậc, xếp hạng kịch bản, đánh giá tính bền vững, quản lý chất thải
 
1. GIỚI THIỆU

QLCTRSH đã trở thành một vấn đề cốt yếu không chỉ do lượng chất thải ngày càng tăng nhanh mà còn do việc xử lý chất thải không đúng cách. Việc QLCTRSH không đúng cách, điển hình là thông qua các bãi chôn lấp và bãi thải lộ thiên, gây ra các tác động môi trường nghiêm trọng (Demirbas et al., 2011). Để giải quyết vấn đề này liên quan đến QLCTRSH bền vững, các cơ sở xử lý cần được thiết kế sau khi lập kế hoạch cẩn thận trong việc lựa chọn công nghệ dựa trên các lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường phù hợp nhất cho một thành phố (Menikpura et al., 2013).

Để thực hiện QLCTRSH phù hợp, các nhà ra quyết định thường hoạch định một chiến lược các mục tiêu của địa phương và khu vực. Hệ thống QLCTRSH phù hợp đóng một vai trò trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững như bảo vệ môi trường và sức khỏe con người; phát triển kinh tế và thực hiện các điều kiện cần thiết về quy định và xã hội (Soltani et al., 2015). Các phương pháp ra quyết định đa tiêu chí (Multi Criteria Decision Making - MCDM) đã được phát hiện đóng vai trò quan trọng và đầy thách thức trong QLCTRSH do sự tham gia của nhiều tiêu chí (Charnpratheep et al., 1997; Hung et al., 2007). Một số phương pháp MCDM đã được áp dụng trong lĩnh vực này, bao gồm ELECTRE (Electionet Choix Traduisant La Réalité) (Roy, 1991), PROMETHEE (The Preference Ranking Organization Method for Enrichment of Evaluations) (Mareschal và cộng sự, 1984), AHP  (Saaty, 1980), và TOPSIS (The Technique for Order of Preference by Similarity to Ideal Solution) (Yoon và Hwang, 1985).

Trong số các phương pháp MCDM, AHP được coi là một kỹ thuật hiệu quả để xếp hạng nhiều lựa chọn thay thế khi có một số tiêu chí và tiêu chí phụ trong quá trình ra quyết định (Tahriri và cộng sự, 2008). Đây là phương pháp được áp dụng nhiều nhất để nghiên cứu áp dụng MCDM trong QLCTRSH; sự kết hợp của các bên liên quan trong quản lý chất thải trở thành một vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định. Karamouz và cộng sự (2007) đã đánh giá việc quản lý chất thải rắn bệnh viện bằng AHP ở Iran. Các tác giả cũng đã xây dựng một quy hoạch tổng thể về chất thải rắn bệnh viện. Khan và Faisal (2008) đã áp dụng mô hình dựa trên quy trình mạng phân tích (ANP) cho các phương án xử lý CTRSH ở Ấn Độ. Các tác giả nhận thấy phân compost là một trong những phương pháp xử lý và tiêu hủy tốt nhất ở các Thành phố của Ấn Độ. Tuy nhiên, các tác giả đã xem xét một số lượng lớn các tiêu chí và tiêu chí phụ, làm cho mô hình trở nên phức tạp hơn. Lin và cộng sự (2010) đã thông qua phương pháp AHP để xác định và đánh giá mức độ ưu tiên rác tái chế ở Đài Loan. De Feo và De Gisi (2010) đã sử dụng AHP cho sự tham gia của các bên liên quan trong việc xếp hạng danh sách các cơ sở xử lý CTRSH phù hợp. 

Với những cân nhắc này, nghiên cứu đề xuất sử dụng phương pháp AHP để đánh giá hệ thống QLCTRSH cho Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tìm ra phương án quản lý chất thải bền vững dựa trên thành phần chất thải, ý kiến của các chuyên gia và đánh giá tổng thể về các công nghệ hiện tại. Đầu vào từ các chuyên gia đã được sử dụng trong ma trận so sánh từng cặp để xếp hạng các công nghệ. Nghiên cứu xác định một bộ tiêu chí đánh giá và các công nghệ tối ưu để QLCTRSH theo cách kinh tế hơn và bền vững hơn với môi trường.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 

Để phát triển một mô hình AHP, một đánh giá tài liệu đã được thực hiện để mô tả đặc điểm của các lựa chọn công nghệ để cải thiện hệ thống QLCTRSH tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ba nhóm tiêu chí chính môi trường, xã hội và kinh tế và mười hai tiêu chí phụ đã được lựa chọn dựa trên tổng quan tài liệu và tham khảo ý kiến của các chuyên gia được trình bày trong Bảng 1. Để thiết lập trọng số ưu tiên cho các tiêu chí, một bảng câu hỏi tham vấn đã được gởi đến các chuyên gia có trình độ chuyên môn làm việc tại các trường đại học, các viện nghiên cứu và các cán bộ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, công ty tư vấn môi trường. So sánh theo cặp được thực hiện bằng cách sử dụng kết quả bảng câu hỏi. Một thứ tự ưu tiên xếp hạng được thiết lập cho các công nghệ thay thế.

2.1 Phân tích AHP

Đối với một số cấp độ của cấu trúc thứ bậc, các thang đánh giá khác nhau được xác định để ưu tiên lựa chọn thay thế đối với từng tiêu chí và trọng số của tiêu chí. Trong hệ thống phân cấp này, tất cả các trọng số được tính toán thông qua so sánh theo cặp theo thang điểm từ 1 đến 9 để định lượng (Contreras et al. 2008).

Theo Saaty (1980), mỗi bên liên quan trước tiên cần đưa ra quyết định của riêng mình và sau đó áp dụng theo bốn bước của AHP. Bước 1, thiết lập các vấn đề thành một cấu trúc phân cấp, bao gồm ba cấp độ tiêu chí chính, tiêu chí phụ và phương án thay thế thể hiện trong Hình 1. Bước 2, một ma trận so sánh theo cặp giúp xác định trọng số của từng tiêu chí và phương án thay thế, xác định tiêu chí nào được ưu tiên hơn cả. Trong bước này, tất cả các trọng số có thể được tính toán thông qua so sánh theo cặp liên quan đến thang trọng số 9 điểm. Bước 3, kiểm tra tỷ lệ nhất quán (CR) để đảm bảo kết quả thu được có độ tin cậy phù hợp (CR<0,1). Bước 4, tính điểm cho các phương án và xếp hạng trọng số toàn cục. Xác định mức độ ưu tiên cuối cùng của các lựa chọn thay thế dựa trên các ưu tiên và trọng số của các tiêu chí. 

Sau đó, giải pháp thay thế phù hợp nhất được xác định và đề xuất bằng cách so sánh trọng số toàn cục. Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng bộ tính tự động trọng số bằng phần mềm Excel.
 
Bảng 1. Các chỉ tiêu phân tích tính bền vững của mô hình QLCTRSH

Tiêu chí

Mô tả

1. Các tiêu chí phụ trên khía cạnh môi trường

1. Ô nhiễm không khí, đất, nước

Ảnh hưởng đến chất lượng không khí về việc thải các chất ô nhiễm, khả năng giảm thiểu chất thải trước khi chôn lấp. Nước phân tán do chôn lấp và từ các nhà máy ủ phân dẫn đến ô nhiễm nguồn nước dẫn và môi trường đất.

2. Phát thải khí nhà kính

Lượng khí metan và các khí nhà kính khác phát thải vào khí quyển khi chôn lấp hoặc đốt.

3. Tiếng ồn và rung động

Tiếng ồn và rung động từ các cơ sở xử lý.

4. Sử dụng đất đai

 

Mức độ ảnh hưởng đến việc sử dụng đất (diện tích đất cần cho bãi chôn lấp hoặc nhà máy xử lý), diện tích cho làm phân,…

2. Các tiêu chí phụ trên khía cạnh xã hội

1. Sự chấp nhận, nhận thức của công chúng

 

Có thể thúc đẩy khả năng chấp nhận của cộng đồng địa phương, các giải pháp thay thế không gây tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống hoặc sức khỏe con người.

2. Tạo việc làm

Số lượng việc làm được tạo ra để vận hành thiết bị xử lý.

3. Sức khỏe cộng đồng

Sức khỏe của cộng đồng phù hợp với việc quản lý chất thải được thực hiện.

4. Chính sách

Thiết lập chính sách hoặc lập kế hoạch cho hệ thống quản lý.

3. Các tiêu chí phụ trên khía cạnh kinh tế

1. Chi phí vốn

 

Khoản chi phí đầu tư sử dụng công nghệ (cơ sở hạ tầng, thiết bị, địa điểm lắp đặt). Nó bao gồm các chi phí phát sinh trong quá trình thu gom, vận chuyển rác, các điểm hẹn và xử lý cuối cùng tại bãi chôn lấp.

2. Chi phí vận hành và bảo trì

Liên quan đến số tiền phải chi trong quá trình vận hành thay thế, vật liệu, điện, bảo trì, lao động.

3. Chi phí tuyển dụng và đào tạo

Nhân viên được yêu cầu có trình độ kiến ​​thức để vận hành và kiểm soát; hệ thống vận hành thay thế dễ dàng và không phức tạp.

4. Doanh thu/lợi ích

Doanh thu từ bán phế liệu, điện hoặc bán sản phẩm phân.



Hình 1. Sơ đồ minh họa hệ thống phân cấp của AHP
 
2.2 Đánh giá công nghệ và dữ liệu được sử dụng

Bốn giải pháp thay thế cho hệ thống quản lý chất thải bao gồm chôn lấp, tái chế, làm phân compost, đốt rác được tóm tắt trong Bảng 2.

Bảng 2. Mô tả hệ thống quản lý CTRSH thay thế

Công nghệ

Mô tả

Chôn lấp

Bãi chôn lấp kỹ thuật hoặc bãi chôn lấp hợp vệ sinh không thu hồi năng lượng và không có hệ thống phân loại, được gọi là hệ thống xử lý thông thường ở hầu hết các thành phố hiện nay.

Tái chế

Chất thải được phân loại tại nguồn nhằm làm giảm khối lượng rác ra bãi chôn lấp, phần được phân loại có thể tái sử dụng, tái chế cho ra các sản phẩm mới không gây độc hại.

Ủ phân

Ủ phân compost từ hệ thống phân loại tại nguồn hoặc từ nhà máy MBT.

Đốt

Đốt thu hồi năng lượng từ nhà máy MBT, nhiên liệu cung cấp cho nhà máy nguồn gốc từ rác thải (RDF).


3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 

3.1 Xây dựng các tiêu chí đánh giá và chỉ tiêu môi trường, xã hội, kinh tế cho hệ thống QLCTRSH 

3.1.1 Xây dựng các tiêu chí đánh giá cho hệ thống QLCTRSH

Những phát hiện từ nghiên cứu tài liệu liên quan đến các thành phố lớn ở các nước phát triển chỉ ra rằng các khía cạnh môi trường là yếu tố quan trọng nhất của các bên liên quan, tiếp theo là các vấn đề xã hội, kinh tế và kỹ thuật (Contreras và cộng sự 2008; Longden và cộng sự 2007). Hình 2 cho thấy trọng số của các tiêu chí chính đối với các ưu tiên từ chuyên gia về môi trường chiếm 37% được xem là yếu tố ảnh hưởng nhất đến việc xây dựng một hệ thống QLCTRSH bền vững của khu vực nghiên cứu, tiếp đến yếu tố về kinh tế 35,5% và yếu tố xã hội 27,5% ít ảnh hưởng nhất đến quá trình này.


Hình 2. Tổng hợp trọng số của các tiêu chí chính
 
3.1.2 Xây dựng các chỉ tiêu môi trường, xã hội, kinh tế cho hệ thống QLCTRSH 

Mười hai tiêu chí phụ được xác định trọng số để đánh giá mức độ ưu tiên được trình bày trong hình 3. Về tiêu chí môi trường thì chỉ tiêu ô nhiễm không khí, đất, nước được xếp hạng cao nhất thể hiện tầm quan trọng vượt trội của nó so với các chỉ tiêu còn lại. Tương tự, phát thải khí nhà kính có ảnh hưởng đến xếp hạng cho thấy ý thức cao của các bên liên quan đối với môi trường sống tự nhiên và đa dạng sinh học. Hình 3 thể hiện quan điểm của các bên liên quan về sự hợp tác từ cộng đồng trong bất kỳ quyết định nào như các dự án đặt nhà máy hay cơ sở xử lý chất thải là rất quan trọng và đều phải thông qua các chính sách. Tuy nhiên, ý kiến của các bên liên quan đã chứng minh rằng chính sách cho dù có quyền lực thế nào thì khi không được cộng đồng đồng thuận thì cũng không được chấp nhận. Nếu xét về kinh tế, chi phí vốn đầu tư vào cơ sở xử lý đóng một vai trò quan trọng được đánh giá cao chiếm phân nữa tổng các chi phí khác như bãi chôn lấp tiêu tốn lượng đất khá lớn. Xây dựng nhà máy MBT để vận hành đốt rác phát điện tuy không tốn diện tích đất lớn như bãi chôn lấp nhưng tiêu tốn khá lớn chi phí cho đầu tư nhà máy.


Hình 3. Tổng hợp trọng số của các tiêu chí phụ
 
3.2 Các tập hợp so sánh 

3.2.1 So sánh tiêu chí chính với bốn phương án

Mục đích của so sánh này xem xét tác động môi trường, xã hội, kinh tế với từng phương án thay thế. Lựa chọn những kết quả có tỉ số nhất quán CR<10% được trình bày trong Bảng 3. Đánh giá cho thấy việc chôn lấp mang lại nhiều lợi ích hơn về mặt kinh tế. Điều này có thể là do chi phí đầu tư ban đầu về vận hành và bảo trì ít hơn so với quản lý một nhà máy đốt, làm phân trộn và tái chế. Việc chôn lấp có vẻ không có lợi cho môi trường và phúc lợi xã hội. Cũng từ Bảng 3, giải pháp thay thế tái chế, làm phân compost và đốt được đánh giá cao về mặt môi trường. Làm phân các chuyên gia không lựa chọn về mặt xã hội và kinh tế vì khó đạt được tiêu chuẩn chất lượng phân khi ra thị trường và khả năng chấp nhận nó. Đốt rác được đánh giá ưu tiên đối với môi trường cũng như nền kinh tế. Điều này có thể là do tiềm năng của nó trong việc giảm thiểu chất thải và đốt cháy khí thải, mặt khác là thu hồi năng lượng. 
 
Bảng 3. Tóm tắt trọng số các tiêu chí chính cho bốn phương án thay thế


3.2.2 So sánh tiêu chí phụ với bốn phương án

* So sánh chỉ tiêu thuộc nhóm môi trường với bốn phương án: Việc sử dụng phương pháp chôn lấp và đốt để xử lý CTRSH có nhiều khả năng giải phóng các chất ô nhiễm vào môi trường không khí, đất, nước, các nhà máy đốt rác cần xử lý lượng tro bay (chất thải nguy hại). Điều này có nghĩa là chất lượng không khí chịu nhiều tác động hơn so với việc thải bỏ bằng các phương pháp tái chế và làm phân trộn. Việc tái chế bao gồm một loạt các quy trình có thể tạo ra tiếng ồn ảnh hưởng đến nhiều khu vực lân cận và môi trường xung quanh. 

* So sánh chỉ tiêu thuộc nhóm xã hội với bốn phương án: Sẽ có nhiều mối quan tâm hơn đối với sức khỏe cũng như sự an toàn của cộng đồng khi chôn lấp và ủ phân được sử dụng để xử lý CTRSH. Các tác động về mùi thường xảy ra ở các bãi chôn lấp hoặc trong quá trình làm phân do sự phân hủy và lên men của hầu hết các chất thải hữu cơ tạo ra nhiều khí dễ gây mùi (amoniac, hydro sunfua và mêtan). Việc chọn lựa bốn phương án các chuyên gia đều có sự quan tâm đến tạo việc làm cho người dân, do đó ưu tiên ở mức cao trong hầu hết các lựa chọn và đều có sự chấp nhận của cộng đồng là rất cần thiết để thực hiện thành công cho các giải pháp thay thế xử lý.

* So sánh chỉ tiêu thuộc nhóm kinh tế với bốn phương án: Trong Bảng 4, các bãi chôn lấp, nhà máy đốt rác, làm phân compost đều có mức ưu tiên cao về vốn, chi phí vận hành & bảo trì so với tái chế. Doanh thu có nhiều khả năng thành hiện thực hơn trong việc bán phân và điện khi áp dụng phương pháp ủ phân compost và đốt thu hồi năng lượng và khả thi hơn so với tái chế và chôn lấp. 
 
Bảng 4. Tóm tắt trọng số các tiêu chí phụ cho bốn phương án thay thế



3.3 Xếp hạng các phương án thay thế
 
Kết quả thu được từ mục 3.1, 3.2 nghiên cứu tính toán trọng số toàn cục của các phương án bằng cách nhân các ma trận này với nhau thể hiện trong Bảng 5 và được minh họa trong Hình 4. Đốt rác được các chuyên gia lựa chọn nhiều nhất trong tất cả các trọng số. Kết quả xếp hạng cuối cùng lần lượt là: 11,4%, 22,1%, 25,1% và 41,4% cho chôn lấp, tái chế, làm phân compost và đốt. Điều này cho thấy rằng đốt rác là phương thức xử lý CTRSH bền vững nhất. Việc làm phân compost cũng được quan tâm vì nó đứng thứ hai trong bài đánh giá cuối cùng. 

Do đó, có thể khẳng định rằng ý kiến từ các chuyên gia lựa chọn phương án đốt rác phát điện và làm phân compost cho hệ thống xử lý CTRSH bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một sự phát hiện thú vị ở đây là thực tế rất ít chuyên gia chọn giải pháp bãi chôn lấp làm ưu tiên hàng đầu của họ. Việc chôn lấp được coi là giải pháp thay thế tồi tệ nhất vì tác động môi trường cao hơn, yêu cầu không gian rộng và khó được công chúng chấp nhận. 
 
Bảng 5. Trọng số toàn cục của hệ thống QLCTRSH



Hình 4. Trọng số ưu tiên của hệ thống QLCTRSH cho Thành phố Hồ Chí Minh
 
4. KẾT LUẬN

Nghiên cứu này đánh giá hệ thống QLCTRSH bền vững, xem xét ba tiêu chí chính, mười hai tiêu chí phụ và bốn lựa chọn thay thế bằng cách sử dụng mô hình AHP ở Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy sở thích của các bên liên quan đối với các tiêu chí chính coi khía cạnh môi trường là quan trọng nhất, tiếp theo là các khía cạnh kinh tế, trong khi các khía cạnh xã hội có trọng số thấp nhất. Sự suy giảm chất lượng không khí, đất, nước ảnh hưởng đến môi trường sống, phát thải khí nhà kính cũng là mối quan tâm về môi trường của các nhà nghiên cứu cho bất kỳ hệ thống xử lý nào. Mối quan tâm đến sức khỏe và sự chấp nhận của cộng đồng, công việc làm được cho là chi phối các yếu tố xã hội. Chi phí vốn, chi phí vận hành và bảo trì, công suất bãi chôn lấp và ảnh hưởng của quy định là những tiêu chí quan trọng nhất trong các yếu tố kinh tế. Phương án đốt có trọng số cao và khả năng ít tác động đến môi trường là phương án được lựa chọn ưu tiên. Điều này đồng tình với công nghệ hiện đại được phát triển theo hướng công nghệ xử lý CTRSH bền vững và đây cũng là mô hình nghiên cứu lựa chọn cho hệ thống QLCTRSH tại Thành phố Hồ Chí Minh.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
Abba, A. H., Noor, Z. Z., Yusuf, R. O., Din, M. F. M. D., & Hassan, M. A. A. (2013). Assessing environmental impacts of municipal solid waste of Johor by analytical hierarchy process. Resources, Conservation and Recycling, 73, 188–196.  https://doi.org/10.1016/j.resconrec.2013.01.003

Bello Dambatta, A., Farmani, R., Javadi, A.A. & Evans, B. M. (2009). The analytical hierarchy process for contaminated land management. Advanced Engineering Informatics, 23(4), 433-441. https://doi.org/10.1016/j.aei.2009.06.006

Charnpratheep, K., Zhou, Q. and Garner, B. (1997). Preliminary landfill site screening using fuzzy geographical information systems. Waste Management and Research, 15(2), 97-215. https://doi.org/10.1177/0734242X9701500207

Contreras, F., Hanaki, K., Aramaki, T., & Connors, S. (2008). Application of analytical hierarchy process to analyze stakeholders preferences for municipal solid waste management plans, Boston, USA. Resources, Conservation and Recycling, 52, 979–991. https://doi.org/10.1016/j.resconrec.2008.03.003

Demirbas, M. F., Balat, M., & Balat, H. (2011). Biowastes to biofuels. Energy Conversion and Management, 52(4), 1815-1828. https://doi.org/10.1016/j.enconman.2010.10.041

De Feo, G. and De Gisi, S. (2010). Using an innovative criteria weighting tool for stakeholders involvement to rank MSW facility sites with the AHP. Waste Management, 30(11), 2370-2382.

Hung, M.L., Ma, H.W. & Yang, W.F. (2007). A novel sustainable decision making model for municipal solid waste management. Waste Management, 27(2), 209-219. https://doi.org/10.1016/j.wasman.2006.01.008.

Intharathirat, R. (2017). Sustainable municipal solid waste management systems for small and medium sized cities in Thailand. In Energy Volume Doctor of Engineering. 

Ishizaka, A., and Labib, A. (2011). Review of the main developments in the analytic hierarchy process, Expert Systems with Applications.

Karamouz, M., Zahraie, B., Kerachian, R., Jaafarzadeh, N. & Mahjouri, N. (2007). Developing a master plan for hospital solid waste management: A case study. Waste Management, 27(5), 626-638. https://doi.org/10.1016/j.wasman.2006.03.018.

Khan, S. & Faisal, M.N. (2008). An analytic network process model for municipal solid waste disposal options. Waste Management, 28(9), 1500-1508. https://doi.org/10.1016/j.wasman.2007.06.015.

Lin, C.H., Wen, L. and Tsai, Y.M. (2010). Applying decision making tools to national e-waste recycling policy: an example of Analytic Hierarchy Process. Waste Management, 30(5), 863-869. https://doi.org/10.1016/j.wasman.2009.11.012

Mareschal, B., Brans, J.P. and Vincke, P. (1984), PROMETHEE: A new family of outranking methods in multi-criteria analysis, ULB--Universite Libre de Bruxelles, Bruxelles.

Menikpura, S. N. M., Sang-Arun, J., and Bengtsson, M. (2013). Integrated solid waste management: An approach for enhancing climate co-benefits through resource recovery. Journal of Cleaner Production, 58, 34-42. https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2013.03.012

Roy, B. (1991). The outranking approach and the foundations of ELECTRE methods. Theory and Decision, 31(1), 49-73. doi: 10.1007/978-0-387-74759-0495

Saaty, T.L. (1980). The Analytical Hierarchy Process, McGraw-Hill, New York, NY.

Saaty, T.L. & Vargas, L.G. (2000). Models, Methods, Concepts and Applications of the Analytic Hierarchy Process, Kluwer Academic Publishers, Boston, USA.

Soltani, A., Hewage, K., Reza, B., & Sadiq, R. (2015). Multiple stakeholders in multi-criteria decision-making in the context of municipal solid waste management: A review. Waste Management, 35, 318-328. https://doi.org/10.1016/j.wasman.2014.09.010

Tahriri, F., Osman, M.R., Ali, A. and Yusuff, R.M. (2008). A review of supplier selection methods in manufacturing industries. Suranaree Journal of Science and Technology, 15(3), 201-208.

Yoon, K. & Hwang, C.L. (1985). Manufacturing plant location analysis by multiple attribute decision making: Part I-single-plant strategy. International Journal of Production Research, 23(2), 345-359. https://doi.org/10.1080/00207548508904712

Lê Phượng Giang1, Đinh Xuân Thắng2, Lê Hùng Anh3
1) Nghiên cứu sinh Viện KHCN&QLMT - Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
2) Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Môi trường Hoa Lư
3) Viện KHCN&QLMT - Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh