TP.HCM lấy y tế làm trụ cột để quản lý rủi ro, từng bước mở cửa phục hồi kinh tế

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/9/2021 | 3:51:11 PM

QLMT - Sáng nay 17-9, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã chủ trì cuộc họp với các chuyên gia y tế, kinh tế để thảo luận về công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Cuộc họp thu hút sự quan tâm lớn từ báo chí và người dân trong bối cảnh thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương chuẩn bị chiến lược để từng bước mở cửa, phục hồi kinh tế sau 30-9.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại cuộc họp.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại cuộc họp. 

Tham dự cuộc họp  các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để Thành phố tổng hợp thành các  kiến nghị, đề xuất một số vấn đề với Trung ương thời gian tới. Trong những ý kiến phát biểu, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm, thành phố Hồ Chí Minh cần sớm mở cửa nền kinh tế, sống chung với Covid-19.

Các chuyên gia đều thống nhất không thể loại trừ hết dịch Covid-19 ra khỏi cộng đồng thời điểm này. Điều kiện chuẩn bị để phòng chống dịch đến nay tương đối đảm bảo: đã có thuốc, vaccine, người dân được tiếp cận y tế, người dân đã chấp hành, ủng hộ, đồng cam cộng khổ, "thắt lưng buộc bụng" cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn.

Người đứng đầu thành phố Hồ Chí Minh nhận định: "Sức chịu đựng của xã hội đã đến hạn và sức chịu đựng của nền kinh tế cũng đã bị tổn thương, cần phục hồi sớm”. Đã đến lúc phải từng bước mở cửa dần, đảm bảo an toàn, quản lý rủi ro, không chủ quan. Chính quyền và nhân dân đang chuẩn bị chiến lược để chuyển sang giai đoạn mới, sống trong điều kiện có SARS-CoV-2, đặc biệt là biến chủng Delta. TP.HCM đã xây dựng kế hoạch với 14 chiến lược, trụ cột là y tế. 

Điều quan trọng thời gian tới là phải cải thiện hệ thống y tế dự phòng. Hiện nay, thành phố phải củng cố y tế cộng đồng, y tế tư nhân, bác sĩ gia đình, hệ thống nhà thuốc... để góp phần trong công tác điều trị. Chiến lược y tế phải quy định rõ ràng các bước phải làm khi phát hiện F0 trong cộng đồng. Trước đây, nếu phát hiện một F0 thì cả đơn vị phải đóng cửa, nhưng giờ phải tính lại cách ứng phó trong tình hình mới. 

Điều quan trọng tiếp theo trong chiến lược y tế là chính sách cho các loại hình y tế. Thời gian qua, dù tình hình khó khăn, y tế tư nhân chưa tham gia được vì không có động lực, điều kiện. Người đứng đầu thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần huy động hết nguồn lực y tế, ai có điều kiện thì tham gia phòng chống, điều trị, quản lý, tư vấn... Tất cả phải tính toán trong chiến lược y tế để hình thành mạng lưới đủ sức lo cho dân chứ không cậy nhờ vào lực lượng tăng cường. Đây là vấn đề thành phố đang chuẩn bị.

Bên cạnh đó, thành phố cũng có chiến lược an sinh xã hội. Song giãn cách kéo dài khiến nhiều người mất việc, chịu đựng lâu dài, phát sinh nhiều vấn đề. Nhiều nơi, người dân sống trong không gian chật chội, không đảm bảo giãn cách như yêu cầu của ngành y tế.

Bì thư Nguyễn Văn Nên trăn trở: "Điều kiện giãn cách và vệ sinh y tế rất khó khăn. Hiện, chúng ta còn nhiều vấn đề về chiến lược công nghệ - giáo dục. Chúng ta tập trung lo chống dịch, ứng phó Covid-19 nhưng còn nhiều người có bệnh khác và đối tượng lo chưa tròn thì cần trở lại lo cho tròn".

Nhiều ý kiến chia sẻ các góc nhìn chiến lược, đưa ra nhận định cần xem xét lại ý nghĩa và hiệu quả của công tác xét nghiệm diện rộng. Theo các chuyên gia y tế đến từ Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, khi mở cửa trở lại, chắc chắn số ca mắc Covid-19 sẽ tăng. Hệ thống y tế cần chuẩn bị để đáp ứng được tỷ lệ tử vong và nhập viện trong ngưỡng cho phép. Thành phố có thể cho phép hoạt động một số ngành sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu với yêu cầu đảm bảo phòng chống dịch chặt chẽ. Vì đây là cuộc chiến lâu dài, không thể "tốc chiến tốc thắng" vì sẽ quá tốn sức lực. Nếu chiến đấu như thể trận chiến cuối cùng thì sẽ kiệt quệ; do đó, thành phố cần xem xét các vấn đề ưu tiên. Chuyên gia nhận định, thành phố sẽ giải quyết được dịch Covid-19, nhưng không phải hôm nay mà trong vòng một vài năm tới, và làm cùng các quốc gia khác.

Từ nhận định đó, chuyên gia cho rằng, không nên xét nghiệm diện rộng để bóc tách toàn bộ F0 nữa mà nên tập trung vào người có triệu chứng, nguy cơ cao để điều trị. Bộ Y tế đặt chỉ tiêu phải xét nghiệm nhiều là không hiệu quả về kinh tế. Cuối cùng, thành phố Hồ Chí Minh cần xác định tư tưởng sống chung với dịch Covis-19 và tính toán mở cửa kinh tế từng phần để phục hồi.

Lâm Hà