Suy ngẫm từ một cuộc triển lãm ảnh

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/1/2022 | 9:52:18 AM

QLMT - Thời gian gần đây mỗi khi ban tổ chức cuộc thi về nhiếp ảnh công bố các tác phẩm đoạt giải, y rằng có các ý kiến phản biện, tranh luận gay gắt. Mỗi người có cảm nhận khác nhau về ý nghĩa, tư tưởng của bức ảnh đoạt giải, nhất là giải cao. Cần có một giải pháp để tìm được những tác phẩm thật sự có chất lượng để trao giải, với sự đồng thuận cao của ban giám khảo cũng như người hâm mộ.

Suy ngẫm từ một cuộc triển lãm ảnh - Ảnh 1

Giữa tháng 12/ 2021, một cuộc triển lãm ảnh ngoài trời hiếm hoi được tổ chức trên phố Đinh Tiên Hoàng khi Hà Nội vẫn còn các "vùng vàng", "vùng da cam" về phòng chống đại dịch Covid – 19. Đó là cuộc Triển lãm ảnh Báo chí thế giới (World Press Photo). Người xem lặng lẽ, cảm nhận và suy tư. Những bức ảnh ghi lại cuộc sống của nhân loại trong đại dịch Covid – 19, thảm hoạ thiên nhiên chùm lên con người mà nguyên nhân lại do chính con người gây nên. Động vật biển thoi thóp bởi rác thải đại dương. Các bức ảnh được in trên giấy bạt không lồng trong khung như những cuộc triển lãm khác, nhờ vậy mà khoáng đạt, gần giống một ấn phẩm báo chí phóng to. Nếu chỉ xem mỗi bức ảnh mà không xem câu chuyện đi liền với bức ảnh đó ta sẽ thắc mắc, bức ảnh này, nhóm ảnh kia đơn giản thế mà cũng đoạt giải hay ảnh chẳng có người sao cũng được giải thưởng nhỉ? Nhưng khi xem câu chuyện gắn với tác phẩm đó ta lại ngầm ngùi suy tư về thân phận con người trong chiến tranh, thảm hoạ thiên nhiên. Thí dụ bức ảnh đoạt giải nhất thể loại câu chuyện. (xem ảnh)

Suy ngẫm từ một cuộc triển lãm ảnh - Ảnh 2

Tác giả Antonio Faccilongo kể rằng: "Gần 4200 tù nhân an ninh Palestin đang bị giam giữ trong các nhà tù của Israel một số chịu án từ 20 năm trở lên, vợ chồng không được phép gặp gỡ trong phòng riêng, không được ôm ấp ngoại trừ trẻ em dưới 10 tuổi. Kể từ đầu năm 2000 các tù nhân Palestin bị giam giữ dài hạn với hy vọng duy trì huyết thống đã tìm cách giấu tinh dịch trong quà tặng cho con cái để chuyển lậu ra khỏi nhà tù. Habibi ("Tình yêu của tôi") ghi lại lòng dũng cảm và sự kiên trì của con người trong bối cảnh một trong những cuộc xung đột kéo dài và phức tạp nhất trong lịch sử hiện đại. Bộ đồ của Nael al – Barghouthi vẫn được treo trong phòng ngủ của ông ở Kobar, gần Ramallah, Palestin, tháng 8/2015. Iman Nafi vợ của Al – Barghouthi đã giữ nguyên tất cả quần áo và đồ đạc của chồng.  Al – Barghouthi bị bắt năm 1978 sau một chiến dịch chống Israel. Ông đã phải ngồi tù hơn 40 năm – tù nhân người Palestin thụ án lâu nhất trong các nhà tù của Israel”. Rõ ràng nếu chỉ triển lãm một bức ảnh chụp một căn phòng ngủ với bộ quần áo được treo trên cao và đôi giày dưới đất không ai hiểu vì sao bức ảnh này đạt giải nhất thể loại câu chuyện? Câu chuyện được gắn theo bức ảnh này là yếu tố quan trọng để bức ảnh đoạt giải.  

Một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, thành viên của nhiều ban giám khảo chấm giải các cuộc thi nhiếp ảnh cho tôi biết một luật bất thành văn: Ảnh dự thi chụp đề tài xã hội mà không có con người coi như bị loại bỏ. Nếu bức ảnh chụp cảnh căn nhà của một tù nhân Palestin nói trên mà dự thi ở Việt Nam chắc bị loại từ vòng "gửi xe”. 

Suy ngẫm từ một cuộc triển lãm ảnh - Ảnh 3

Quả thật tác phẩm nhiếp ảnh nói chung và ảnh báo chí nói riêng thông qua "ngôn ngữ bố cục, ánh sáng, đường nét” mô tả hoạt động của con người, cảnh vật trong một bức ảnh cụ thể là thông điệp mà tác giả gửi đến người xem. Với trình độ khác nhau không phải ai cũng hiểu hết thông điệp của tác giả kể cả các thành viên trong ban giám khảo của các cuộc thi nhiếp ảnh. Về khách quan tuy mỗi thành viên trong ban giám khảo chấm giải thưởng nhiếp ảnh là những "tay máy" có nhiều kinh nghiệm, có trình độ "thẩm" ảnh cỡ bật thầy nhưng vẫn có trình độ khác nhau, "gu" cảm thụ nghệ giữa các thành viên khác nhau do vậy không tránh khỏi tình trạng tranh luận gay gắt với nhau khi cân nhắc bức ảnh này hay bức ảnh kia có "vào sâu” trong giải được hay không, nhất là đối với các tác phẩm được đề cử giải vàng hay giải đặc biệt. Tuy vậy nếu có được câu chuyện của chính tác giả viết về quá trình sáng tác cũng như thông điệp của mình đưa ra cho bức ảnh thì ban giám khảo chắc sẽ dễ thống nhất với nhau hơn. 

Suy ngẫm từ một cuộc triển lãm ảnh - Ảnh 4

Ngày 1/1/2022 tôi được mời tham gia ban giám khảo chấm chung khảo "Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi vì môi trường tương lai” lần thứ ba – 2021, do Tạp chí Môi trường và Đô thị phối hợp Uỷ ban Hoà bình Hà Nội và Uỷ ban Hoà Bình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Trong số các bức tranh được đưa vào chọn giải (từ giải nhất đến giải tư) có một bức tranh vẽ các em nhỏ đứng xem mấy con thú bị nhốt trong lồng đang khóc, phía xa là cánh rừng với những con thú đồng loại đang được sống tự do. Bức tranh có nguy cơ bị loại khỏi giải cao khi không được ai nhắc tới. Lật mặt phía sau của bức tranh tôi đọc được câu chuyện và thông điệp mà hoạ sĩ nhí đó muốn nói: Những con thú trong lồng khóc với các bạn trẻ đang đứng xem rằng, chúng tôi không muốn bị nhốt, bị cầm tù suốt đời trong chiếc lồng này để mua vui cho các bạn, hãy thả chúng tôi về rừng để chúng tôi được trở về với đồng loại dưới bầu trời tự do. Thật cảm động, đó là suy nghĩ của tôi sau khi được đọc câu chuyện của em nhỏ, tác giả của bức tranh ấy. Tôi đã mang thông điệp của tác giả nhí đó để thuyết phục các thành viên trong ban giám khảo cho bức ảnh đó giải cao. Thật vui là ban giám khảo đã chấp nhận. Vì quy định của ban tổ chức phải giữ bí mật kết quả chấm cho đến khi công bố giải cho nên trong bài viết này tôi chưa thể công bố cụ thể tên tác giả cũng như bức tranh nói trên. Chỉ ít ngày nữa, Tạp chí Môi trường và Đô thị sẽ công bố giải thưởng cuộc thi trong đó có bức ảnh nói trên. 

Trước đó ngày 18/12/2021 Câu lạc bộ Ảnh báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề: "Ấn tượng 2021”. Tại cuộc triển lãm này, tôi đã kiến nghị với ban tổ chức từ lần sau chấm ảnh cũng như triển lãm nên kèm theo câu chuyện do chính tác giả của bức ảnh đó kể về quá trình sáng tác bức ảnh đó với thông điệp mình đưa ra là gì. Có như vậy chất lượng của triển lãm ảnh báo chí mới cao, bởi giá trị của bức ảnh không chỉ là những gì ta nhìn thấy trong bức ảnh mà cả những câu chuyện chứa đựng bên trong đó. 

Từ sự phân tích nói trên, chúng tôi kiến nghị trong điều lệ cuộc thi ảnh báo chí hay cuộc thi ảnh nghệ thuật ban tổ chức cần đưa thêm yêu cầu tác giả viết câu chuyện kể về quá trình sáng tác cũng như thông điệp mình muốn nói thông qua tác phẩm đó. Trong triển lãm ảnh báo chí nhất thiết phải có câu chuyện và thông điệp do chính tác giả viết về bức ảnh đó đăng kèm với bức ảnh được treo (điều này làm cho công chúng xem ảnh được cảm thụ sâu sắc hơn giá trị nghệ thuật và thông tin thật của bức ảnh). Đồng thời cũng "soi” được trình độ của ban giám khảo khi so sách các bức ảnh đoạt giải với nhau. Đối với các triển lãm ảnh nghệ thuật có thể không trưng bày tác phẩm đoạt giải cùng với câu chuyện mà tác giả viết khi triển lãm, nhưng sẽ là tài liệu tham khảo thật sự bổ ích cho ban giám khảo khi cân nhắc cho từng ảnh lọt vào vòng chung khảo, qua đó tạo được uy tín cho ban giám khảo, cho đơn vị tổ chức. 

Triển lãm ảnh báo chí quốc tế trên đường phố Đinh tiên Hoàng đã được nhiều năm và luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người không chỉ vì giá trị nghệ thuật của mỗi bức ảnh mà còn là câu chuyện hết sức nhân văn của tác giả được giới thiệu kèm theo từng bức ảnh đó.

Hà Hồng