Cầu vượt Dầu Giây - Cây cầu trắc trở như phận người!

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/3/2022 | 11:26:03 AM

QLMT - Đầu tháng 3/2022, cầu vượt Dầu Giây “hợp long”. Không xa nữa, cây cầu được ví von là “cụ Rùa” sẽ khánh thành đưa vào sử dụng. Chắc rằng, trong lòng ai có liên quan tới cây cầu, đều cảm thấy nhẹ nhõm…

Trên mặt công trường, từng nhóm công nhân đang hoàn thành những khâu cuối cùng để đưa vào "hợp long”: Sơn vạch, vẽ đường, gắn đèn, hút bụi... Cây cầu vượt đường bộ mang tên Dầu Giây vốn "dây dưa” hơn 5 năm qua cũng đã hiện hình.

Cầu vượt Dầu Giây - Cây cầu trắc trở như phận người! - Ảnh 1
Cầu vượt Dầu Giây đang hoàn thành để thông xe
Cầu... cụ Rùa!

Cảm xúc cầu vượt cứ xoáy lại trong tôi như những thước phim hài nhiều tập, từ người dân gọi là cầu cụ Rùa đến khi cụ Rùa đã bò…đến đích!

Tôi đến sống ở ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) từ năm 1982. "Ngã tư quốc tế” là cái tên đầu tiên tôi nghe người dân ở đây gọi. Cũng có lý thôi vì ngã tư này là nút giao thông AH1 mà! Mọi ngã giao thông Bắc Nam đi Tây nguyên và Đà Lạt hay về vùng thành phố biển Vũng Tàu đều đi qua ngã tư này.

Cầu vượt Dầu Giây - Cây cầu trắc trở như phận người! - Ảnh 2
Cầu vượt thi công phần đầu dừng lại chờ đòi nợ tiền thuế mới giải ngân đền bù cho dân

Ngày ấy, những tiếng rao bán hàng rong cho xe ngược xuôi thiên lý qua ngã tư khi ghé lại trình trạm (Trạm kiểm tra giao thông Dầu Giây), từ sáng đến chìều tối, là đặt trưng của ngã tư: "Ai chôm chôm, một ký 32 trái đây” "Ai chuối sấy, mít khô"…

Ai hiểu đất Đồng Nai thì biết ngã tư Quốc tế là vùng cây trái nổi tiếng của cả miền Đông Nam bộ. Khu vực phía Đông ngã tư, hướng từ các tỉnh phía Bắc, Trung là rừng cây cao su. Phía Tây đi về TPHCM và các tỉnh miền Tây là đường dốc dài 1 km cong rất nguy hiểm, đông dân cư sinh sống 2 bên đường bằng nghề bán quán ăn và giải khát. Cắt ngang AH1 là đường QL20 từ Đà Lạt về QL51 đi Vũng Tàu, tuyến đường vận chuyển của xe đầu kéo chở quặng Bauxite.

Vì địa thế như vậy nên ngã tư Dầu Giây cũng là nơi xảy ra nhiều tai nạn giao thông với thương vong bậc nhất khu vực. Ban An toàn giao thông tỉnh đã đánh dấu đây là điểm đen tai nạn, còn chính quyền địa phương thì đề nghị tỉnh Đồng Nai trình Chính phủ làm nút giao thông, và xây dựng cầu vượt Dầu Giây

Dự án được phê duyệt với tổng dự toán hơn 400 tỷ đồng. Công ty BT20 – Cửu Long làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ tháng 3/2017. Theo kế hoạch, trong vòng một năm, tức tháng 3/2018 cầu vượt Dầu Giây hoàn thành đưa vào sử dụng. Thế nhưng, thời hạn một năm trôi qua, cầu vẫn là một bãi đất cát ngỗn ngang. Thêm 3 năm nữa, cầu vẫn là khối bê tông với nhiều cọc sắt rỉ sét chĩa  lên trời…

Những ngày gọi là thi công chỉ là khoảng 10 người công nhân đào xúc, rồi lại nghỉ. Sau lễ khởi công, cầu chỉ làm đúng tiến độ 6 tháng đầu tiên khi thi công phần đầu phía đất rừng cao su. Việc thi công đã dừng lại hơn một năm trời để thương thảo đền bù cho người dân mới có mặt bằng đất để làm cầu.

Đến tháng 8/2019, một ít mặt bằng phía bên phải cầu theo hướng Bắc Nam được đền bù và bàn giao, còn lại chủ đầu tư chưa có tiền để đền bù nên địa phương không bàn giao được! Chủ đầu tư viện lý do đang chờ Bộ Tài chính trả tiền hoàn thuế VAT của công trình QL20 mới có tiền đền bù! Công trình buộc phải tiếp tục …dừng lại!

Từ khi thi công chậm chạp, dẫn đến tai nạn xảy ra thường xuyên, biến ngã tư Dầu Giây thành điểm cực đen. Ngã tư trở thành nơi ùn ứ giao thông khủng khiếp, là nỗi kinh sợ cho cánh tài xế  xe qua lại nơi đây. Đã có gần 20 người đã mất mạng oan uổng tại nút giao thông này…

Cầu vượt Dầu Giây - Cây cầu trắc trở như phận người! - Ảnh 3
Tai nạn làm nạn nhân thứ 19 tử vong tại cầu vượt

Mãi đến tháng 4/2021, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chủ đầu tư mới trả hết tiền hỗ trợ và đền bù cho người dân và cây cầu đã có mặt bằng để thi công tiếp! Tuy nhiên khi làm đường nhánh, đơn vị thi công kêu hết tiền, các công nhân nghỉ vì không được trả lương, xe lu, xe ban sáng nào có người đổ cho can dầu DO thì chạy làm còn không thì nằm đó! Một công trình giao thông trọng điểm mà quá bệ rạc, quá "rùa” nên người dân đã gọi cầu vượt Dầu Giây là cầu Rùa!

Thời gian cứ trôi đi, ai đi qua Dầu Giây cũng hỏi: Cầu bao giờ xong ? Tôi và người dân chỉ nói: Rùa còn bò nhưng con rùa này nó dừng lại rồi… Nó già rồi nên hay dừng lắm. Và như thể, người dân lại gọi cầu Cụ Rùa. Đến nay các lái xe qua Dầu Giây cứ kêu ca cầu bao giờ xong ? Tôi nói đùa: Để Cụ Rùa gắn chân đã!.

Chuyện hài như thật: Gắn chân cho rùa!

Sau khi có nhiều bài trên các tạp chí, báo phản ánh bức xúc của dân chúng đối với sự tắc trách của chủ đầu tư gây ra thiệt mạng nhiều người, Bí thư Tỉnh uỷ ông Nguyễn Hồng Lĩnh cùng nhiều lãnh đạo tỉnh, tại cuộc họp HĐND tỉnh Đồng Nai cuối năm 2021, đưa ra yêu cầu xem xét trách nhiệm hình sự của đơn vị thi công.

Cầu vượt Dầu Giây nhờ "thuốc tăng lực” này mà đẩy nhanh tiến độ đến mức kinh ngạc: Xây dựng cả phần đổ bê tông nền trụ M1 tiếp nền đường chỉ trong 20 ngày! Thậm chí đơn vị thi công còn hứa quyết tâm là thông cầu trước Tết Nguyên đán 2022! Tuy nhiên, sau đó Ban An toàn giao thông kiểm tra chưa đạt an toàn để thông cầu. Vì vậy, họ lại….thất hứa!

Cầu vượt Dầu Giây - Cây cầu trắc trở như phận người! - Ảnh 4
Các "chân cụ rùa” là những mố chân đèn thi công lạ..

Đêm 20/2, hai người đã thương vong tại ngã tư Dầu Giây do tai nạn giao thông. Đây là người thứ 19 tử vong tại chỗ ở khu vực thi công cầu trong gần 5 năm qua. Có lẽ sau cái chết ấy, đơn vị thi công vội vã hơn. Kết quả là ngày 8/3/2022, sau đúng 5 năm khởi công, cầu vượt Dầu Giây đã chính thức thông cầu.

Trước ngày thông cầu, một anh xe ôm ở ngã tư nói: "Tôi đi bộ vòng quanh cây cầu với cảm giác vui mừng cuối cùng cầu cũng đã được thông. Điều giật mình là hình như Cụ Rùa đã… gắn thêm chân!”. "Cái chân rùa” mà anh ta nói chính là mố chân đèn chiếu sáng nhô ra bên hông cầu, là một "cái bẫy” tai nạn cho các phương tiện giao thông đi sát cầu bên dưới.

Tôi đã chụp hình gửi cho nhiều cơ quan chức năng với nội dung: "Những trụ đèn chiếu sáng trên cầu được đúc thành khối bê tông cầu kết sắt với bê tông của cây cầu nhô ra 0,6 mét đường nhánh 2 bên dưới cầu. Đường nhánh 2 làn xe chỉ rộng chưa đến 7 mét mà không gian lại nhô ra "cái chân” như vậy liệu có an toàn cho dòng xe lưu thông bên dưới cầu?”

Câu trả lời mà tôi nhận được là: "Chúng tôi đã báo cho chủ đầu tư và đang cho rà soát lại”. Tôi lại nghĩ thầm, phải chăng cụ rùa đã "gắn chân” nên mới bò được đến đích!

Dù sao, ngày cầu thông xe cũng là ngày niềm mơ ước của toàn dân nhiều năm qua trở thành hiện thực. Mong cây cầu sẽ không còn là điểm đen, thông thoáng giao thông, góp phần lưu thông hàng hóa, giúp nền kinh tế phát triển.

Tháng 3/2022

Ghi chép của Xuân Thời