Sinh viên sáng tạo phần mềm dự báo công suất phát của các tấm pin mặt trời

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/2/2022 | 9:05:01 AM

QLMT - Nhóm sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã cho ra đời phần mềm dự báo công suất phát của các tấm pin, thông qua bức xạ mặt trời sử dụng trí tuệ nhân tạo.


Ảnh minh hoạ. ITN

Xuất phát từ thực tế năng lượng mặt trời đan ngày càng phát triển ở Việt Nam, các nghiên cứu về dự báo công suất phát hay bức xạ mặt trời được thực hiện rất nhiều, nhưng một phần mềm dự báo dựa trên các mô hình Deep Learning (học sâu) với độ chính xác cho phép chưa được xây dựng và triển khai rộng rãi, nhóm 5 sinh viên Trường Đại học Bách khoa đã bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng ứng dụng dự báo bức xạ mặt trời dựa trên phương pháp Deep Learning. Đồng thời xây dựng phần mềm dự báo bức xạ mặt trời, giúp người dùng có thể dễ dàng tiếp cận việc dự báo bức xạ với các mô hình dự báo khác nhau, mà kết quả dự báo có thể lưu lại để sử dụng trong tương lai.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuyên - giáo viên hướng dẫn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Phần mềm mà nhóm đã xây dựng có thể coi là một sản phẩm mới đối với thị trường trong nước, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận với các phương pháp mới nhất trong việc dự báo. Từ những dữ liệu dự báo được, có thể giúp các nhà vận hành tránh được các sự cố trong vận hành hệ thống điện, từ đó nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy và có thể lên kế hoạch để phát công suất một cách ổn định nhất.

Được biết, đề tài "Xây dựng ứng dụng dự báo bức xạ mặt trời dựa trên phương pháp Deep Learning” đã giành giải Nhì cuộc thi Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học cấp Bộ cuối năm 2021.

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Đôn - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận xét: Đề tài đã cung cấp kiến thức cơ bản về các mô hình Deep Learning ứng dụng cho việc dự báo bức xạ mặt trời và có thể áp dụng cho các "bài toán” dự báo khách quan trong lĩnh vực hệ thống điện nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung. Đề tài cũng góp phần thúc đẩy việc áp dụng trí tuệ nhân tạo giải quyết các vấn đề phức tạp trong ngành Điện, với rất nhiều dữ liệu lớn và yêu cầu vận hành ngày càng cao, khi các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn dần, từ đó tiết kiệm chi phí nhân công, vật liệu.

Sáng chế hữu ích nói trên đã cho thấy khả năng sáng tạo của sinh viên, thế hệ trẻ của đất nước trước những vấn đề thực tế của cuộc sống.

Bắc Lãm