Rác - “mỏ quặng” có giá trị cho ngành tái chế

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/9/2021 | 4:56:43 PM

QLMT - Tăng trưởng kinh tế và đô thị với tốc độ nhanh chóng đang tạo nên sức ép về mọi mặt đối với môi trường, làm tăng khối lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh, nhất là chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Nhưng ngược lại, nếu làm tốt việc phân loại từ đầu nguồn, rác sẽ là “mỏ quặng” có giá trị cho ngành tái chế trong nền kinh tế tuần hoàn.

Chất thải khó phân huỷ ngày càng tăng

Ngân hàng Thế giới đã đưa ra kết quả nghiên cứu về rác thải trên quy mô toàn cầu: Tổng khối lượng CTR đô thị phát sinh trên toàn cầu vào khoảng 2 tỷ tấn (năm 2016). Chỉ số phát sinh CTR đô thị trung bình toàn cầu khoảng 0,74kg/người/ngày, trong đó ở quốc gia thấp nhất là 0,11 kg/người/ngày, cao nhất là 4,54kg/người/ngày. Ngân hàng Thế giới nhận định, chỉ số phát sinh CTR đô thị trung bình trên đầu người tại các nước phát triển cao hơn các nước đang phát triển. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm môi trường từ CTR đô thị tại các nước phát triển thấp hơn các nước đang phát triển. Lý do là các nước phát triển đã có các giải pháp quản lý, đầu tư về hạ tầng cơ sở kỹ thuật, nhân sự, tài chính, chính sách và truyền thông, đáp ứng mức độ gia tăng khối lượng của CTR đô thị.


Ảnh một bãi rác khổng lồ. Ảnh sưu tầm

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc năm 2019 đã tăng 46% so với năm 2010. Kết quả tính toán chỉ số phát sinh CTRSH bình quân đầu người cho thấy một số địa phương có chỉ số phát sinh cao hơn 1,0 kg/người/ngày như Quảng Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang. Tỷ lệ thu gom CTRSH ở Việt Nam trung bình năm 2019 tại khu vực đô thị đạt 92% và khu vực nông thôn đạt 66%.  Để xử lý CTRSH đã thu gom được, đến năm 2019, cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH với các hình thức khác nhau gồm: 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền chế biến phân compost, 904 bãi chôn lấp (trong đó chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh), góp phần xử lý lần lượt là 13%, 16% và 71% tổng khối lượng CTRSH được thu gom. Trong những năm gần đây, chất thải khó phân hủy từ các đồ gia dụng như nhựa, túi ni - lông có xu hướng gia tăng. Đây là một trong những vấn đề thách thức đối với công tác xử lý CTRSH ở nước ta.

Phân tích của các chuyên gia cho thấy CTRSH của Việt Nam có đặc trưng là độ ẩm cao (dao động từ 65 đến 95%), độ tro từ 25 đến 30% (khối lượng khô), tổng hàm lượng chất rắn bay hơi (TVS - Total Volatile Solid) dao động từ 70 đến 75% (khối lượng khô), nhiệt lượng thấp (dao động từ 900 đến 1.100 Kcal/kg khối lượng ướt). Thành phần chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học (thực phẩm thải) trong CTRSH của hộ gia đình chiếm tỷ lệ cao hơn các thành phần khác và thành phần này đang thay đổi theo chiều hướng giảm dần. 

Báo cáo công tác quản quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hà Nội, của UBND thành phố Hà Nội gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 26/4/2019 nêu rõ: Tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 6500 tấn/ngày. Trong đó bao gồm khối lượng phát sinh trên địa bàn 12 quận và thị xã Sơn Tây khoảng 3500 tấn ngày và địa bàn 17 huyện ngoại thành khoảng 3000 tấn/ngày. Chất thải sinh hoạt phát sinh hiện nay chủ yếu được thu gom và phân luồng vận chuyển về các khu xử lý Nam Sơn, Sóc Sơn (khoảng từ 4500 đến 4900 tấn/ngày); Khu xử lý Xuân sơn, Sơn Tây (khoảng 1400 tấn/ngày), khu xử lý rác Phương Đình huyện Đan Phượng (khoảng 200 tấn/ngày). Lượng chất thải sinh hoạt còn lại được thu gom xử lý tại bãi chôn lấp của huyện. 

Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng giám đốc URENCO Hà Nội cho chúng tôi biết: URENCO Hà Nội bảo đảm việc thu gom  rác 16/30 quận huyện thị xã của Hà Nội. Trong số 6500 tấn rác thải phát sinh ở Hà Nội mỗi ngày có 35% lượng rác thải phát sinh vào ban ngày, 65% lượng rác thải phát sinh vào ban đêm từ (19 giờ đến 2 giờ sáng ngày hôm sau). Chỉ số phát sinh rác là 0,81Kg/người/ngày. Rác phát sinh ở Hà Nội có đặc điểm độ ẩm cao, nhiệt trung bình trong rác thấp chỉ khoảng 1300 Kcal/kg. Một điểm đáng chú ý là trên địa bàn thành phố Hà Nội có ba xưởng sản xuất gia công, sang chai đóng gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Toàn thành phố có 76 công ty, chi nhánh công ty và 1256 cửa hàng đại lý buôn bán thuốc BVTV. Có 735 cơ sở kinh doanh thuốc thú y. Theo thống kê của Trạm bảo vệ thực vật các quận, huyện, sáu tháng đầu năm 2017, lượng vỏ bao gói thuốc BVTV cần thu gom và xử lý khoảng 176 tấn. Trong đó đã thu gom và xử lý được 42,44 tấn, lượng thu gom đang chờ xử lý là 134, 46 tấn. Điều này cho thấy việc xử lý vỏ bao gói thuốc BVTV đang là bài toán nan giải cho Hà Nội.   

Chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại một điểm tập kết rác tên phố Khâm Thiên
Chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại một điểm tập kết rác tên phố Khâm Thiên. Ảnh: Hà Hồng

Đâu đâu cũng có rác thải nhựa

Thực tế cho thấy một trong những thành phần của rác thải sinh hoạt đang ngày càng gia tăng đó là rác thải nhựa. Nhựa (plastic) là các hợp chất cao phân tử, được dùng làm vật liệu để sản xuất nhiều loại vật dụng trong đời sống hằng ngày như: áo mưa, ống dẫn điện… Các sản phẩm, bao bì nhựa dùng 1 lần đang được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày là loại bao bì sản xuất từ polyme có nguồn gốc từ dầu mỏ (polyetylen hoặc polythene có ký hiệu LDPE, PS, EPS, PET, PP, HDPE). Với những đặc điểm ưu việt trong sản xuất và tiêu dùng, bao bì nhựa mềm đang rất được ưa chuộng hiện nay. Tuy nhiên, nhựa lại là một dạng chất thải có tốc độ phân hủy rất chậm. Khi những sản phẩm làm bằng nhựa đã qua sử dụng hoặc không được dùng đến và bị đem vứt bỏ, chúng sẽ trở thành rác thải nhựa. Những mảnh rác thải nhựa này phải mất hằng trăm năm mới có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên và thậm chí không được phân hủy trong nhiều môi trường. Rác thải nhựa đang trở thành thứ gây ô nhiễm môi trường lớn nhất, có ở cả lòng đất, trong không khí nhất là ở dưới đáy sông ngòi và đại dương. Rác thải nhựa và hạt vi nhựa được ghi nhận xuất hiện ở mọi nơi trên Trái đất.

Theo các nhà khoa học năm 2014, trên thế giới có hơn 300 triệu tấn nhựa được sản xuất hằng năm. Đến năm 2018, con số này là 450 triệu tấn và dựa vào mức tăng trưởng hiện tại, sản lượng nhựa dự kiến sẽ tăng hơn gấp ba lần vào năm 2050. Hiện nay, phần lớn đồ nhựa được sử dụng và thải loại từ các nước thu nhập cao và thu nhập trung bình… Sản lượng nhựa sẽ tiếp tục tăng thêm 40% đến năm 2030. Các nhà khoa học về môi trường cũng ước tính đến năm 2050, khối lượng rác thải nhựa còn lớn hơn khối lượng tất cả các loài cá trong đại dương. Lượng chất thải nhựa dưới biển hiện nay ước tính khoảng 150 triệu tấn, xấp xỉ 1/5 khối lượng cá trong đại dương.

Số liệu từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó, khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói của Việt Nam và dự kiến tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa tại Việt Nam được thu gom, phân loại, chủ yếu bởi những người nhặt rác ("đồng nát”, "ve chai”), và tái chế bởi những doanh nghiệp nhỏ. Mảng nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 38% năm 2013 và 42% năm 2017. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990, lên 41kg/năm/người vào năm 2015. Tại các đô thị của Việt Nam, tổng khối lượng các túi nhựa sử dụng từ 10,48 đến 52,4 tấn/ngày; chỉ khoảng 17% số túi này được tái sử dụng, số còn lại là loại dùng một lần và thải bỏ ra ngoài môi trường. 

Ngày 9/6/2021, Chuyên trang Quản lý môi trường (Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) phối hợp Công ty Informa Markets Vietnam tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: "Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam”. Phát biểu ý kiến tại cuộc toạ đàm trực tuyến này ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cho rằng: Nhiều năm qua, Chỉnh phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai rất nhiều chương trình, kế hoạch để từng bước giảm thiểu rác thải nhựa, tiến tới kiểm soát, quản lý một cách có hiệu quả chất thải nhựa. Trong đó dự kiến đặt mục tiêu đến năm 2025: không sản xuất, nhập khẩu túi ni - lông khó phân hủy có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm  và độ dày nhỏ hơn 50 micromet; sau năm 2025 và chậm nhất đến 2030 hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; qui định trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu phải tái chế các sản phẩm, bảo bì do mình sản xuất, nhập khẩu và phải đóng góp tài chính vào quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam … TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đang được các nước trên thế giới xem là vấn đề chung toàn cầu. Chính vì vậy, trên thế giới có rất nhiều công cụ khác nhau đã được áp dụng để kiểm soát chất thải nhựa, có thể kể đến như: các công cụ pháp luật, kinh tế thị trường, kỹ thuật, công cụ giáo dục và truyền thông.

Tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ môi trường biển và quản lý chất thải đã được nêu ra trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, trong đó đã có một số quy định liên quan kiểm soát rác thải nhựa, túi ni - lông. Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý, kiểm soát chất thải nhựa ở nước ta khi dựa vào các văn bản pháp luật mặc dù đã được thực hiện ở rất nhiều nhưng địa phương, khu bảo tồn… nhưng vẫn còn rất hạn chế. Qua quá trình tìm hiểu về hiện trạng rác thải nhựa và thực tiễn quản lý chất thải, rác thải tại Việt Nam cho thấy môi trường nước ra đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp do bị ảnh hưởng bởi quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tăng nhanh, khả năng đầu tư có hạn, việc quản lý, kiểm soát chưa chặt chẽ cho nên mức độ ô nhiễm do chất thải, rác thải ở nước ta thường vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Điều này cho thấy, chất thải nhựa trong đó có túi ni - lông vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức tương ứng với mức độ nguy hại và số lượng lớn của nó gây ra.

Công việc đầu tiên là phân loại rác tại nguồn

Trường Đại học Liên Hợp Quốc đưa ra những số liệu đáng chú ý trong năm 2014, có tới 300 tấn vàng và 1.000 tấn bạc đã bị đổ vào các bãi rác thải trên khắp thế giới. Các kim loại quý giá này được sử dụng làm thành phần cho các linh kiện thiết bị điện tử. Gần 42 triệu tấn rác thải này đã bị loại bỏ trong năm 2014. Rác thải điện tử chứa kim loại quý, cao hơn từ  40 đến 50 lần so với khai thác quặng. Cứ một triệu điện thoại di động bỏ đi có thể chứa khoảng 15.875kg đồng, 350kg bạc, 34kg vàng và gần 15kg paladium. Mỗi tấn phế thải linh kiện chứa lượng vàng nhiều gấp 17 lần so với một tấn quặng vàng. Trong 41 chiếc điện thoại di động có một lượng vàng tương đương lượng vàng trong 1 tấn quặng vàng. Phó tổng Thư ký Liên Hợp quốc David Malone từng nhận định: "Trên toàn thế giới, rác điện tử là 'mỏ vàng thành thị' nơi có tiềm năng lớn về các vật liệu có thể tái chế”.

Ở Việt Nam, theo thống kê của Viện Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), mỗi năm nước ta thải ra từ 120.000 đến 150.000 thiết bị điện và điện tử gia dụng (ti - vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa,…), khoảng từ 200.000 đến 300.000 chiếc máy tính. Chưa kể số lượng điện thoại di động được thải ra khá lớn. Đây là loại rác thải điện tử khá lớn do vòng đời sử dụng ngắn chỉ 1-2 năm. Loại rác này thường được các làng nghề thu mua nhưng tái chế bằng công nghệ lạc hậu, hiệu suất thu hồi thấp đồng thời gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe của người dân làng nghề và các vùng phụ cận. 

Rác thải điện tử thường được các làng nghề thu mua nhưng tái chế bằng công nghệ lạc hậu
Rác thải điện tử thường được các làng nghề thu mua nhưng tái chế bằng công nghệ lạc hậu. Ảnh sưu tầm

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, riêng TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hằng năm có tới 16.000 tấn chất thải phát sinh, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Trong đó từ 50 đến 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới. 

Từ những số liệu nêu trên chúng ta thấy nếu tổ chức tốt việc phân loại rác từ nguồn, và chuyển rác sau khi phân loại về các nhà máy tái chế có công nhệ xử lý hiện đại, hiệu suất thu hồi cao hơn nhiều so với công nghệ ở các làng nghề, chúng ta sẽ thu về một lượng lớn vàng, bạc…

Nhặt rác tái chế tại một điểm tập kết rác ở Hà Nội
Nhặt rác tái chế tại một điểm tập kết rác ở Hà Nội. Ảnh: Hà Hồng

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, thành phần chất thải thực phẩm chiếm tỷ lệ rất cao (từ 80 đến 96%) nhưng đến năm 2017 thành phần này giảm xuống còn khoảng từ 50 đến 70%. Thành phần giấy và kim loại trong CTRSH có xu hướng tăng dần. Nhiều thành phần khó xử lý và khó tái chế như vải, da, cao su có tỉ lệ thấp, tuy nhiên các thành phần này đang có chiều hướng tăng qua các năm. 

Thành phần chất thải sinh hoạt của người dân sống ở các thành phố lớn, khu công nghiệp đang thay đổi theo hướng gia tăng thành phần giấy, kim loại… giảm chất thải thực phẩm. Điều đó cho thấy không thể cứ áp dụng biện pháp đơn giản là chôn lấp và tiếp tục "lãng phí” tài nguyên giấy, kim loại, nhựa…mà phải triển khai ngay công việc phân loại rác tại nguồn. Có như vậy mới tạo nguyên liệu "đầu vào” có giá trị cho ngành tái chế. 

Theo nhận định của các chuyên gia lĩnh vực môi trường sự gia tăng chất thải nhựa trong thành phần CTRSH là một trong những khó khăn đối với việc  xử lý CTRSH ở nước ta. Có 86% lượng rác thải nhựa, tương đương với 15.000 tấn mỗi ngày được chôn lấp tại các bãi rác thải lộ thiên, bãi chôn lấp, hoặc thải trực tiếp ra môi trường mà không qua bất kỳ hình thức xử lý nào. 

Rác thải nhựa không được phân loại và tái chế sẽ đe dọa môi trường sống.
Rác thải nhựa không được phân loại và tái chế sẽ đe dọa môi trường sống. Ảnh sưu tầm

Thực tế này cho thấy môi trường trên đất, dưới lòng sông và đáy biển đang ngày càng bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, vi nhựa, trong khi đó nhiều nhà máy tái chế với công nghệ hiện đại lại "đói” rác nhựa. Mâu thuẫn này chỉ có thể giải quyết khi chúng ta làm tốt công các phân loại rác nói chung, rác nhựa nói riêng tại nguồn thông qua việc xây dựng mạng lưới phân loại rác, thu gom, và hệ thống các doanh nghiệp tái chế. Việc tổ chức phân loại rác tại nguồn, thu gom rác thải sau khi phân loại, và các doanh nghiệp tái chế phải có quan hệ mật thiết, hữu cơ với nhau. Chính quyền các cấp cần vào cuộc và giữ vai trò "nhạc trưởng” cho mối quan hệ đó.

Trong tháng 9 - 2021, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) phối hợp triển khai Chương trình Truyền thông  "Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững”. Đây là một chương trình có ý nghĩa trong nền kinh tế tuần hoàn, cụ thể hoá chủ trương của ngành tài nguyên và môi trường: "Rác là tài nguyên”.

Hà Hồng