Chất thải nguy hại và các phương pháp xử lý

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/9/2021 | 6:52:16 AM

QLMT - Chất thải nguy hại là gì? Chất thải nguy hại có đặc tính gì? bao gồm những loại nào và phương pháp xử lý chất thải nguy hại như thế nào, Chuyên trang Quản lý môi trường hy vọng, với bài viết dưới đây sẽ giải đáp được những thắc mắc của độc giả.

Chất thải nguy hại
Ảnh minh hoạ
Chất thải nguy hại là gì?

Chất thải nguy hại là tất cả những rác thải có chứa các hợp chất có chứa các đặc tính nguy hiểm như: dễ cháy nổ, độc hại, gây ngộ độc, dễ lây nhiễm, phóng xạ, hôi thối, ăn mòn.. và các đặc tính nguy hiểm khác, gây ảnh hưởng trực tiếp tới con người và gây ô nhiễm môi trường.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy nhiều chất thải nguy hại như nilon, đồ nhựa, pin, keo diệt chuột, bình ắc quy, rác thải y tế… Chính vì thế khi không có nhu cầu sử dụng, bạn nên có biện pháp xử lý an toàn tránh ô nhiễm tới môi trường và sức khỏe của mọi người. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất trong công nghiệp, y tế cũng có không ít chất thải nguy hại.

Đặc biệt là trong môi trường bệnh viện, các hoạt động phẫu thuật có gạc bông, máu, vi trùng, kim tiêm, thuốc hết hạn… đều là những chất thải nguy hại mang tính đặc thù và được phân loại cẩn thận. Khi chất phóng xạ hoặc rác thải từ hạt nhân thải ra môi trường chính là nỗi lo lớn nhất của con người trên toàn thế giới.

Đặc tính của chất thải nguy hại

Bắt lửa: Các chất lỏng có điểm chớp cháy nhiệt độ thấp nhất mà tại đó bốc khói trên chất thải đốt cháy quy mô 60 độ C hoặc 140 độ F. Ví dụ bao gồm rượu, xăng và acetone; Chất rắn tự bốc cháy; Chất oxy hóa và khí nén.

Ăn mòn: Các chất ăn mòn như axit hydrochloric, axit nitric và axit sulfuric, có khả năng ăn qua các thùng chứa, gây rò rỉ các vật liệu có hại. 

Khả năng phản ứng: Với sự không ổn định của chúng, chất thải phản ứng có thể rất nguy hiểm. 

Độc tính: Các vật liệu độc hại là mối đe dọa đối với nước ngầm của chúng ta, có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người và môi trường. Có 60 chất gây ô nhiễm trong danh sách đặc tính độc tính. 

Những loại chất thải nguy hại

Theo thông tư 36/2015/TT-BTNMT có nhiều loại chất thải nguy hại khác nhau, được chia thành các nhóm khác nhau bao gồm:

- Chất thải từ hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản
- Chất thải từ hoạt động sản xuất hóa chất vô cơ hoặc hữu cơ
- Chất thải từ nhà máy nhiệt điện
- Chất thải từ nhà máy luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng hoặc sản xuất thủy tinh
- Chất thải từ cơ sở y tế và thú y
- Chất thải từ hoạt động nông, lâm, thủy sản
- Chất thải từ các thiết bị giao thông vận tải
- Chất thải từ hộ gia đình và các nguồn khác
- Chất thải từ quá trình luyện kim
- Chất thải từ quá trình sản xuất các sản phẩm che phủ như sơn, chất kết dính, mực in…
- Chất thải từ ngành chế biến da, lông, dệt
- Chất thải phá dỡ hoặc xây dựng
- Chất thải từ hoạt động tái chế
- Chất thải từ các bao bì, vật liệu bảo vệ
- Dầu thải, dung môi hữu cơ, chất thải nhiên liệu
- Các loại chất thải khác

Chất thải nguy hại luôn tồn tại xung quanh chúng ta, nếu không có biện pháp xử lý đúng thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và môi trường xung quanh một cách lâu dài. 

Các phương pháp xử lý chất thải nguy hại

Xử lý bằng phương pháp đốt

Các loại chất thải cần đốt sẽ được đưa vào lò đốt theo từng mẻ, nhiên liệu sử dụng để đốt là dầu DO. Tại lò đốt sơ cấp nhiên liệu sẽ được phun vào lò đốt qua béc đốt để đốt cháy các chất thải và luôn duy trì nhiệt độ trong lò đốt ở nhiệt độ (550 – 6500C).

Khí sinh ra sau khi đốt từ lò đốt sơ cấp sẽ được dẫn qua lò đốt thứ cấp nhằm đốt cháy các thành phần còn lại trong khí thải ở nhiệt độ cao hơn (khoảng 1000 – 1.2000C). Tương tự như lò đốt sơ cấp, trong lò thứ cấp nhiên liệu dầu DO cũng được phun vào nhằm duy trì nhiệt độ trong lò đốt. Khí sinh ra từ lò đốt chất thải sẽ được dẫn qua thiết bị trao đổi nhiệt nhằm giảm nhiệt độ xuống dưới 3000C để tránh sự hình thành các độc chất Dioxin/Furan.

Dòng khí sau khi hạ nhiệt độ sẽ được dẫn qua thiết bị hấp thụ, bên trong có các lớp đệm vòng sứ. Nhờ quá trình tiếp xúc giữa pha khí và pha lỏng (dung dịch NaOH) các thành phần khí acid như: HCl, HF, COX, SOx, NOx, bụi … sẽ được loại bỏ ra khỏi khí thải trước khi xả thải ra môi trường qua ống khói cao 20m. Phần dung dịch hấp thụ được tuần hoàn lại và được bổ sung NaOH thường xuyên nhằm đảm bảo đúng nồng độ cho quá trình xử lý.

Theo định kỳ phần dung dịch sẽ được xả thải vào hệ thống xử lý nước thải và thay thế bằng dung dịch mới. Nhiệt lượng sinh ra từ quá trình xử lý được tận dụng để sấy khô các loại chất thải và bùn thải nhằm hạn chế việc phát thải nhiệt ra ngoài môi trường và tiết kiệm nhiên liệu cho quá trình xử lý

Cặn tro sinh ra từ quá trình đốt sẽ được tiến hành hóa rắn trước khi chôn lấp an toàn.

Xử lý bằng phương pháp ổn định hóa rắn

Chất thải cần hóa rắn được nghiền tới kích thước thích hợp, sau đó được đưa vào máy trộn theo từng mẻ. Các chất phụ gia như xi măng, cát và polymer được bổ sung vào để thực hiện quá trình hòa trộn khô, sau đó tiếp tục bổ sung nước vào để thực hiện quá trình hòa trộn ướt. Quá trình khuấy trộn diễn ra làm cho các thành phần trong hỗn hợp hòa trộn đều tạo thành hỗn hợp đồng nhất. Sau thời gian hòa trộn cần thiết, hỗn hợp được cho vào các khuôn lập phương. Sau 28 ngày bảo dưỡng khối rắn, quá trình đóng rắn diễn ra làm cho các thành phần ô nhiễm hoàn toàn bị cô lập.

Khối rắn sẽ được kiểm tra cường độ chịu nén, khả năng rò rỉ và lưu giữ cẩn thận tại kho, sau đó vận chuyển đến bãi chôn lấp an toàn.

Xử lý nước thải

Các loại nước thải được phân loại và chứa trong các thiết bị chứa riêng cho từng loại. Đây là công đoạn đơn giản nhưng giúp cho việc xử lý ở các công đoạn phía sau được thuận lợi, tiết kiệm được chi phí và tối ưu hóa công nghệ xử lý, bao gồm các loại sau:

–   Nước thải chứa chất hữu cơ khó phân hủy sinh học;
–   Nước thải chứa hàm lượng kim loại nặng cao;
–   Nước thải nhiễm dầu.

Hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy vận hành theo dạng mẻ, tại mỗi mẻ xử lý nước thải sẽ được luân phiên dẫn vào bể điều hòa nhằm ổn định lưu lượng và nồng độ nước thải trước khi qua các giai đoạn xử lý tiếp theo.

Riêng đối với nước thải nhiễm dầu được thực hiện công đoạn tách dầu bằng quá trình tuyển nổi áp lực trước khi dẫn qua bể điều hoà.Nước thải được xử lý tại hệ thống xử lý nước thải được thực hiện theo các phương án đề cập dưới sau:

–   Xử lý cơ học : lắng, lọc, tách pha và tuyển nổi.
–   Xử lý hóa lý : keo tụ.
–   Xử lý hóa học : oxi hóa bậc cao.
–   Xử lý sinh học : kỵ khí (UASB), hiếu khí và thiếu khí xử lý nitơ theo dạng mẻ với bùn hoạt tính hiếu khí lơ lửng.

Xử lý tái chế

Đối với các chất thải có khả năng tái chế, hiện nay đã có nhiều phương án xử lý tái chế, góp phần giảm thiểu tác động của chất thải đến môi trường.

Về việc quản lý chất thải nguy hại, Chuyên trang Quản lý môi trường sẽ gửi đến độc giả những bài viết phân tích sâu hơn ở những kỳ tới.

Chuyên trang quản lý môi trường