Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác nâng cao nhận thức về mối nguy hại của amiăng

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/11/2021 | 4:27:31 PM

QLMT - Sáng nay tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết Bản thỏa thuận hợp tác Dự án "Nâng cao nhận thức về mối nguy hại của amiăng đến sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số và vận động để loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng tại Việt Nam"

Nhằm nâng cao nhận thức về mối nguy hại của amiăng đến sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số và vận động để loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng tại Việt Nam, ngày 10 tháng 11 năm 2021, Tổ chức nhân dân Úc vì Y tế, Giáo dục và Phát triển hải ngoại (APHEDA); Hội hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi (VAMEDA) và Trung tâm nghiên cứu Quyền con người vùng dân tộc, miền núi (HRC) đã ký kết Bản thỏa thuận hợp tác Dự án "Nâng cao nhận thức về mối nguy hại của amiăng đến sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số và vận động để loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng tại Việt Nam"

le-ky-ket-ban-thoa-thuan-hop-tac-trong-linh-vuc-nang-cao-nhan-thuc-ve-moi-nguy-hai-cua-amiang-1
Lễ ký kết thỏa thuận

Tham dự buổi lễ ký kết có bà Hoàng Thị Lệ Hằng Trưởng đại diện Tổ chức nhân dân Úc vì Y tế, Giáo dục và Phát triển hải ngoại; TS. Bế Trường Thành, Chủ tịch Hội hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi; TS. Hoàng Xuân Lương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người vùng dân tộc thiểu số, miền núi (HRC).

le-ky-ket-ban-thoa-thuan-hop-tac-trong-linh-vuc-nang-cao-nhan-thuc-ve-moi-nguy-hai-cua-amiang-2

Với việc ký kết Bản ghi nhớ này, các bên đã đặt ra mục tiêu chung của dự án là giảm thiểu các bệnh liên quan đến amiăng trong tương lai ở các nhóm dân tộc thiểu số và tiến tới việc không sử dụng các loại sợi amiăng trong sản xuất tấm lợp ở Việt Nam (*) (*theo Điều 8, NĐ09/2021/NĐ-CP). Cụ thể:

- Nâng cao nhận thức về các mối nguy hại của amiăng đến sức khỏe và môi trường cho các cộng đồng dân tộc thiểu số và giảm việc sử dụng tấm lợp có sợi amiăng.

- Tăng cường hợp tác với cộng đồng để vận động cho việc chuyển đổi sử dụng tấm lợp không sợi amiăng, tiến tới không sử dụng các loại sợi amiăng trong sản xuất tấm lợp ở Việt Nam và quản lý an toàn sợi amiăng còn tồn tại trong môi trường.

Phát biểu tại Lễ ký kết, TS. Bế Trường Thành, Chủ tịch Hội hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi (VAMEDA), khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của Dự án, hoan nghênh và đánh giá cao vai trò và nỗ lực của Tổ chức nhân dân Úc vì Y tế, Giáo dục và Phát triển hải ngoại (APHEDA ) và cá nhân bà Hoàng Thị Lệ Hằng Trưởng đại diện Tổ chức trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Tổ chức APHEDA ; VAMEDA và HRC. Đồng thời tin tưởng rằng đây là thời điểm rất thích hợp để hai bên tăng cường hợp tác theo chiều sâu, thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Theo bà Hoàng Thị Lệ Hằng Trưởng đại diện Tổ chức APHEDA, việc xây dựng lòng tin chiến lược là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để có thể thúc đẩy một cách thực chất và bền vững quan hệ đối tác hợp tác giữa APHEDA; VAMEDA và HRC trong lĩnh vực dự án là giảm thiểu các bệnh liên quan đến amiăng trong tương lai ở các nhóm dân tộc thiểu số.

"Các bên hợp tác chặt chẽ với tinh thần tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau và cam kết học tập và hỗ trợ hai chiều. Thỏa thuận này được xây dựng dựa trên tinh thần đó đồng thời làm rõ trách nhiệm và yêu cầu cần tuân thủ lẫn nhau, giảm thiểu gánh nặng hành chính và duy trì mức trách nhiệm cao" bà Hằng nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hằng, thiết kế tổng thể của dự án bao gồm có 4 đối tác trực tiếp thực hiện và 4 tổ chức phi chính phủ cùng hợp tác làm việc tại 02 tỉnh là Nghệ An và Phú Thọ. Thời gian hợp tác là 3 năm (từ năm 2021-2023) " bà Hằng cho biết thêm.

le-ky-ket-ban-thoa-thuan-hop-tac-trong-linh-vuc-nang-cao-nhan-thuc-ve-moi-nguy-hai-cua-amiang-3
Tấm lợp đạt tiêu chuẩn an toàn fibro ximăng được sử dụng thay thế tấm lợp amiang độc hại. Ảnh: Hải Nguyễn

Trên thị trường hiện nay, tấm lợp fibro xi măng được sản xuất bằng amiăng là vật liệu xây dựng khá phổ biến, có giá hợp lý nên được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, những người sử dụng các sản phẩm từ amiăng hoặc làm việc trong môi trường chứa amiăng đều có thể bị ung thư.

Sản phẩm này được người dân các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ưa chuộng vì vừa phù hợp với điều kiện khí hậu, giá thành lại thấp. Tuy nhiên đến nay, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới vừa công bố bằng chứng trên người và thực nghiệm về các loại Amiăng là chất gây ung thư ở người.

Amiăng có tới 6 loại, trong đó loại độc hại nhất gọi là amiăng "xanh", đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Loại ít độc nhất là amiăng "trắng", hiện vẫn đang được sử dụng để làm tôn lợp nhà, hoặc ống dẫn nước.

Theo các nhà khoa học của Hội hóa học Việt Nam: Amiăng chủ yếu đi vào đường thở, vì bụi amiăng vào đường thở sẽ nằm trong phế nang, không dễ thải loại bằng các cơ chế mà cơ thể mình sẵn có. Nó sẽ gây ung thư theo cơ chế vật lý, tức là làm thành ổ viêm, lâu dần sẽ phát triển lên, làm theo cơ chế hoạt tính sinh học, làm các tế bào mô, ADN bị thay đổi. Bắt đầu từ các nước đã dùng amiăng cách đây 100 năm, khi người ta dùng đến nay người ta mới phát hiện ra là càng dùng nhiều amiăng, tỷ lệ bệnh về đường thở càng tăng lên.

Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, tại 6 bệnh viện đã ghi nhận 447 trường hợp bệnh nhân nghi ngờ liên quan đến amiăng, trong đó 46 ca được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi. Thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với amiăng thường kéo dài khoảng 20 đến 30 năm, người lao động đến khi nghỉ hưu mới phát bệnh.

Đáng nói hơn, những người sống ở nhà có mái lợp amiăng có nguy cơ mắc bệnh cũng rất cao, thậm chí vẫn thường xuyên hứng nước từ mái lợp fibro xi măng để dùng cho ăn uống.

Theo GS.TS Lê Vân Trình - Chủ tịch hội An toàn và vệ sinh lao động Việt Nam: Quy định của Việt Nam là trong môi trường lao động không được có quá 0,5 sợi amiăng/1 m3 không khí, đây là tiêu chuẩn rất cao.

Nhưng trên thực tế chế tài của chúng ta chưa nghiêm. Tại các nhà máy, các giải pháp để cải thiện môi trường điều kiện làm việc và ngăn chặn sợi amiăng vào không khí còn rất hiếm.

Tác hại của Amiăng nghiêm trọng là vậy, nhưng trên thực tế, phần lớn người lao động không có khái niệm về độc hại khi làm việc trong môi trường có amiăng. Họ chấp nhận làm việc trong môi trường lao động còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh như: nồng độ bụi cao, trang bị về bảo hộ lao động còn thiếu…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã khuyến nghị các nước loại bỏ sử dụng các loại amiăng, yêu cầu thay thế và giám sát quy định nghiêm ngặt việc sử dụng amiăng ở nơi làm việc; đầu tư cho các ngành công nghiệp thay thế sử dụng amiăng./.

Union Aid Abroad – APHEDA là tổ chức công lý toàn cầu thuộc Phong trào Công đoàn Úc. Union Aid Abroad - APHEDA quan hệ đối tác hướng đến giá trị của công việc, công bằng xã hội, bình đẳng kinh tế và quyền của con người, thông qua phong trào xã hội và công đoàn vững mạnh, các chương trình phát triển bền vững, đoàn kết toàn cầu, và hỗ trợ kịp thời khi có khủng hoảng … Union Aid Abroad – APHEDA được chương trình viện trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) đánh giá và đã cam kết thực hiện Bộ Quy tắc Ứng xử của Hội đồng Phát triển Quốc tế Úc (ACFID), là thành viên của Mạng lưới Hợp tác Phát triển Công đoàn và là hội viên của Liên minh Đoàn kết Quốc tế.

Hội hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi (VAMEDA) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, được thành lập theo Quyết định số 628/QĐ-BNV ngày 28/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và hoạt động theo Điều lệ Hội do Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 2019/QĐ-BNV ngày 16/12/2013. Hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và Ủy ban dân tộc Chính phủ. Hội có nhiệm vụ nghiên cứu tư vấn, tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương về phát triển kinh tế miền núi; tổ chức các hội thảo chuyên đề, tập hợp và tạo điều kiện để các hội viên tham gia đóng góp và phát huy các nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả việc phát triển kinh tế miền núi, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với vùng dân tộc thiểu số; hợp tác liên kết với các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước tham gia đầu tư, tài trợ, hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi; tham gia thực hiện công tác đào tạo cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi.

Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người vùng dân tộc, miền núi (HRC) là đơn vị trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, hoạt động theo giấy phép của Bộ khoa học, công nghệ. Có chức năng nghiên cứu và ứng dụng các nghiên cứu Khoa học công nghệ vào sự phát triển con người vùng dân tộc, miền núi Việt Nam được phép hợp tác với các tổ chức Quốc tế, các tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện nhiệm vụ. Trung tâm HRC đã phối hợp với IRECO và CEMA trong những năm qua để xây dựng hoạt động dự án qua những nội dung đề cập trong đề xuất./.

Diệp Anh