Các khu công nghiệp có thể tiết kiệm năng lượng đến 30%

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/10/2021 | 3:20:46 PM

QLMT - Nếu các khu công nghiệp tại Việt Nam áp dụng các giải pháp hiệu quả năng lượng sẽ giúp tiết kiệm đáng kể năng lượng tiêu thụ hàng năm cho đất nước.

Các khu công nghiệp có thể tiết kiệm năng lượng đến 30%Ảnh minh hoạ. ITN

Tính đến cuối tháng 6 năm 2020, cả nước có 336 khu công nghiệp đã thành lập, trong đó có 221 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động cùng hàng ngàn các cụm công nghiệp khác. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các Khu công nghiệp được đánh giá cao vào khoảng 20% - 30% so với hiện tại nếu có thể áp dụng các giải pháp năng lượng hiệu quả.

Tại Diễn đàn Năng lượng với chủ đề "Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững" tổ chức từ năm 2019, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đã đánh giá: Hiện nay, lượng tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam là từ 20-30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%.

Hiện tại, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng như: tái cấu trúc cơ cấu ngành, khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhất là khuyến khích đầu tư phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng trong các cụm công nghiệp ở Việt Nam. Mặc dù vậy, nhiều khu công nghiệp nước ta vẫn còn thất thoát và lãng phí trong cung cấp và sử dụng năng lượng. Điều này không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, gia tăng chi phí trong sản xuất kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia cũng như gây nên những vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu.

Theo ông Dương Chí Công - Công ty CP Giải pháp công nghệ Việt Nam, có ba nhóm giải pháp để các khu công nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, đó là: cơ chế chính sách, kỹ thuật tối ưu công nghệ và quản lý bao gồm đào tạo và nâng cao năng lực trong việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Trong ba nhóm giải pháp đó, việc tối ưu công nghệ là giải pháp đóng vai trò quan trọng, tiên quyết trong việc nâng cao năng suất sản xuất, giảm chi phí sử dụng năng lượng, giảm giá thành sản xuất từ đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu của quốc gia cũng như trên thế giới.

Theo các chuyên gia, những vấn đề về kỹ thuật công nghệ trong sử dụng năng lượng hiệu quả còn nhiều khó khăn và đang ở bước đầu triển khai. Để tối ưu hóa công nghệ ở Việt Nam, trong thời gian sắp tới, cần ưu tiên nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ trên các lĩnh vực từ công nghiệp đến nông nghiệp và giao thông vận tải, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tiếp cận các công nghệ mới nhất về lĩnh vực năng lượng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức TKNL 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025 và từ 8 - 10% trong giai đoạn 2019 - 2030.

Theo đó, Việt Nam sẽ phấn đấu giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015-2018. Cụ thể, ngành thép giảm từ 5-16,5%; hóa chất chỉ còn hơn 10%; xi măng gần 11%; nhựa giảm từ 21,55 – 24,81%... Đối với các khu, cụm công nghiệp, sẽ có từ 70-90% đơn vị được tiếp cận và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Bắc Lãm