Hà Nam: Giảm phát thải khí nhà kính tại các khu, cụm công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/4/2022 | 3:20:48 PM

Là địa phương có số lượng khu, cụm công nghiệp lớn, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã đề ra nhiều giải pháp để chung tay giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH.

Dừng các dự án phát thải lớn gây ô nhiễm

Hà Nam hiện có 8 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng chính phủ phê duyệt với tổng diện tích trên 2.500ha, 7 KCN đã đi vào hoạt động; 15 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 314ha, 13 CCN đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 100%.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, để giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các khu, CCN nói riêng và toàn tỉnh nói chung, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thu gom, xử lý nước thải, chất thải theo hướng tái sinh; thực hiện các giải pháp tổng thể về bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu phát thải nhà kính theo từng ngành và lĩnh vực. Hiện 7/8 KCN đang triển khai hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý 22.450m3/ngày đêm, đạt tỷ lệ 100%; 2/15 CCN đã có trạm xử lý nước thải tập trung đang hoạt động. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các KCN, CCN đạt 95%; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải công nghiệp và chất thải nguy hại đạt 80%.

Hà Nam: Giảm phát thải khí nhà kính tại các khu, cụm công nghiệp
Hà Nam chú trọng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp.

Các sở, ngành, địa phương đã phối hợp với Sở KH&ĐT tham mưu, đề xuất UBND tỉnh lựa chọn các loại hình đầu tư ít phát thải khí nhà kính đồng thời mang lại giá trị kinh tế cao. Kêu gọi các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu sạch; tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, thực hiện chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời... trong sản xuất để giảm lượng phát thải khí C02, bảo đảm không thải ra môi trường gây hiệu ứng nhà kính; thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xây dựng lối sống xanh.

Bước đầu, đã đạt được một số kết quả tích cực. Hiện, Hà Nam đã dừng các dự án phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường gồm toàn bộ các lò vôi thủ công khu vực huyện Thanh Liêm, các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh; không triển khai các dự án phát thải lớn như nhiệt điện. Đôn đốc, hướng dẫn các nhà máy xi măng lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt phát điện, trong đó, đã có 3/5 nhà máy lắp đặt gồm Xi măng Xuân Thành 22MW, Xi măng Vissai 7MW, Xi măng Thành Thắng 14MW; các nhà máy sản xuất vôi công nghiệp thực hiện lắp đặt hệ thống thu hồi C02. Đã có một số doanh nghiệp triển khai thực hiện điện mặt trời áp mái tại các nhà xưởng.

Tỉnh cũng chú trọng công tác quan trắc môi trường nhằm kịp thời nắm bắt thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu tới môi trường. Đôn đốc các cơ sở có nguồn thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền số liệu về Sở TN&MT, đến nay có 6/8 KCN và 4 Công ty trong các KCN, CCN lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, gồm Công ty TNHH Nitoku Việt Nam, Công ty TNHH Dệt Đài Nguyên, Công ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam, Công ty TNHH Number One Hà Nam.

Đồng bộ các nhóm giải pháp

Thời gian tới, với định hướng phát triển Hà Nam thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp, đi kèm đó sẽ là sự gia tăng áp lực về chất thải, nước thải, khí thải… Để giảm phát thải khí nhà kính, Hà Nam đang hướng tới triển khai dự án nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi công nghệ sạch trong sản xuất công nghiệp. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp trồng thêm nhiều cây xanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất xi măng, khai thác chế biến khoáng sản. Thực hiện kiểm kê các nguồn phát thải, điều tra, đánh giá bổ sung các nguồn thải lớn và thống kê, tổng hợp các nguồn thải đã cấp phép hàng năm. Qua đó, giúp bổ sung thông tin, số liệu về hiện trạng, diễn biến, xu hướng của các nguồn gây ô nhiễm, phục vụ cho việc đề xuất các giải pháp, chính sách về bảo vệ môi trường.

Tỉnh Hà Nam kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất sử dụng nhiên liệu sạch, đổi mới công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn để giảm phát thải. Ban hành quy định về thu phí khí thải công nghiệp, hướng dẫn thực hiện việc đăng ký, kiểm kê, cấp phép xả thải khí thải công nghiệp. Đầu tư, hỗ trợ kinh phí lắp đặt các trạm cảm biến quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục tại một số khu vực đô thị, giao thông và công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đối với khu, CCN mới, đầu tư theo hướng hiện đại, sinh thái, chỉ thu hút doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ít gây ô nhiễm. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn tái sử dụng nước thải, không thải chất thải ra môi trường. Nghiên cứu phát triển mô hình KCN thân thiện với môi trường, mô hình KCN sinh thái.

Cùng với đó, triển khai xây dựng các công cụ quản lý môi trường mạnh mẽ như hệ thống thông tin quản lý môi trường, các công cụ dự báo ô nhiễm - cảnh báo sự cố, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, phân tích và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Tăng cường áp dụng sản xuất sạch hơn, kiểm toán chất thải, hệ thống quản lý môi trường ISO 14000, thực hiện kiểm soát ô nhiễm... trong các cơ sở công nghiệp.

Theo Báo TN&MT