Tây Hồ: Tiếp tục cống hiến ở tuổi “Xưa nay hiếm”

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/9/2021 | 3:03:25 PM

QLMT - Cuộc sống sẽ thật ý nghĩa khi chúng ta được làm việc, được cống hiến và được đóng góp một phần nhỏ bé cho cộng đồng

Trong đợt cao điểm triển khai tiêm vắc-xin toàn dân trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội), người dân phường Quảng An đến điểm tiêm tại Đình Quảng Bá đã không khỏi cảm phục và trân trọng hình ảnh của 2 vị bác sỹ ở cái tuổi "xưa nay hiếm” rất ân cần khám sàng lọc cho nhân dân đến tiêm vắc-xin. 

Dù mái đầu đã "bạc phơ” nhưng các bước khám sàng lọc và mọi thao tác đều được thực hiện chuyên nghiệp, chính xác với cử chỉ và thái độ rất nhẹ nhàng, đó là bác sỹ Phạm Xuân Ngọc – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Công An Hà Nội và Bác sỹ Nguyễn Huy An – Bác sỹ của Bộ Y tế.

Đều là cán bộ nghỉ hưu trên địa bàn phường Quảng An, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, biết được chủ trương triển khai tiêm vắc-xin toàn dân một cách thần tốc trên địa bàn Thành phố, thông qua lời kêu gọi của Đảng uỷ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch phường Quảng An, 02 vị bác sỹ đã tình nguyện tham gia khám sàng lọc hỗ trợ các điểm tiêm vắc-xin trên địa bàn.

tiep-tuc-cong-hien-o-tuoi-xua-nay-hiem-1
Nhiều người nước ngoài đến tiêm vắc xin tại điểm tiêm phường Quảng An. 

Thời gian làm việc liên tục, kéo dài nhiều ngày, nhân dân đến tiêm đông nhưng lúc nào cũng được thăm khám và dặn dò hết sức ân cần, chu đáo. Điều đó khiến cho các cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn phường rất trân trọng, ngưỡng mộ 02 vị Bác sỹ cao tuổi.

Vốn là người có bệnh cao huyết áp, cũng nhiều lần đắn đo mới quyết định đến tiêm, ông Mai chia sẻ "Được bác sỹ An khám và tư vấn về vắc-xin, các phản ứng phụ, nên và không nên ăn, uống gì sau tiêm, tôi thấy rất yên tâm. Đúng là "Gừng càng già càng cay”, các cháu thanh niên còn phải theo dài”.

Là một người dân đến tiêm, được hướng dẫn thực hiện các quy trình để chờ khám sàng lọc trước tiêm, tôi có dịp ngồi từ xa quan sát mà đôi mắt không khỏi cay cay đầy ngưỡng mộ trước cường độ làm việc không mệt mỏi của đội ngũ y bác sỹ, cán bộ y tế và các bạn tình nguyện viên tại điểm tiêm chủng.

Mỗi người một việc, một khâu, dù cho người dân có đến đông cùng lúc nhưng đều được hướng dẫn, sắp xếp giãn cách theo hàng lối, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Còn 02 vị bác sỹ "Già” thì liên tục khám sàng lọc, tư vấn cho người dân không biết mệt mỏi. Đáng thán phục nhất là khả năng ngoại ngữ của Bác sỹ An. Trên địa bàn phường Quảng An có rất nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc, có những buổi người nước ngoài đến tiêm đông hơn người Việt. Ấy thế mà tất cả người nước ngoài từ Châu Âu, Châu Á, Châu Phi… cứ qua bàn Bác sỹ An khám, tư vấn là gật gù nhất trí và "Thank you” rối rít. Nhiều bạn tình nguyện viên trẻ tuổi còn đứng sững người đầy thán phục khi nghe Bác sỹ An "bắn một tràng dài”. 

Tìm hiểu thêm về Bác sỹ An, tôi được biết Bác từng đi bộ đội và vào Giải phóng Miền Nam trước năm 1975, có lẽ vậy mà cái chất "Người lính bộ đội cụ hồ” vẫn luôn chảy mãi trong con người bé nhỏ mà kiên cường ấy.

Khi còn công tác, Bác sỹ An tham gia nhiều đoàn công tác của Bộ Y tế, có chuyến được đi cùng Thủ Tướng Chính phủ. Bác được nhận nhiều Bằng khen của Bộ Y tế và Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ.

Một điều tuyệt vời nữa, đó là vợ của bác sỹ An là bác Nguyễn Thị Mão - Điều dưỡng Bệnh viện Việt Đức cũng sát cánh cùng Bác sỹ An tình nguyện tham gia hỗ trợ tiêm vắc-xin. Bác sỹ An sinh năm 1947, còn bác Mão sinh năm 1952. Dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn được cùng nhau làm việc và cống hiến cho xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh quả thật khiến cho thế hệ trẻ phải nghiêng mình thán phục. 

tiep-tuc-cong-hien-o-tuoi-xua-nay-hiem-2
Hình ảnh vị bác sỹ ở cái tuổi "xưa nay hiếm” ân cần khám sàng lọc cho nhân dân đến tiêm vắc-xin khiến nhiều người cảm phục và trân trọng

Còn về Bác sỹ Phạm Xuân Ngọc với mái tóc dài và vầng trán "Lênin”, tôi không biết làm thế nào để tả hết khí chất, tác phong của một tư lệnh ngành, một người chiến sỹ công an đầy chiến công hiển hách. Bác sỹ Ngọc đã được tặng Huân chương chiến công hạng Nhất – Huân chương cao quý vì sự đóng góp và cống hiến hết mình cho tổ quốc và nhân dân.

Hoàn thành mũi tiêm đầu tiên với niềm vui sướng và một bài học lớn cho bản thân. Cuộc sống sẽ thật ý nghĩa khi chúng ta được làm việc, được cống hiến và được đóng góp một phần nhỏ bé cho cộng đồng. Hãy làm điều gì đó để chắc chắn rằng chúng ta đang tồn tại, đang hiện hữu và đang sống có ích./.


Diệp Anh