Các công ty toàn cầu với nỗ lực thúc đẩy sản xuất hydro carbon thấp

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/11/2021 | 3:26:03 PM

QLMT - 28 công ty toàn cầu, bao gồm cả các công ty dầu khí hàng đầu như BP, Shell, Equinor và TotalEnergies, cũng như các công ty tiện ích gồm EDF, EDP, Enel, Engie và Iberdrola đã tham gia sáng kiến thúc đẩy sản xuất hydro carbon thấp như một phần không thể thiếu của hệ thống năng lượng tương lai.

Sáng kiến trên được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu COP 26. Các công ty tham gia sáng kiến cam kết đạt các mục tiêu quan trọng như: Tăng công suất sản xuất hydro phát thải carbon thấp toàn cầu lên hơn 18 triệu tấn/năm; gia tăng tiêu thụ hydro phát thải carbon thấp lên mức 1,6 triệu tấn/năm; thay thế nguồn hydro xám đang được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp lọc dầu, hóa chất, sản xuất phân bón. Nếu các mục tiêu trên được thực hiện sẽ góp phần giảm hơn 14 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm, tương đương với lượng khí thải hàng năm của hơn 6 triệu ô tô ở châu Âu. 

Các công ty toàn cầu với nỗ lực thúc đẩy sản xuất hydro carbon thấp
Volkswagen dự định vận hành khoảng 18.000 trạm xạc xe công cộng ở châu Âu vào năm 2025.

Theo Hội đồng hydrogen toàn cầu, cam kết của nhóm 28 công ty sẽ đóng góp 25% vào những nỗ lực khử carbon toàn cầu bằng nhiên liệu hydro đến năm 2030, giúp giảm khoảng 800 triệu tấn CO2 quy đổi mỗi năm. Hội đồng doanh nghiệp thế giới và phát triển bền vững cho biết, tổ chức này đang khuyến khích nhiều công ty tham gia sáng kiến này và thực hiện những cam kết để đẩy nhanh hơn nữa việc hình thành thị trường hydro. 

Sáu nhà sản xuất ôtô lớn bao gồm Ford Motor, General Motors, Mercedes-Benz Daimler, BYD, Jaguar Land Rover và Tata Motors đã cam kết sẽ chấm dứt xuất xưởng phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040. Tuy nhiên, Toyota Motor và Volkswagen vẫn chưa cam kết điều này.

Theo IEA, các phương tiện giao thông (ô tô nói chung, tàu thủy và máy bay) chiếm khoảng 1/4 tổng khối lượng phát thải CO2 toàn cầu. Mặc dù chưa xác định chính thức thời điểm dừng sản xuất phương tiện động cơ đốt trong, nhưng các hãng xe hơi đều có kế hoạch tăng mạnh đầu tư vào phát triển xe điện và ắc quy từ 300 tỷ USD vào năm 2030 lên 515 tỷ USD, trong đó, Volkswagen dự định đầu tư gần 110 tỷ USD, Daimler và BMW tổng cộng khoảng 185 tỷ USD, General Motors và Ford dự chi gần 60 tỷ USD vào năm 2025.

Hãng năng lượng Shell đang nỗ lực mở rộng mạng lưới các trạm sạc xe điện (EV) quy mô toàn cầu. Công ty vừa xây mới vừa hợp nhất với thương hiệu Shell Recharge nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh mạnh mẽ nhất trong lịch sử 200 tồn tại từ sản xuất hydrocacbon sang sản xuất và bán điện sạch, đạt mục tiêu trung hòa phát thải trước năm 2050. Shell kỳ vọng đến năm 2025 sẽ điều hành hệ thống trên 500.000 điểm sạc EV mang thương hiệu Shell Recharge. 

Bắc Lãm