Tầng ozone là gì?

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/10/2021 | 2:35:18 PM

QLMT - Hỏi: Xin Chuyên trang Quản lý môi trường cho biết: Tầng ozone là gì? Tầng ozone có vai trò như thế nào trong cuộc sống?

Trả lời:

Tầng ozone là một lớp sâu trong tầng bình lưu, bao quanh Trái đất. Tầng bình lưu là lớp không gian 6 đến 30 dặm trên bề mặt trái đất. Tầng ozone chứa một lượng lớn ozone (O3). Lớp ozone này che chắn toàn bộ Trái đất khỏi phần lớn các bức xạ cực tím có hại đến từ mặt trời. Ozone được sinh ra từ chính tác động của tia cực tím đến các phân tử oxi (O2). Ozone là một dạng oxy đặc biệt, được tạo thành từ ba nguyên tử oxy chứ không phải là hai nguyên tử oxy thông thường. Nó thường hình thành khi một số loại phóng xạ hoặc phóng điện tách hai nguyên tử trong phân tử oxy, sau đó có thể kết hợp lại với các phân tử oxy khác để tạo thành ozone (O3).

O3 có hai loại là tốt và xấu. Ozone tốt được tạo ra từ tự nhiên nằm ở tầng bình lưu phía trên. Ozone xấu còn được gọi là ozone tầng đối lưu hay ozone tầng mặt đất. Chúng được hình thành từ hoạt động của con người do phản ứng hóa học giữa oxit của nito và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi - VOC.

Tầng ozone chứa một lượng lớn ozone O3 có tác dụng bảo vệ Trái đất khỏi những tia có hại của Mặt trời
Nếu không có tầng ozone ngăn lại, các tia cực tím này sẽ chiếu thẳng xuống Trái đất gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

Vai trò của tầng ozone đối với cuộc sống con người

Kích thước của tầng ozone này không dày, nhưng lại có nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ Trái đất. Vì trong ánh nắng mặt trời chiếu xuống Trái đất có rất nhiều tia có hại như UVA, UVB, UVC. Nếu không có tầng ozone ngăn lại, các tia cực tím này sẽ chiếu thẳng xuống Trái đất gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

Ảnh hưởng này rõ nét nhất đối với các tế bào da. Ánh sáng cực tím gây bỏng nắng và tổn thương mặt do làm hỏng các cấu trúc tế bào. UVA (sóng dài) gây ra lão hóa và UVB (sóng ngắn) gây bỏng. Trên thực tế còn có UVC sức công phá lớn nhất. Là nguyên nhân gây ung thư da nhưng tia này đã bị chặn lại bởi tầng ozone. Nếu tầng ozone bị thủng, hậu quả thật khôn lường.

Chức năng của tầng ozone là bảo vệ Trái Đất khỏi các yếu tố gây hại từ bên ngoài. Bảo vệ cuộc sống của con người, của hệ sinh thái động thực vật trên Trái đất. Hiện tượng suy giảm tầng ozone cũng là một trong những yếu tố gây ra biến đổi khí hậu.

Nguyên nhân gây thủng tầng ozone

Nguyên nhân dẫn đến suy giảm, thủng tầng ozone đến từ cả hoạt động tự nhiên và hoạt động nhân tạo. Việc thay đổi khoảng cách của mặt trời đối với Trái đất, gió và tầng bình lưu góp phần làm suy giảm ozone. Tuy nhiên yếu tố tự nhiên làm thủng tấng ozone chỉ chiếm không quá 1% đến 2 %, và các tác động của nó cũng chỉ là tạm thời.

Nguyên nhân chính của hiện tượng suy giảm tầng ozone là đến từ hoạt động của con người. Đó là sự giải phóng quá mức clo và brom từ các hợp chất nhân tạo như CFC, halon, CH 3 CCl 3 (Methyl chloroform), CCl 4 (Carbon tetrachloride), HCFC (hydro-chlorofluorocarbons), hydrobromofluorocarbons và methyl bromide. Chúng đã được chứng minh hiện hữu trên tầng ozon. Các chất khí này được gọi là ODS - các chất làm suy giảm tầng ozone chính.

Các gốc tự do clo và brom phản ứng với phân tử ozone và phá hủy cấu trúc phân tử của chúng, do đó làm suy giảm tầng ozone. Một nguyên tử clo có thể phá vỡ hơn 1, 00.000 phân tử ozone. Nguyên tử Brom được cho là có sức tàn phá gấp 40 lần so với các phân tử clo.

Ngoài ra ô nhiễm không khí cũng là nguyên nhân khiến tình trạng này gia tăng một cách trầm trọng.

Hậu quả của việc suy giảm tầng ozone

Đối với con người: sự suy giảm tầng ozone gây ra ung thư da, hình thành khối u ác tính. Con người tiếp xúc với tia UV sẽ gây ra các bệnh về mắt.

Đối với hệ thực vật: Thiệt hại thảm thực vật đôi khi chúng ta không thể trực tiếp cảm nhận được bằng mắt. Tuy nhiên chúng ta có thể đáng giá trên các yếu tố như tốc độ phát triển, thành phần dưỡng chất trong thực vật,… Tất cả chúng đều bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm này.

Đối với hệ sinh thái biển: Bức xạ UV ảnh hưởng đến giai đoạn phát triển của cá, tôm, cua, lưỡng cư và các động vật khác. Hay trực tiếp ảnh hưởng đến thực vật phù du tạo thành nền tàng của lưới thức ăn thủy sản. Ngoài ra, dưới tác động của tia cực tím, sự cân bằng của khí quyển sẽ bị mất đi.

Làm gì để bảo vệ tầng ozone?

Giảm ô nhiễm không khí do xe cộ và các thiết bị khác khi hoạt động xả khí thải vào môi trường. 

Tiết kiệm năng lượng, nước trong nhà và nơi làm việc.

Sử dụng ánh sáng tự nhiên trong nhà và nơi làm việc nếu có thể.

Tận dụng phương tiện giao thông công cộng hơn là dùng xe máy cá nhân hoặc taxi nếu có thể. Thỉnh thoảng đi xe đạp hoặc đi bộ đến nơi làm việc.

Khi mua các sản phẩm gia dụng, nhất là các loại dùng trong bình xịt, tìm loại ghi trên nhãn "không có CFC”.

Sơn nhà, nên sơn bằng cách quét hoặc lăn, không dùng cách phun sơn.

Giảm dùng các bao bì bằng nhựa xốp. Nếu có sẵn, nên tận dụng nhiều lần. 

Cuối cùng, bảo vệ môi trường chính là cách bảo vệ tầng ozone hiệu quả và thiết thực nhất.

Hi vọng bài viết trên giúp các bạn hiểu được tầng ozone là gì, tầm quan trọng của tầng ozone đối với cuộc sống và cách để bảo vệ mái nhà bảo vệ của Trái đất. 

Chuyên trang Quản lý môi trường