Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ tập trung vào những nội dung nào?

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/9/2021 | 6:02:11 AM

QLMT - Ngày 9-9-2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1732/QĐ-BTNMT về Kế hoạch chi tiết xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi. Vậy những nội dung nào sẽ tập trung sửa đổi trong dự án Luật Đất đai mới?

Những nội dung sẽ được sửa đổi trong Luật đất đai mới
Ảnh minh hoạ

Kế hoạch yêu cầu thành lập 8 nhóm để giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện trong suốt quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với các nội dung, trong đó, tập trung vào các nội dung sửa đổi của Luật gồm:

Thứ nhất: Chỉ đạo, điều hành chung việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Chỉ đạo và tổ chức xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Báo cáo đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội - môi trường, tác động về giới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Tổ chức làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức các Hội nghị, Hội thảo; Chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy định để trình Chính phủ và Quốc hội.

Thứ hai: Tổng hợp chung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo đề cương Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Tờ trình Chính phủ, Quốc hội; tổng hợp Báo cáo đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội - môi trường, tác động về giới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013; Đề xuất sửa đổi các quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước; cơ cấu tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về đất đai; phân cấp quản lý nhà nước về đất đai.

Thứ ba: Tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá những chồng chéo, mâu thuẫn và sự không đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai với các Luật khác có liên quan. Đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai và các Luật khác có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.

Thứ tư: Đề xuất sửa đổi các quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước; cơ cấu tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về đất đai; phân cấp quản lý nhà nước về đất đai; Tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá những chồng chéo, mâu thuẫn và sự không đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai với các Luật khác có liên quan. Đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai và các Luật khác có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo nâng cao chất lượng đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ năm: Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tài chính đất đai, giá đất; thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thống kê, kiểm kê đất đai; quản lý, sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; theo dõi, đánh giá, giám sát việc quản lý và sử dụng đất.

Thứ sáu: Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về đo đạc, lập hồ sơ địa chính; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai.

Thứ bảy: Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về phân loại đất; chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai.

Thứ tám: Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nạo, tố cáo, tranh chấp về đất đai; giám sát quản lý và sử dụng đất.

Theo dự kiến, cuối tháng 10-2021, nội dung dự thảo luật Đất đai sửa đổi sẽ được Bộ TN&MT lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu tác động của luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ này và Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Sau đó, Bộ TN&MT sẽ tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; hoàn thiện hồ sơ và trình Chính phủ trước ngày 10-1-2022.

Nội dung Kế hoạch cũng cho hay, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội để tiếp thu, giải trình hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5-2022 trước 15-4-2022.

Theo nhận định của các chuyên gia, Luật Đất đai (sửa đổi) là Dự Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động sâu rộng nhiều mặt đến kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, cần có thời gian để chuẩn bị, xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, thận trọng. 

Luật Đất đai đã ra đời cách đây hơn 30 năm, với 5 lần sửa đổi, bổ sung và gần nhất là vào năm 2013. Nhiều ý kiến cũng như Tờ trình của Chính phủ đã chỉ ra, sau 7 năm, bên cạnh những kết quả đạt được Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo. Trong đó, dẫn đến việc mập mờ trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra...

Thực tế những năm qua, các kiến nghị, khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại. Vấn đề sửa đổi Luật Đất đai đã được đưa ra bàn bạc nhiều lần với kỳ vọng sẽ giải quyết một cách căn cơ những tồn tại, hạn chế bất cập của Luật hiện hành; đồng thời tạo ra đột phá trong cải cách thể chế, thúc đẩy sự phát triển.

Đồng Xuân