Chương trình truyền thông về phân loại rác tại Cần Thơ gặp khó vì đại dịch Covid-19

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/3/2022 | 10:48:53 AM

QLMT - Chương trình truyền thông "Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững” đã được Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ triển khai, tạo cơ sở bước đầu để thực hiện các hoạt động tại địa phương. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho nên các hoạt động gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện kế hoạch đề ra, Công ty Đô thị Cần Thơ đã thành lập Ban điều phối Chương trình phụ trách chung, chuẩn bị cơ sở hạ hầng, dụng cụ phục vụ công tác tuyên truyền phân loại rác. Công ty đã in các poster và tờ rơi hướng dẫn người dân cách nhận biết và phân loại các loại rác có thể tái chế. Các băng-rôn đã được treo hai bên xe chở rác kèm theo loa cổ động để tuyên truyền đến người dân ở từng tuyến phố.

Ban điều phối đã xin chủ trương triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương, làm việc với 5 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn nhằm thực hiện các hoạt động truyền thông phân loại rác tới các em học sinh, thầy cô giáo. Hiện tại, Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ đang phối hợp lãnh đạo, tổ trưởng, thành viên các chi hội của tổ dân phố tại 2 phường An Cư và Tân An thuộc quận Ninh Kiều để triển khai việc tuyên truyền, hướng dẫn và phối hợp trong công tác phân loại rác. Các phần quà phục vụ công tác thu đổi rác cũng được Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ chuẩn bị sẵn sàng tại hai điểm truyền thông, thu mua rác tái chế lưu động. Điểm thứ nhất tại trụ sở Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ, số 5 Võ Thị Sáu, Phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ và điểm thứ 2 tại Công viên Lưu Hữu Phước, Phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ (2 vị trí này có thể thay đổi tùy điều kiện thực tế, tuy nhiên vẫn nằm trên 2 phường An Cư và Tân An).

Chương trình truyền thông về phân loại rác tại Cần Thơ gặp khó vì đại dịch Covid-19
Đại diện Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Pro Vietnam, Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ và đại diện UBND phường An Cư, Tân An (thành phố Cần Thơ) họp bàn triển khai Chương trình phân loại rác.

Công tác phục vụ triển khai chương trình phân loại rác đã được phía Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho nên việc sắp xếp các hoạt động bị tạm hoãn. Kế hoạch truyền thông phân loại rác tại 5 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn gặp nhiều trở ngại vì các trường hạn chế tập trung đông người hoặc học trực tuyến để bảo đảm nguyên tắc phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch bệnh có chiều hướng bùng phát phức tạp, ảnh hưởng đến kế hoạch chung. 

Một điểm vướng mắc khác khi triển khai việc phân loại rác tại thành phố Cần Thơ, đó là Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ chưa bố trí xây dựng được kho, bãi chứa để tập kết rác thải tái chế sau thu đổi. Theo đại diện Công ty, việc này nằm trong đề xuất kế hoạch giai đoạn 2 và bổ sung trang thiết bị cho dự án. 

Chương trình truyền thông về phân loại rác tại Cần Thơ gặp khó vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 2
Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thực hiện thu mua rác tái chế tại hai điểm truyền thông lưu động trên địa bàn phường An Cư và Tân An

Theo tiến độ triển khai, trong tháng 3, tháng 4, Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ sẽ tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn trực tiếp đến các hộ gia định trong khu vực dự án về phân loại rác tại nguồn thông qua việc phát tời rơi, loa phát thanh từ tổ dân phố; Tổ chức các hoạt động hoạt náo, hướng dẫn cách phân loại rác tại 5 trường tiểu học, trung học cơ sở tiêu biểu; tổ chức thu mua rác thải tái chế đã được phân loại tại 2 điểm truyền thông thu đổi rác thải.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, từ năm 2017 hoạt động phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đã được các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ quan tâm triển khai thực hiện và đã đạt nhiều kết quả. Cụ thể, năm 2020 khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh được phân loại tại nguồn tại huyện Thới Lai đạt hơn 97%, quận Ninh Kiều đạt 80%, quận Cái Răng đạt 65%, quận Bình Thủy đạt 41%.  

Việc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn của thành phố Cần Thơ nhằm đáp ứng yêu cầu của Nhà máy đốt rác phát điện Thới Lai. Đây là nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt được đánh giá hiện đại bậc nhất tại Việt Nam, vận hành từ cuối năm 2018, với sức tiếp nhận bình quân 400 tấn rác thải sinh hoạt/ ngày, công suất phát điện đạt 7,5MW/h. 

Để phục vụ công nghệ đốt rác phát điện, thành phố Cần thơ đã thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại: Rác thải đốt được, rác thải không đốt được và rác thải nguy hại. Rác đốt được sẽ được vận chuyển trực tiếp tới Nhà máy đốt rác phát điện Thới Lai, rác không đốt được sẽ được đưa đến bãi chôn lấp hợp vệ sinh, rác thải nguy hại sẽ được đưa đi xử lý theo đúng quy định.

Cách phân loại rác nói trên của thành phố Cần Thơ đã và đang phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ áp dụng công nghệ đốt rác phát điện, giảm mạnh việc xử lý rác bằng hình thức chôn lấp. Tuy nhiên có thể thấy, vì tất cả rác đốt được đều được đưa vào Nhà máy đốt rác phát điện Thới Lai, trong đó có cả các loại rác có thể tái chế (như giấy, vỏ chai hộp nhựa, bao bì nhựa, túi ni-lông, …) do vậy chưa tận dụng được nguồn tài nguyên từ rác thải. 

Chính vì vậy, với việc tham gia Chương trình truyền thông "Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững” Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ hy vọng có thể lan toả được thông điệp "Rác là tài nguyên” đến đông đảo người dân. Nếu được phân loại đúng cách, rác tái chế sẽ là nguồn nguyên liệu quý, đem lại giá trị mới cho cuộc sống và đặc biệt, việc phân loại rác sẽ góp phần bảo vệ môi trường.

Chương trình truyền thông về phân loại rác nói trên do Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam phối hợp Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (Pro Vietnam) tổ chức với sự tham gia Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế, của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ và sự đồng hành của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Hà Thắm