Quản trị môi trường và nỗ lực cải thiện của tỉnh Thái Nguyên

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/9/2021 | 3:21:17 PM

QLMT - Liên tục thuộc nhóm thấp đối với trục nội dung đánh giá về quản trị môi trường trong Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Thái Nguyên đã ban hành nhiều kế hoạch hành động trong nỗ lực cải thiện vấn đề trên.

Liên tục thuộc nhóm thấp 

Đánh giá về quản trị môi trường là 1 trong 8 trục nội dung của Chỉ số PAPI. Trục nội dung này được triển khai từ năm 2018, đánh giá trên cơ sở tỷ lệ người trả lời về 3 nội dung thành phần, bao gồm: chất lượng không khí; chất lượng nước; sự nghiêm túc trong bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, dự án đầu tư vào địa phương.

Từ khi triển khai đánh giá đến nay, Thái Nguyên liên tục thuộc nhóm thấp đối với trục nội dung đánh giá về quản trị môi trường. Năm 2020, Thái Nguyên chỉ đạt 3,17/10 điểm, tăng 0,46 điểm so với năm 2019, xếp thứ 51, thuộc nhóm tỉnh, thành thấp nhất. 

Theo nhận định của chuyên viên của Phòng Cải cách hành chính - Sở Nội vụ nhận định: Sở dĩ điểm số về quản trị môi trường của tỉnh thấp điểm là do người dân vẫn lo ngại về chất lượng nguồn nước, không khí nơi mình sinh sống. Đồng thời cho rằng nhiều doanh nghiệp, dự án chưa nghiêm túc trong bảo vệ môi trường, có hoạt động ảnh hưởng đến đời sống người dân. 

Thành phố Thái Nguyên
Một góc Thành phố Thái Nguyên 

Nỗ lực cải thiện

Nhằm cải thiện trục nội dung đánh giá về quản trị môi trường, tỉnh Thái nguyên đã tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đồng thời đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh.

Ngay từ đầu năm 2021, các sở, ban, ngành, địa phương đã tập trung triển khai Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Dự kiến trong giai đoạn 2021-2025, gần 40 nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường sẽ được ưu tiên triển khai trên các lĩnh vực: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường; thu gom xử lý rác thải sinh hoạt; xây dựng công trình xử lý nước thải đô thị; xây dựng các quy định về môi trường của địa phương, xây dựng công trình xử lý chất thải, lắp đặt thiết bị quan trắc tự động liên tục tại các khu cụm công nghiệp và các dự án đầu tư trong, ngoài các khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Bên cạnh triển khai Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành chuyên môn đã đẩy mạnh quan trắc, kiểm tra, giám sát, bảo vệ môi trường không khí, môi trường nước, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, công trường, nơi khai thác khoáng sản, vận chuyển nguyên vật liệu, đất đá, bùn thải, chăn nuôi quy mô lớn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Riêng trong 8 tháng năm 2021, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã thanh tra, kiểm tra 69 cuộc theo kế hoạch và đột xuất đối với 78 tổ chức, cá nhân. Qua đó xử lý và kiến nghị xử lý nhiều vi phạm theo quy định pháp luật; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với 15 tổ chức, 1 cá nhân với tổng số tiền 641 triệu đồng (tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020).

Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường rà soát, xác định các điểm "nóng", vấn đề vi phạm, tồn tại về môi trường để xử lý triệt để. Xã Nam Hòa trước đây được coi là một điểm nóng về ô nhiễm môi trường nhưng đến nay đã giảm. Chủ tịch UBND xã Nam Hòa cho biết, từ cuối năm 2020 trở lại đây, tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn xã; thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, tiếp nhận thông tin nhân dân phản ánh, tố giác để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm. Nhờ đó, môi trường sống trên địa bàn xã đã được cải thiện, hạn chế tình trạng khói, bụi, tiếng ồn và ô nhiễm nguồn nước.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã được cải thiện đáng kể. Hoạt động quản trị, bảo vệ môi trường của chính quyền các cấp được người dân đánh giá tốt. Tuy nhiên, để duy trì và bảo vệ môi trường một cách bền vững, hiệu quả, ngoài sự vào cuộc tính cực của chính quyền rất cần sự chung tay, trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân. 

Ngọc Anh