Chị lao công

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/3/2022 | 5:40:41 PM

QLMT - Nhờ sự lặng thầm, vượt dị nghị gian truân, cam chịu thiệt thòi của các chị, mà những con đường, những tuyến phố trên mảnh đất này sau một đêm đã lại sạch đẹp, để một ngày mới phố thị này lại tươi sáng hơn.

Đêm đông. Mưa xối xả. 22h đêm, những con đường ở nội thành thành phố Hà Tĩnh ban ngày chật chội là thế, nhưng lúc này sao trở nên thênh thang đến lạ. Dọc theo dãy phố, ngoài những quán ăn đêm, những biển hiệu nhà hàng khách sạn còn đỏ bóng, còn lại hầu hết nhà nhà đã cửa đóng then cài chìm trong giấc ngủ. Nhưng dưới ánh đèn điện sáng lờ mờ, dưới cơn mưa tầm tã ấy hình ảnh cảm động khiến tôi phải ghi lại, những chị lao công đang trắng đêm, lặng thầm thu gom rác để làm đẹp phố phường cho buổi sáng mai.

Chị lao công - Ảnh 1

Có lẽ đã quá quen với công việc lặng thầm, nặng nhọc, độc hại này và trước cả một núi công việc phía trước, nên chị Nguyễn Thị Hương, 44 tuổi- người đã có thâm niên 23 năm sát cánh cùng Công ty MTV Môi trường đô thị Hà Tĩnh thu gom rác trên địa bàn TP Hà Tĩnh – dường như không để ý, mặc kệ cho sự xuất hiện đột ngột của tôi. Trong bộ áo mưa, đôi tay chị quét nhanh như thoắt. Tiếng chổi chị quét át rõ cả tiếng mưa dông.

Bình thường ca làm việc của chị Hương bắt đầu từ 4h chiều,kết thúc vào lúc 23 giờ đêm. Tuy vậy, đêm nay cơn giông lớn kéo dài cả tiếng đồng hồ chưa có dấu hiệu dừng lại, mặt đường lênh láng nước, rác từ nhiều chỗ tuồn, những chiếc thùng rác đầy tràn ra đường khiến các chị lại càng vất vả hơn. Những chiếc xe chở rác, bình thường rác khô ráo chỉ nặng 30-40 ký, giờ mưa ướt có khi nặng lên cả tạ. Rác nhiều hơn nên ca làm việc của chị Hương và các đồng nghiệp của chị kéo dài tới gần 11 giờ 30 đêm vẫn chưa xong.

Chị lao công - Ảnh 2

Hơn 12 giờ đêm, chỉ khi tuyến đường Hà Huy Tập đã sạch sẽ, sẵn sàng cho một ngày mới tôi mới có cơ hội được trò chuyện với chị Hương. Ánh sáng đèn điện giúp tôi nhìn rõ mồ hôi nhễ nhãi trên khuôn mặt chị. Nghe chị kể, cái nghề này thiệt thòi đủ thứ, từ sự dị nghị của xã hội, thu nhập, độc hại và cả những bữa cơm sum họp gia đình thiếu vắng người vợ, người mẹ.

"Là người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong gia đình, ai cũng muốn chăm lo bữa cơm cho chồng con tươm tất, nhưng hơn hai chục năm rồi phần lớn bữa cơm chưa khi nào có đông đủ các thành viên trong gia đình, mà phần nhiều là do sự vắng mặt của chị. Cha con tự cơm nước với nhau, khi chị về thì cha con đã đi ngủ, khi đó chị lại thui thủi một mình dọn dẹp, ăn cơm. Nhiều đêm buồn rơi nước mắt ấy chứ”- chị Hương đượm buồn kể.

Lo lắng hơn, như chị Hương kể, đôi khi gom rác chị và đồng nghiệp phải hết sức cẩn thận vì nếu không sẽ dính phải kim tiêm của một số kẻ nghiện ngập, tiêm chích mất hết ý thức vứt bừa bãi trên đường.

12h30, từ bãi tập kết rác ở một ngã tư của phường Hà Huy Tập, tôi bám xe cùng về nhà chị Hương nằm ở phường Đại Nài, cách trung tâm TP Hà Tĩnh chừng 4km. Cơn mưa chưa ngớt, những dãy đèn trên con đường dẫn về nhà chị đã tắt hẳn. Mình chị lặng lẽ đạp xe giữa đêm khuya vắng lặng.

Tới nơi chị ở, căn nhà cấp 4 chỉ nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tôn, cả gia đình chị đã chìm trong giấc ngủ.

Chị khẽ mở cửa tránh làm thức giấc các con. Bữa cơm tối các con để dành cho chị giờ đã nguội lạnh. Một cảm giác bùi ngùi về nghề của chị hiện lên. Chị vẫn chưa đi ngủ, bản tính người phụ nữ lo toan cho gia đình, chị lại dọn dẹp tiếp nhà cửa trước khi tắm giặt, xong rồi mới lo lót chén cơm đi ngủ.

"Hôm nào cũng vậy thôi, phải tới 2 giờ sáng chị mới lên giường tranh thủ chợp mặt, mai còn lo cơm nước cho con cái, các cháu thiệt thòi vì mẹ quá nhiều”- chị Hương vừa lau bếp vừa trò chuyện.

Một đêm theo chân chị Hương, tôi thầm cảm ơn chị và những đồng nghiệp của chị. Nhờ sự lặng thầm, vượt dị nghị gian truân, cam chịu thiệt thòi của các chị, mà những con đường, những tuyến phố trên mảnh đất này sau một đêm đã lại sạch đẹp, để một ngày mới phố thị này lại tươi sáng hơn.

PV (T/h)