Cơ chế chính sách trong phân loại rác tại nguồn

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/12/2021 | 12:00:00 AM

QLMT - Theo số liệu điều tra thực trạng rác quốc gia gần đây, “nhựa” “bao bì nhựa” là những “từ khóa” nóng nhất trên mạng. Và bài thuốc giảm “nhiệt” cho môi trường phần lớn đang trông đợi vào tái chế, phân loại rác.

Để việc phân loại  rác tại nguồn trở thành thói quen hằng ngày của các hộ dân, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã đưa ra những quy định mang tính đột phá, đề ra lộ trình và huy động các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội triển khai.


Hoạt động thu đổi rác tái chế và tặng quà trong ngày Greenday do URENCO tổ chức

Phân loại CTRSH  là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân, hộ gia đình 

Nhằm khắc phục tình trạng rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã quy định: Từ 1/1/2022, phân loại chất thải rắn sinh hoạt(CTRSH) là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. CTRSH sẽ phải phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị CTRSH sau khi phân loại phải chứa, đựng vào các bao bì để chuyển giao như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH….

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối dịch vụ. Đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao CTRSH cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Trong một nỗ lực hành động giảm gánh nặng về rác thải bao bì, Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện, đặc biệt Chỉ thị 33/CT-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa là cơ sở pháp lý quan trọng liên quan đến hoạt động này.

Doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và có trách nhiệm với môi trường 

Trong thời gian qua, nhiều chiến dịch, phong trào được phát động nhằm khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế nhựa dùng một lần.

Một số nhà sản xuất và doanh nghiệp tại Việt Nam đã đi đầu trong việc cho ra đời sản phẩm dựa theo nguyên lý về kinh tế tuần hoàn từ khâu thiết kế, sản xuất, thu gom và tái chế bao bì. Trong xây dựng tầm nhìn phát triển, nhiều doanh nghiệp cùng chung mong muốn góp phần "Vì một Việt Nam xanh - sạch - đẹp”. Được thành lập vào năm 2019 bởi các Công ty thành viên, Liên minh Tái chế bao bì PRO Việt Nam hiện đã thu hút 19 thành viên và con số dự báo vẫn tiếp tục phát triển. Điều này cho thấy, Liên minh PRO Việt Nam cùng các thành viên có trách nhiệm với môi trường đã tìm đến nhau trong một quan điểm chung thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và đẩy lùi ô nhiễm rác thải bao bì vào quá khứ.


URENCO tổ chức hoạt động thu đổi rác tái chế và tặng quà tại Trường tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội)

Công cụ chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 với yêu cầu nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp tái chế Việt Nam, qua đó giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Đây sẽ là những viên gạch đầu tiên xây dựng ngành công nghiệp tái chế, thu hút đầu tư, tiết giảm chi phí do sử dụng nguyên liệu giá thấp trong nước.

Để khuyến khích phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định theo hướng ai xả nhiều CTRSH  hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay. Cùng với đó, người không thực hiện phân loại rác sinh hoạt sẽ phải trả chi phí cao hơn người thực hiện phân loại. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn.

Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới chính thức có hiệu lực. Luật quy định rõ quyền, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư. Điểm mới của Luật (sửa đổi) là yêu cầu phải có sự vào cuộc đồng bộ, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị và từng người dân trong bảo vệ môi trường. Luật đã cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của người dân. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định. Và thay vì thu tiền thu gom rác thải theo cách "cào bằng” hiện tại, người dân sẽ phải trả khoản tiền tương ứng với lượng rác thải ra. Đặc biệt, rác có khả năng tái sử dụng và rác thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình nếu phân loại đúng sẽ không phải trả phí; trường hợp phân loại không đúng quy định thì phải chi trả cho tất cả các loại rác thải phát sinh. Quy định này sẽ "đánh” thẳng vào túi tiền của chính người dân, buộc họ phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phân loại và xả thải rác. 

Để phân loại rác hiệu quả, cần những biện pháp quyết liệt hơn 

Theo các chuyên gia, xử lý rác thải chỉ có thể giải quyết khi kết hợp giữa công nghệ xử lý rác và phân loại rác tại nguồn và quản lý thu gom vận chuyển rác phải đồng bộ.

Trên thực tế, khái niệm phân loại rác tại nguồn không hề mới mẻ. Hơn 10 năm trước, dự án phân loại rác thải tại nguồn, gọi tắt là 3R, được triển khai thí điểm tại một số phường trên địa bàn Hà Nội bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, dự án này bị tạm dừng. Nguyên nhân là chúng ta chưa có sự chuẩn bị chu đáo; quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và rác hữu cơ, trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh. Tuy nhiên, đầu ra cho phân bón vi sinh thiếu ổn định, sản phẩm rất khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm...

Do đó, thời gian tới để thực hiện thành công, hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn, các cấp, các ngành cần có những biện pháp quyết liệt để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội;  bảo đảm các trang thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đồng bộ và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. 

Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, tác động về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn và nguy cơ xảy ra nếu không phân loại để người dân hiểu cũng như thực hiện. Cần tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại đối tượng để có cách triển khai, lộ trình thực hiện phù hợp; vận động và đầu tư trang thiết bị, kinh phí, nhân sự cho việc phân loại rác tại nguồn trong giai đoạn đầu thực hiện và duy trì thường xuyên, liên tục.

Khát vọng vì một Việt Nam xanh - sạch - đẹp sẽ đủ lớn để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đi đôi với sống xanh bền vững.

Lam Vy