Sản xuất thuốc lá thải ra môi trường 80 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/5/2022 | 10:51:11 AM

QLMT - Ngành công nghiệp thuốc lá tạo ra khí nhà kính tương đương với 84 triệu tấn carbon dioxide, làm trái đất nóng lên và phá hủy các hệ sinh thái.

Thông tin trên được tiến sỹ Socorro Escalante - Quyền đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đưa ra khi phát biểu tại buổi Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25-31/5), do Bộ Y tế phối hợp với Trung Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức sáng 28/5 tại Hà Nội.

Sản xuất thuốc lá thải ra môi trường 80 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm
Ảnh minh hoạ

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong là những người không hút thuốc có tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

"Việc trồng trọt và sản xuất thuốc lá đầu độc không khí, nước, đất, các bãi biển và đường phố của chúng ta bằng các chất hóa học, chất thải độc hại, tàn thuốc và vi nhựa. Trồng thuốc lá góp phần vào nạn phá rừng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Mỗi năm, khoảng 3,5 triệu ha đất bị phá để trồng thuốc lá và 600 triệu cây bị chặt để lấy gỗ sấy nguyên liệu thuốc. Việc phá rừng dẫn đến suy thoái đất và làm giảm khả năng hỗ trợ các cây trồng khác của đất,” - tiến sỹ Socorro Escalante nhấn mạnh. 

Phát biểu tại buổi lễ Lễ phát động hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2022 được tổ chức tại UBND quận Hoàn Kiếm sáng 28/5, bà Lê Thị Thu - Quản lý chương trình Phòng chống tác hại của thuốc lá và bệnh không lây, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết: Việt Nam hiện là một trong 15 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới (với hơn 16 triệu người hút), trong đó 42,3% nam giới và 1,7% nữ giới hút thuốc lá, 28,5 triệu người không hút thuốc lá (với tỷ lệ 53,5%) thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà; 90% người không hút thuốc lá phơi nhiễm với khói thuốc tại nơi công cộng như nhà hàng, quán bar...; 30,9% phơi nhiễm tại nới làm việc; 47,7% học sinh từ 13-15 tuổi thường xuyên bị hút thuốc lá thụ động tại nhà.

Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 25 loại bệnh; 96,8% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, số người tử vong do hút thuốc lá mỗi năm ở Việt Nam là 40.000 người và con số này có thể gia tăng đến 70.000 vào năm 2030 nếu không có biện pháp hữu hiệu nào được thực thi nhằm ngăn chặn đại dịch này.

Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí khám, điều trị liên quan đến hút thuốc lá, giảm sút mất khả năng lao động vì ốm đau, tử vong sớm.

Ở Việt Nam gánh nặng kinh tế do sử dụng thuốc lá lên tới 25.4000 tỷ đồng (gần 1% GDP cả nước năm 2011), đây là tổng chi phí cho điều trị mà mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Bắc Lãm