Cần tránh 'nỗ lực' cống hóa các dòng sông để lấy mặt bằng!

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/9/2020 | 3:40:47 PM

QLMT - Các dự án làm sạch sông Tô Lịch vốn được người dân Hà Nội nói riêng, dư luận xã hội nói chung quan tâm suốt nhiều năm qua. Đặc biệt những ngày gần đây, vấn đề này lại tiếp tục xôn xao khi người ta muốn “biến” sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh. Công ty cổ phần tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị đề xuất dự án này tuyên bố đây không phải là việc để kinh doanh “BOT tâm linh”...

sông Tô Lịch
Phối cảnh Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch tương lai khi hoàn thành, đề xuất của JVE.

Dự án trên chắc hẳn sẽ còn tiếp tục tạo ra tranh luận trong thời gian tới vì ý tưởng chỉnh trang đô thị này khá "táo bạo" và chủ thể lại là một dòng rất đặc biệt ở Hà Nội. Về phần mình, sau khi tiếp nhận thông tin cũng như quan sát diễn biến vụ việc trong những ngày qua, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) - PGS.TS Đào Trọng Tứ, lại cho rằng: "Vấn đề cảnh quan thì chẳng có lý do gì để không khả thi. Nhưng việc trả Tô Lịch về với đúng nghĩa một dòng sông lại là vấn đề hoàn toàn khác”.

Chỉ là giải pháp cục bộ

Theo ông Tứ, ít nhất là từ đầu thế kỷ XXI đến nay, sông Tô Lịch chỉ có vài lần không đen, đó là sau cơn bão số 3, số 4 và xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch (cùng năm 2019) và đặc biệt là sau trận ngập lụt lịch sử năm 2008.

Ông phân tích, Tô Lịch thực sự là sông khi nó còn là nhánh của sông Hồng theo đúng nghĩa. Nhưng từ khi thực dân Pháp đô hộ, đoạn bắt đầu tách nhánh đó đã bị đô thị hóa, rồi dần dần, sông Tô Lịch trở thành cái cống thoát nước lộ thiên đúng nghĩa: "Tô Lịch hoàn toàn không còn là dòng chảy tự nhiên, mực nước chỉ còn dưới 50cm (trừ những thời điểm mưa to) nên ngoài những dịp thi thoảng có nước mưa thì nước dưới sông chủ yếu chỉ là nước thải sinh hoạt."

sông Tô Lịch
PGS.TS Đào Trọng Tứ phân tích các phương án cải tạo sông Tô Lịch trong thời gian qua.

Bàn về phương pháp xử lý ô nhiễm dòng sông, ông Tứ cho biết, thực tế công nghệ Nano - Bioreactor được sử dụng nhiều trên thế giới nhưng chỉ dùng để xử lý ao, hồ... chứ dùng công nghệ này để xử lý sông ngòi thì hoàn toàn bất khả thi. Đặc biệt với dòng sông ô nhiễm trầm trọng như Tô Lịch, phải hứng nước xả thải 24/24, thì công nghệ Nano - Bioreactor chỉ là giải pháp cục bộ, khó mang lại hiệu quả.

Trước tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch, cũng như sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu đang chảy trong nội đô, một số ý kiến cho rằng cần xử lý nước thải trước khi chảy xuống sông Tô Lịch nói riêng và các sông nói chung, hoặc tách nước thải, hạ ngầm nước thải để nó không đổ vào sông nữa. Tuy nhiên, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhận định, cả phương án xử thải tại gốc và tách nước thải đều bất ổn. Bởi, dọc sông Tô Lịch là hàng trăm cống xả, chi phí thiết bị, vận hành máy móc liên tục xử lý nước từ đầu đến cuối dòng sông đã là rất khó. Và thực tế trên thế giới, cũng không ở nơi nào dùng máy móc để xử lý nước thải cho cả dòng sông.

công nghệ Bio-nano
Các chuyên gia Nhật Bản đang xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Bio-nano năm 2019. Ảnh: PLO

Còn với phương án tách nước thải: "Nếu tách nước thải khỏi mặt sông, thì xin thưa là có thể mang gối ra… nằm giữa lòng sông. Bởi nguồn nước thải cũng chính là nguồn nước - gần như duy nhất chảy dưới lòng sông”, ông Tứ nhận định.

Hà Nội không chỉ có một dòng sông Tô Lịch

PGS.TS Đào Trọng Tứ nhấn mạnh: "Nếu sông Tô Lịch trở thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh, nếu gắn sông Tô Lịch với cái gọi là tâm linh, thì các dòng sông khác là gì?”. Trong khi Hà Nội không chỉ có sông Tô Lịch mà còn có sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu. Rồi sau khi sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, còn có thêm sông Nhuệ, sông Đáy và tất cả đều đã và đang gập vấ đề ô nhiễm mà nói hình ảnh hơn thì đó là "sông chết".

Ông cũng thẳn thắn: "Không thể loại trừ việc chỉ quan tâm "cứu” Tô Lịch mà bỏ các dòng sông khác, rồi tạo cơ hội cho "âm mưu” cống hóa, bán mặt bằng. Nên nhớ, trước đây đã từng có đề xuất cống hóa cả sông Tô Lịch rồi”.

sông Tô Lịch
Ngã ba sông Tô Lịch giao với sông Lừ ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai nhuốm màu đen. Ảnh: VNExpress

Theo vị chuyên gia của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam này, để Tô Lịch nói riêng và các dòng sông đã và đang chết khác của Hà Nội nói riêng thực sự là sông đúng nghĩa, thì cần phải có dòng chảy tự nhiên với mực nước cao, liên tục chảy từ đầu nguồn đến cuối nguồn, lòng sông có sự sống của các loài tôm cá, thủy sinh. "Cái khó của sông Tô Lịch là đã bị chặn dòng nước tự nhiên từ sông Hồng đổ vào. Phương án lấy nước Hồ Tây bổ cập cho sông Tô Lịch để làm loãng ô nhiễm cũng là một giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, không phải lúc nào Hồ Tây cũng có khả năng cung cấp cả triệu khối nước để "tẩy” ô nhiễm cho Tô Lịch. Chưa kể, lượng nước đó sẽ cuốn hết những chất thải tích tụ lâu ngày dưới lòng sông về hạ nguồn, rồi lại trút hết những chất thải ô nhiễm đó vào sông Nhuệ, sông Đáy", vẫn là nhận định của ông Tứ.

Nói vậy, không có nghĩa là không có giải pháp cho các dòng chảy ở nội đô. Theo ông Tứ, ngoài việc tách nguồn nước thải để xử lý tập trung, xử lý được chất thải tích tụ dưới lòng như sông Tô Lịch còn cần bổ cập thường xuyên nước sông Hồng. Có thể hình dung, quãng sông Hồng tách nhánh để hình thành Tô Lịch đã bị chặn lại bởi đô thị hóa từ thời Pháp thì có thể thay sự dẫn nước tự nhiên ấy bằng việc dẫn nước nhờ máy móc.


Sông Tô Lịch hoàn toàn không còn là dòng chảy tự nhiên, ngoài những dịp thi thoảng có nước mưa thì nước dưới sông chủ yếu chỉ là nước thải sinh hoạt. Ảnh: VNExpress

Khi được hỏi, rằng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng từng là nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM suốt nhiều năm và đến nay, tuy không thể trở lại là dòng chảy trong lành như trước đây, nhưngdòng kênh này đã thực sự "hồi sinh”; vậy thì Hà Nội thiếu đều kiện nào khiến không thể hồi sinh các "sông chết" - ít nhất là trong khu vực nội đô, PGS.TS Đào Trọng Tứ, đáp: "Hà Nội không có đặc điểm tự nhiên là triều cường, đây cũng là yếu tố góp phần làm giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của việc đã mấy chục năm mà sông Tô Lịch chưa được cứu là vì quyết tâm của chính quyền Hà Nội chưa cao”.

Theo Lệ Quyên/Người đô thị