Một số ý kiến liên quan đến Dự thảo Luật Đường bộ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/10/2021 | 6:53:24 PM

QLMT - Dự thảo Luật Đường bộ 2021 (Luật ĐB 2021) đang được lấy ý kiến để hoàn thiện trước khi ban hành. Theo các chuyên gia, Dự thảo Luật lần này đã được bổ sung, sửa đổi khá đầy đủ. Tuy nhiên vẫn còn một số điểm cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện.

Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có dịp trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng.

Một số ý kiến liên quan đến Dự thảo Luật Đường bộ
Dự thảo Luật Đường bộ 2021 đang được lấy ý kiến để hoàn thiện trước khi ban hành. Ảnh minh hoạ: ITN

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, ông có nhận xét như thế nào về Dự thảo Luật ĐB 2021?

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến:

Sau khi nghiên cứu Luật Giao thông đường bộ 2008 và dự thảo Luật Đường bộ (Luật ĐB 2021), tôi thấy Dự thảo Luật ĐB 2021 có nhiều điểm tiến bộ hơn hẳn. Dự thảo Luật ĐB đã không còn các nội dung có liên quan đến bảo đảm an toàn và trật tự giao thông, các nội dung này đã chuyển sang một Luật mới. Dự thảo Luật lần này với tên gọi mới là Luật Đường bộ là phù hợp và được kế thừa các nội dung còn phù hợp với tình hình mới, bổ sung thêm nhiều nội dung mới bao gồm từ quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành khai thác, bảo trì… đến quản lý về phương tiện vận tải, vận tải hàng hóa, hành khách và các dịch vụ vận tải đi kèm, đặc biệt bổ sung về đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành, khai thác, bảo trì… đường cao tốc, quản lý vận tải hành khách (đặc biệt trong đô thị) sử dụng phần mềm hỗ trợ và kết nối/phương tiện giao thông công nghệ…

Về cơ bản nội dung đã bao trùm về quản lý đường bộ là khá đầy đủ với 102 điều. Kết cấu (chương, mục, điều, khoản…) là khá chặt chẽ, logic. 

PV: Theo ông trong Dự thảo Luật ĐB 2021 còn những điểm nào cần phải xem xét, điều chỉnh, bổ sung?

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến:

Với 102 điều trong đó có nhiều điều nội dung khá cụ thể nhưng cũng vẫn phải có đến 15 điều, khoản Chính phủ hướng dẫn chi tiết, khoảng 17 - 18 điều/khoản Bộ Giao thông hướng dẫn chi tiết chưa kể đến các Bộ, ngành khác và UBND cấp tỉnh (chiếm trên 30% số điều cần có hướng dẫn) liệu có thể chi tiết hơn để tránh giao lại hoặc phải chờ các cơ quan hướng dẫn tiếp không? Một số điều trình bày theo hướng sẽ giao cho Chính phủ hoặc Bộ GTVT nên nội dung quá ít chưa đủ nội hàm quản lý, vì vậy cần bổ sung ngay tại dự thảo để không cần chờ Chính phủ, Bộ GT hay UBND cấp tỉnh hướng dẫn ví dụ: Điều 42 (có thể kế thừa Điều 35, Điều 36 của Luật GTĐB 2008 và cụ thể hơn thì không cần hướng dẫn nữa; Điều 57; Điều 62…).

Đường Bộ nói chung được quản lý thống nhất, tuy nhiên đường trong đô thị hay nói cách khác là giao thông đường bộ đô thị lại có những đặc thù riêng vì chúng có mối quan hệ chặt chẽ với tổ chức không gian đô thị, phân khu chức năng của đô thị, đất đô thị, các công trình kỹ thuật sử dụng chung, nhu cầu đi lại và sử dụng các công trình có liên quan…. Đường phố đô thị ngoài chức năng chính sử dụng với mục đích giao thông (đi lại của người và phương tiện) còn phục vụ cho các hoạt động của cộng đồng đô thị vì vậy cần bổ sung nội dung quy định quản lý rõ hơn hoặc thiết kế điều riêng cũng như bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước… Mặt khác hiện nay hình thành nhiều khu đô thị mới có nhiều quy mô khác nhau, các khu chung cư nhà cao tầng có hạ tầng kỹ thuật do chủ sở hữu hoặc chủ đầu tư đầu tư, xây dựng và quản lý và trong tương lai gần sẽ bàn giao quản lý vận hành cho chính quyền đô thị trong đó có đường nội bộ tại các khu đô thị này vậy cần bổ sung thêm nội dung quản lý khi bàn giao các công trình này (ngoài các nội dung đã có tại Điều 35 của dự thảo). 

Theo dự thảo Luật: Đường đô thị quản lý đến tận đường ngõ, ngách và trong các tỉnh phía Nam gọi là hẻm/kiệt… vì vậy cần bổ sung? Và có nên quản lý đến tận những con đường này không, mục tiêu quản lý là gì, hầu như trong dự thảo không nhắc đến.  

PV: Ông có những nhận xét gì về các nội dung cụ thể ghi trong Dự thảo LĐB 2021?

PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến:

Thứ nhất, về giải thích thuật ngữ: Dự thảo Luật quá nhiều giải thích thuật ngữ có đến 63 từ, cụm từ cần phải giải thích liệu có nên quá nhiều như vậy không (ít có Luật lại có nhiều đến như vậy). Rất nhiều từ đã trở thành quen thuộc và rất thông dụng cũng lại phải giải thích như: hành lý, hành khách, xe ô tô, xe đạp, xe gắn máy, xe mô tô, máy kéo… Xe ô tô khách thành phố và xe buýt về bản chất có gì khác nhau hay chỉ khác nhau về mục đích sử dụng hay phạm vi phục vụ? 

Một số ý kiến liên quan đến Dự thảo Luật Đường bộ
Xe buýt hay xe ô tô khách thành phố?

Trong dự thảo cũng cần bổ sung làm rõ thêm một số khái niệm: Thế nào là đường ô tô vì trong phân loại không có và trong khái niệm cũng không nhưng trong quy định lại có ví dụ tại điều 11. Cơ quan quản lý đường bộ thì rõ nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ quan nào (cơ quan quản lý đường bộ hay UBND hay cấp Bộ) quy định tại Điều 19?  Vì vậy cần rà soát lại điều này.

Thứ hai, tại Điều 7 quy định về cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ: Chỉ có cơ sở dữ liệu về thu phí dịch vụ nhưng tại Điều 48 có quy định về thu giá - liệu có phải bổ xung?

Thứ ba, tại Khoản 2 Điều 11: Bộ trưởng Bộ GTVT xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về kỹ thuật đường bộ. Tiêu chuẩn thiết kế đường bộ đô thị do Bộ nào xây dựng (nếu là Bộ Xây dựng thì cần quy định luôn).

Thứ tư, trong Luật GTĐB 2008 không còn khái niệm về vỉa hè mà gọi chung là lòng đường, hè phố. Tại điều 28 quy định có liên quan đến vỉa hè vậy vỉa hè ở đây được hiểu như thế nào, đó là hè phố hay bó vỉa?

Thứ 5, trong rất nhiều điều có quy định liên quan đến xe ô tô khách thành phố và xe buýt vì vậy cần có sự sự rà soát và nên thống nhất khái niệm trong đô thị nên gọi là xe buýt đúng hơn và xưa nay vẫn gọi như vậy.

Thứ sáu, về sử dụng lòng đường, hè phố tại điều 42: Đã đề nghị ở trên cần phải cụ thể hơn.

Thứ bảy, tại Điều 48, tại sao gọi là Thu giá: Đã có nhiều trao đổi, bình luận trên phương tiện thông tin đại chúng và trong cả diễn đàn Quốc Hội về sử dụng cụm từ này. Thu giá không có nghĩa đề nghị sử dụng lại thành: Thu tiền sử dụng đường cao tốc đúng bản chất và giữ được sự trong sáng trong sử dụng tiếng Việt. 
 
Một số ý kiến liên quan đến Dự thảo Luật Đường bộ
Bộ Giao thông vận tải từng đề xuất đổi trạm thu phí thành trạm thu giá

Thứ tám, tại khoản 1 Điều 76: Xe buýt chạy đúng tuyến, đúng giờ, đúng lịch trình là đúng nhưng lại có quy định chung chung cho xe bốn bánh gắn động cơ cũng phải chạy đúng tuyến, đúng lịch trình, thời gian... lại không hợp lý (cần làm quy định rõ hơn chỉ cho xe hoạt động kinh doanh vận tải khách).  

Thứ chín, về trách nhiệm của các Bộ ngành tại Điều 98: Đề nghị rà soát kế thừa chức năng, nhiệm vụ của các Bộ ngành để bổ sung cho đầy đủ không nên chỉ quy định một cách quá ngắn gọn không đủ nội dung cũng như không đầy đủ ý nghĩa cả về quản lý (Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường không chỉ quản lý đất….). Cần quy định rõ hơn chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng về quản lý giao thông đô thị (quy hoạch giao thông trong quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông của 5 thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch đô thị 2009; các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình giao thông đường đô thị, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng có liên quan kết cấu hạ tầng giao thông đô thị….).

Riêng về Điều 19 quy định về Xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tại điểm b khoản 1 Điều 19, các công trình hạ tầng như… thông tin, viễn thông, năng lượng, cấp, thoát nước, công trình thủy lợi… (nếu kể cả thủy điện thì nên xem lại đề nghị bỏ) được bố trí trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là hoàn toàn đúng và vì song hành với đường giao thông, những công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đặc biệt các công trình cấp thoát nước đóng vai trò rất quan trọng phục vụ trực tiếp đời sống hàng ngày của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, kết nối vùng và cả nước. Tuy nhiên quy định tiếp theo tại khoản 5 của Điều này không chặt chẽ - các công trình đường ống cấp nước có tính đặc thù như đường kính ống có thể lên tới 2000mm, có kết nối với các hộ tiêu thụ theo mạng lưới và cung cấp nước trực tiếp đến người dân và các hộ sử dụng nước, các công trình này khi đã xây dựng đòi hỏi tính ổn định cao và đặc biệt không thể dễ dàng di chuyển…. và đường ống thoát nước cũng vậy. Việc tổ chức di dời phải có thời gian, quy hoạch và kế hoạch đồng thời phải được đền bù thiệt hại do phải di dời/xây dựng mới vì các công trình này đã được phép xây dựng hợp pháp trong phạm vi bảo vệ và theo đúng quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy khoản 5 điều này cần được trình bày lại rõ ràng mang tính trách nhiệm hơn và phải tính đến lợi ích/quyền lợi của các bên.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến.

Hà Thắm