Chỉ tiêu kỹ thuật về công tác chuẩn bị kỹ thuật trong đồ án quy hoạch xây dựng đô thị

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/9/2020 | 9:58:47 AM

QLMT - Chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật về san nền thoát nước mưa trong các đồ án quy hoạch là một trong những chỉ tiêu quan trọng tác động trực tiếp đến quá trình chống ngập úng, bảo vệ an toàn cho các đô thị hiện nay.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị và các khu chức năng đặc thù được thiết kế dựa trên các chỉ tiêu kỹ thuật của đồ án nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị trong tương lai. Các chỉ tiêu này bao gồm quy mô dân số, đất đai, chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường. Tuy nhiên, chỉ tiêu trong công tác chuẩn bị kỹ thuật (san nền, thoát nước mặt) chưa được xác định một cách cụ thể. Với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, diện tích đất san lấp để phục vụ xây dựng công trình ngày một gia tăng đã gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường, kiến trúc cảnh quan và an toàn của đô thị. Hệ thống kênh mương ao hồ hiện trạng bị san lấp không được hoàn trả, bề mặt đô thị bê tông hóa làm hạn chế khả năng thấm của nước mưa. Đây được xem là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng ở các đô thị hiện nay. Trong giới hạn bài viết này, tác giả đề cập đến chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật về san nền thoát nước mưa trong các đồ án quy hoạch, một trong những chỉ tiêu quan trọng tác động trực tiếp đến quá trình chống ngập úng, bảo vệ an toàn cho các đô thị hiện nay.

2. Ảnh hưởng của chỉ tiêu kỹ thuật san nền, thoát nước mưa đến công tác quy hoạch xây dựng đô thị

Theo số liệu thống kê của Cục phát triển Đô thị - Bộ Xây dựng, Việt Nam hiện có tổng số 805 đô thị từ loại V trở lên với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 38%. Trong đó, các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đạt trên 90%. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh làm phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết trong công tác lập quy hoạch. Diện tích đất xây dựng đô thị, khu công nghiệp và các khu chức năng khác không ngừng gia tăng đã tác động trực tiếp vào điều kiện tự nhiên, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến quá trình thoát nước của đô thị. Theo quy hoạch được duyệt năm 1981 thì diện tích thành phố Hà Nội khoảng 1000 km2, đến năm 2008 diện tích đã tăng lên 3.300 km2.


Quy hoạch chung Thủ đô phê duyệt năm 1981 và Quy hoạch chung Thủ đô phê duyệt năm 2011

Căn cứ vào 2 quy hoạch chung Thủ đô đã được phê duyệt, ta có thể nhận thấy diện tích đất xây dựng đô thị năm 2011 đã tăng lên gấp 3.6 lần so với năm 1981, kèm theo đó là việc gia tăng dân số đô thị. Dân số đô thị tăng kéo theo nhu cầu về diện tích xây dựng nhà ở, công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tăng lên đã làm cho bề mặt tự nhiên thay đổi. Thảm phủ thực vật tự nhiên được thay thế bằng mặt phủ không thấm nước như mái nhà, bê tông, đường nhựa làm tác động trực tiếp tới hệ số dòng chảy . Hệ thống ao hồ sông ngòi, hệ thống tiêu thoát nước hiện trạng bị san lấp, không được hoàn trả (hoặc hoàn trả 1 phần) đã làm cho quá trình lưu giữ, điều tiết, tiêu thoát nước đô thị bị ảnh hưởng gây ra hiện tượng ngập úng. Theo lý thuyết tính toán thoát nước mưa cho đô thị, lưu lượng nước mưa cần tiêu thoát được xác định bằng công thức: Q = .q.F (l/s), trong đó:  là hệ số dòng chảy, tùy thuộc từng loại bề mặt phủ; q là cường độ mưa (l/s/ha) và F là diện tích lưu vực thoát nước mưa (ha). Như vậy, yếu tố có thể kiểm soát nhằm giảm thiểu đáng kể lưu lượng nước mưa tập trung tức thời chảy vào mạng lưới thoát nước chính là hệ số dòng chảy . Hệ số dòng chảy  được xác định theo bảng sau:


Theo bảng trên, chỉ cần thay đổi hệ số dòng chảy từ 0,4 đến 0,8, lưu lượng sẽ thay đổi theo gấp 2 lần. Khi một đô thị "bê tông hóa” nhiều sẽ làm tăng lưu lượng nước mưa trên bề mặt, khi đô thị có mật độ cây xanh thảm cỏ lớn sẽ làm giảm lưu lượng dòng chảy, giảm khả năng ngập úng ngập lụt cho đô thị. Đây là căn cứ quan trọng để tính toán xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của hạng mục san nền thoát nước mưa trong đồ án quy hoạch xây dựng đô thị.

Nghị định số: 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính Phủ về việc Quy định chi tiết một số nội dung về Quy hoạch xây dựng đã quy định rõ, trong các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị từ quy hoạch vùng, quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết cần phải xác định các chỉ tiêu kỹ thuật từ bước lập nhiệm vụ quy hoạch đến bước lập đồ án và được các cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định và phê duyệt. Đây là căn cứ quan trọng để triển khai công tác lập đồ án quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên, chỉ tiêu hạng mục chuẩn bị kỹ thuật thường không được đề cập đến. Các đồ án thường lấy chỉ tiêu 100% đường phố có hệ thống thoát nước mưa chứ không quy định cụ thể về hạng mục san nền hay hạng mục thoát nước mưa. Chính vì vậy, các đồ án Quy hoạch xây dựng đô thị thường san nền đô thị gần như toàn bộ diện tích quy hoạch (trừ diện tích mặt nước). Đơn vị tư vấn thiết kế cũng như chủ đầu tư chỉ chú trọng đến cao độ san nền sao cho đô thị của mình có cao độ nền cao hơn hoặc bằng cao độ xây dựng tối thiểu chứ chưa chú trọng đến bảo tồn, tận dụng nền địa hình tự nhiên phục vụ cho tiêu thoát nước và kiến trúc cảnh quan. Điều này đã gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường tự nhiên và cảnh quan đô thị. Diện tích đất san nền lớn dẫn tới thay đổi mặt phủ, ảnh hưởng đến hệ số dòng chảy; Khối lượng san nền lớn gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn vật liệu san nền (chủ yếu là các nguồn vật liệu hữu hạn, khai thác từ tự nhiên như đất, cát). 

Nguyên tắc quy hoạch cao độ nền xây dựng là phải triệt để lợi dụng điều kiện địa hình tự nhiên. Phải cố gắng sử dụng đến mức tối đa những mặt tốt của điều kiện tự nhiên, tận dụng địa hình sẵn có, giữ lại những vùng cây xanh và các lớp đất màu để đạt hiệu quả cao về mặt kiến trúc cảnh quan và kinh tế. Nói cách khác là không nên thay đổi địa hình trong những trường hợp không cần thiết để tránh phá vỡ điều kiện tự nhiên. Chỉ xem xét quy hoạch cao độ nền tại các vị trí đặt công trình nhà cửa, công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong bối cảnh các đô thị hiện đang hướng tới đô thị xanh với những tiêu chí như: hạn chế xây dựng mà vẫn tạo nguồn lực phát triển đô thị, hạn chế việc khai thác tài nguyên theo kiểu làm gia tăng các quỹ đất dành cho xây dựng, dẫn đến bê tông hóa bề mặt đô thị thì việc xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cụ thể cho hạng mục san nền, thoát nước mưa trong các đồ án quy hoạch xây dựng sẽ làm giảm những tác động tiêu cực đến đô thị và môi trường tự nhiên.

3. Đề xuất các tiêu chí để xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật san nền thoát nước mưa trong đồ án quy hoạch xây dựng đô thị

Qua những nội dung phân tích ở trên cho thấy, việc xác định các chỉ tiêu kỹ thuật cho hạng mục san nền và thoát nước mưa trong đồ án quy hoạch xây dựng đô thị có thể xây dựng dựa trên các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của sử dụng đất và không gian kiến trúc canh quan của đô thị. Các chỉ tiêu này cần gắn liền với mật độ xây dựng công trình, chỉ san gạt tại các vị trí đặt công trình nhà cửa, công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tác giả đề xuất các tiêu chí như sau:

Đối với khu vực đất ở, Các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, chợ, Các công trình dịch vụ đô thị khác và các công trình có chức năng hỗn hợp: 

Chỉ tiêu san nền tính toán theo mật độ xây dựng %. Diện tích san nền tối đa cho phép được xác định theo công thức:

Ssn = (mật độ xây dựng tối đa cho phép + a) * Sxd.

Trong đó: 
+ Ssn : Là diện tích san nền trong ô đất.
+ Sxd : Là diện tích ô đất
+ a : Là % diện tích đất san gạt tăng thêm so với diện tích xây dựng theo mật độ. a được xác định từ 0% đến 10%

-Đối với khu vực đất cây xanh sử dụng công cộng:

Đất cây xanh sử dụng công cộng bao gồm quảng trường, công viên, vườn hoa, vườn dạo..., bao gồm cả diện tích mặt nước nằm trong các khuôn viên các công trình này và diện tích cây xanh cảnh quan ven sông được quy hoạch xây dựng thuận lợi cho người dân đô thị tiếp cận và sử dụng cho các mục đích luyện tập TDTT, nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn.... Đối với các diện tích mặt nước không thường xuyên có nước, cần phải đề xuất chỉ tiêu diện tích san nền tối đa cho phép, diện diện tích cho phép ngập tạm thời (ngoài diện tích mặt nước cố định) để tăng khả năng điều tiết, lưu trữ nước trên lưu vực. Diện tích san nền xây dựng công trình trong công viên cây xanh : Ssn  = Sxd . Diện tích cho phép ngập tạm thời : Sng = b * Scây xanh

Trong đó:
+ Ssn : Là diện tích san nền trong ô đất.
+ Sxd : Là diện tích ô đất
+ Scây xanh : Là tổng diện tích đất cây xanh
+ b: Là % diện tích cho phép ngập tạm thời so với tổng diện tích đất cây xanh. b được xác định từ 0% đến 25%

-Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật: Diện tích san nền được lấy bằng diện tích ô đất.

4. Kết luận

Việc xác định các chỉ tiêu kỹ thuật hạng mục san nền và thoát nước mưa trong các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị là cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thiết kế hạng mục san nền, thoát nước mưa trong các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị. Các chỉ tiêu kỹ thuật này sẽ là căn cứ quan trọng giúp các nhà tư vấn xác định được các giải pháp kỹ thuật nhằm cải tạo nền địa hình tự nhiên vào mục đích xây dựng một cách hợp lý nhất, giảm thiểu những tác động xấu đến đô thị trong tương lai.
----------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Nguyễn Việt Anh. Thoát nước đô thị bền vững – Tạp chí Môi trường;
2.Bộ Xây dựng. Thông tư số 12/2016/TT-BXD Quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù;
3.Bộ Xây dựng. Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam QCXDVN01-2008/BXD về Quy hoạch xây dựng;
4.Chính phủ. Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
5.Trần Thị Hường (1995), Chuẩn bị Kỹ thuật cho Khu đất Xây dựng Đô thị, Nhà xuất bản Xây dựng;
6.Quốc hội. Luật xây dựng số 50/2014/QH 2013; 
7.Các văn bản pháp lý liên quan.

THS. CHU VĂN HOÀNG
Khoa Kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường Đô thị
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội