Tác động của chất thải rắn sinh hoạt đối với môi trường tự nhiên của Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/10/2021 | 9:21:27 AM

QLMT - Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tăng lên đáng kể trong những năm qua ở cả đô thị và nông thôn. Nếu không được quản lý hợp lý, CTRSH sẽ tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội và sức khoẻ của con người.

Nếu không được quản lý hợp lý, CTRSH sẽ tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Ảnh: ST

Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, CTRSH tại các đô thị đã tăng từ 32.000 tấn/ngày năm 2014 lên 35.624 tấn/ngày trong năm 2019, CTRSH ở nông thôn cũng tăng nhanh từ CTRSH phát sinh tại khu vực nông thôn có khối lượng ngày càng tăng, từ 18.200 tấn/ngày trong năm 2011 lên 28.394 tấn/ngày trong năm 2019.

Chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam có thành phần hữu cơ chiếm tỷ lệ lớn nhất, từ 52-72% với độ ẩm cao khoảng 70-80% cộng với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm của nước ta làm cho rác thải sinh hoạt rất nhanh phân huỷ, gây nên mùi hôi thối, phát sinh nước rỉ rác, làm ô nhiễm môi trường trên diện rộng ngay từ khâu thu gom, vận chuyển đến khâu xử lý, nhất là tại các bãi chôn lấp CTRSH.

Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia năm 2019 đã chỉ rõ các tác động tiêu cực và nghiêm trọng của CTRST đối với môi trường. Tác động có thể thấy rõ đến môi trường cảnh quan như các hình ảnh về các bãi rác lộ thiên gây mất mỹ quan tại các đô thị, khu dân cư, khu vực công cộng, kể cả ở các vùng nông thôn, miền núi gây ô nhiễm môi trường đất, nước mặt, nước ngầm do nước rỉ rác với nhiều thành phần kim loại nặng và chất nguy hại… không xử lý đạt yêu cầu theo quy định.

CTRSH bị đổ xuống mạng lưới thoát nước gây tắc nghẽn, các chất thải lắng xuống đáy làm tăng khối lượng trầm tích phải nạo vét hàng năm, khí nhà kính, khí gây ô nhiễm môi trường hoặc mùi khó chịu phát sinh từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học (thực phẩm dư thừa, xác động thực vật…) trong CTRSH, khí thải từ các lò đốt CTRSH là những nguồn có khả năng gây ô nhiễm môi trường không khí nếu không có biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải đảm bảo quy định. Các loại vi khuẩn, mầm bệnh trong đất, nước, không khí bị ô nhiễm gây ra những bệnh liên quan đế hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, bệnh về da liễu... Quá trình đốt CTRSH phát sinh bụi, hơi nước và khí thải (CO, axit, kim loại, dioxin/furan).

Tác động của CTRSH đến môi trường đất và cảnh quan

Do đặc tính về kích thước (thô) bao gồm cả các thành phần khó phân hủy theo thời gian (bền vững trong môi trường tự nhiên) như nhựa, cao su, vải…, tác động dễ nhận biết nhất của CTRSH là ảnh hưởng đến cảnh quan. Có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều hình ảnh về các bãi rác lộ thiên gây mất mỹ quan tại các đô thị, khu dân cư, khu vực công cộng. Bên cạnh đó, khi CTRSH bị đổ thải trực tiếp trên mặt đất như tại các bãi rác tự phát, sự phân hủy thành phần hữu cơ trong điều kiện kỵ khí và dưới tác dụng của vi sinh vật sẽ tạo ra các axit hữu cơ làm axit hóa (chua) đất. Ngoài ra, sự tích tụ các kim loại nặng và chất nguy hại trong đất do thấm từ nước rỉ rác vào đất cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường đất.

Tác động của CTRSH đến môi trường nước

Khi CTRSH bị thải vào các nguồn nước mặt sẽ gây ô nhiễm môi trường nước. Các chất nổi lên bề mặt nước gây mất cảnh quan, đồng thời cản trở sự truyền ánh sáng, gây ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của các loại thực vật nước. CTRSH lơ lửng trong nước, đặc biệt là các loại nhựa, dây buộc… quấn vào chân vịt của tàu thuyền làm cản trở giao thông và là nguyên nhân gây chết các loại thủy hải sản. Các chất thải lắng xuống đáy làm tăng khối lượng trầm tích phải nạo vét hàng năm. Quá trìnhphân hủy kỵ khí sinh ra các loại khí độc hại, đặc biệt là khí H2S gây ngộ độc cấp cho các loại thủy hải sản.

Ngay cả khi được chôn lấp hợp vệ sinh, CTRSH cũng gây ô nhiễm môi trường nước do không xử lý nước rỉ rác đạt yêu cầu theo quy định. Thực trạng công tác nạo vét mạng lưới thoát nước và vận hành trạm bơm nước thải cũng như nhà máy/trạm XLNT trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, do ý thức của người dân, một lượng lớn CTRSH bị đổ xuống mạng lưới thoát nước. Nhiều đoạn cống thoát nước mới xây dựng có đường kính đến 1.500 mm bị tắc nghẽn do chất thải xây dựng và CTRSH.

Tác động của CTRSH đến môi trường không khí

Quá trình phân hủy các chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học (thực phẩm dư thừa, xác động thực vật…) trong CTRSH sẽ phát sinh mùi khó chịu. Mùi có thể phát sinh từ các hợp chất Hydro sunfua (H2S), Mercaptan, các loại axit béo bay hơi.

Hydro sunfua (H2S): H2S là sản phẩm phân hủy kỵ khí của các loại đạm có chứa lưu huỳnh, có mùi trứng thối và có thể đo được bằng các máy phân tích thông thường. Khi pH thấp hơn 6,0, H2S không bị phân ly và sẽ gây mùi hôi thối. Khi pH lớn hơn 6,5, H2S bị phân ly hoàn toàn thành HS- và S2- và do đó không gây mùi hôi thối. Vì bãi chôn lấp lâu ngày có pH cao (trên 8,0) nên không thể phát hiện H2S.

Mercaptan: Đây cũng là các sản phẩm của quá trình phân hủy kỵ khí các loại đạm có lưu huỳnh. Tuy nhiên, nồng độ của các chất này rất thấp trong không khí bãi chôn lấp.

Các loại axit béo bay hơi: Trong quá trình phân hủy kỵ khí các chất hữu cơ (cacbohydrat, protein và lipit), thường 3 loại axit béo sau được hình thành: axit axetic (CH3COOH – C2), axit propionic (CH3CH2COOH– C3) và axit butyric CH3CH2CH2COOH – C4). Hỗn hợp của 3 loại này gây mùi hôi thối rất khó chịu, như tại các bãi chôn lấp hiện nay. Tuy nhiên, các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam chưa quy định ngưỡng đối với các chất này, và ít khi được phân tích do phương pháp phân tích đòi hỏi thiết bị chuyên biệt và có chi phí cao. Mặt khác, do đặc thù tạo khí của bãi chôn lấp, trên đỉnh và gần bãi thường ít có mùi, nhưng ở khoảng cách xa hơn ngoài phạm vi bãi thì mùi có độ đậm đặc hơn.

Ngoài mùi có thể cảm nhận dễ dàng bằng khứu giác, CTRSH trong điều kiện kỵ khí còn phát sinh nhiều loại khí nhà kính và khí gây ô nhiễm môi trường, như khí metan, CO2, Phosphin (PH3), amoniac (NH3).

Khí metan là khí có hiệu suất gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất, gấp 21 lần so với khí CO2. Trong các bãi chôn lấp, khí metan chiếm 45 - 65%, khí CO2 chiếm 35 - 40% thể tích khí trong bãi chôn lấp. Trong khi đó, Phosphin (PH3) có thể gây nhiễm độc nếu hít phải ở nồng độ 0,3 - 1,0 ppm và có khả năng gây sảy thai. Khí thải từ các lò đốt CTRSH (như CO, khí axit, kim loại, dioxin/furan) cũng có khả năng gây ô nhiễm môi trường không khí nếu không có biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải đảm bảo quy định.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số khu dân cư, khu đô thị thuộc khu vực phía Nam thành phố đã từ lâu bị ảnh hưởng mùi hôi từ khu liên hợp xử lý CTR Đa Phước, nặng nhất là khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10. Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, các bãi chôn lấp ở thủ đô Hà Nội (Sóc Sơn, Nam Sơn), thành phố Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vĩnh Long, Cần Thơ, Rạch Giá… đều gây ô nhiễm không khí trên diện rộng nhất là vào mùa mưa.

Hiện nay, khoảng 71% khối lượng CTRSH thu gom trên cả nước được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã.

Môi trường tự nhiên có tác động trực tiếp tới sức khoẻ của con người và phát trển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy cần có các biện pháp để quản lý CTRSH một cách hiệu quả, khoa học, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lâm Hà