Tăng cường nguồn lực cho xây dựng đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/5/2022 | 4:37:43 PM

QLMT - Xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên là chủ trương của Đảng và Nhà nước đã có từ rất lâu, nhưng do thiếu những cơ chế, chính sách đặc thù nên mục tiêu đặt ra chưa đạt được kết quả mong muốn.

Chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế trung tâm vùng

Thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) có vị trí chiến lược quan trọng tại khu vực Tây Nguyên, là địa danh nổi tiếng với Chiến thắng Buôn Ma Thuột lịch sử 10/3/1975, mở màn cho Đại thắng Mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; và thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột từ lâu được thế giới biết đến.

Năm 1995, nhân kỷ niệm 20 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, Chính phủ quyết định nâng cấp Buôn Ma Thuột từ thị xã lên thành phố (đô thị loại III). Đến năm 2005, Buôn Ma Thuột được Chính phủ công nhận là Đô thị loại II và 5 năm sau, vào ngày 8/2/2010, được Chính phủ công nhận là Đô thị loại I trực thuộc tỉnh. 

Trước đó, để tạo điều kiện cho thành phố Buôn Ma Thuột phát triển, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009, trong đó xác định các nhóm giải pháp, chính sách phân cấp mạnh hơn cho Thành phố và cho phép Thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế mới đối với những vấn đề mà thực tiễn Thành phố đặt ra.


Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột

Ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị có Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị, Kết luận số 67-KL/TW nêu rõ, thành phố Buôn Ma Thuột đã đạt được một số mục tiêu đề ra và có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định vai trò đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên với mức tăng trưởng tương đối nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách tăng khá dẫn đến sự gia tăng của quy mô nền kinh tế. Buôn Ma Thuột đã trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắc Lắk với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt các tiêu chí đặt ra, cùng với các đô thị khác như Đà Lạt, Pleiku, Kon Tum, Gia Nghĩa trở thành chùm đô thị hạt nhân của vùng Tây Nguyên.  

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố Buôn Ma Thuột vẫn chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên; chưa thực sự trở thành một cực tăng trưởng với những tác động lan tỏa tích cực tới các tỉnh thành khác trong Vùng. Định hướng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu: Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của Thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia. Tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên; phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

Đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Buôn Ma Thuột 


Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng văn bản pháp luật cho phép thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm tính thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố khác trong cả nước.

Ngày 09/7/2020 Chính phủ có Nghị quyết số 103/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu xây dựng Đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột.

Với sự phối hợp tích cực giữa Bộ KH&ĐT, tỉnh Đắk Lắk và Thành phố Buôn Ma Thuột trong việc xây dựng Đề án, Chính phủ đồng ý trình Quốc hội chủ trương xây dựng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột. Theo đó, căn cứ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận số 67-KL/TW và theo đề xuất của tỉnh Đắk Lắk, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội do Bộ KH&ĐT trình Chính phủ quy định thí điểm 5 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật (gồm 02 chính sách quản lý tài chính - NSNN; 01 chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; 01 chính sách phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; 01 chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt).

Cụ thể: Đề xuất cho phép tỉnh Đắk Lắk được vay vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; phần dư nợ tăng thêm so với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước dành toàn bộ để đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ % định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc thành phố Buôn Ma Thuột theo các nguyên tắc, tiêu chí tính dự toán chi thường xuyên năm 2022 cho dự toán chi thường xuyên năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Dự án đầu tư thuộc các ngành trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản; du lịch; y tế, giáo dục và đào tạo (trừ các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo các chính sách xã hội hóa); sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa tại TP Buôn Ma Thuột được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Về quản lý quy hoạch, trên cơ sở đồ án quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của thành phố Buôn Ma Thuột theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng quy định và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

Chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Hy vọng rằng, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được thông qua sẽ tăng cường nguồn lực cho lộ trình xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên như mục tiêu của Bộ Chính trị đã đặt ra.

Thế Hoàn