Khoáng sản, đất đai, dịch vụ công ích trong tầm ngắm kiểm toán

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/9/2021 | 4:22:41 PM

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, trong năm 2021 không thực hiện kiểm toán đối với toàn ngành y tế và tại các tỉnh đang có dịch sẽ không kiểm toán các đơn vị làm nhiệm vụ tuyến đầu.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh
Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh 

Không kiểm toán ngành y, các đơn vị tuyến đầu

Sáng 14/9, Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Trần Sỹ Thanh báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác năm 2021. Lãnh đạo kiểm toán cho biết, năm 2021 đã ban hành 9 đề cương hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực mới. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Tổng Kiểm toán đã sớm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, đảm bảo ưu tiên tối đa cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, trong năm 2021 không thực hiện kiểm toán đối với toàn ngành y tế. Tại các tỉnh đang có dịch không kiểm toán các đơn vị làm nhiệm vụ tuyến đầu; hoạt động kiểm toán khác phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng và từng kiểm toán viên; chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch theo hướng cắt giảm thời gian và quy mô, lùi hoặc hoán đổi thời gian triển khai kiểm toán.

Kết quả hiện có 7 đoàn kiểm toán hoãn triển khai, 7 đoàn không thực hiện trong năm 2021, 25 đoàn giảm thời gian kiểm toán, 38 đoàn điều chỉnh đầu mối. Cũng theo kế hoạch, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, KTNN sẽ thực hiện 188 cuộc và dự kiến tổ chức thành 211 đoàn. Đến 31/8/2021, đã triển khai 144/211 đoàn, kết thúc 108 đoàn (đạt 51% kế hoạch), phát hành 83 BCKT, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân, theo lãnh đạo kiểm toán, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều đoàn đang triển khai phải dừng thực hiện (37 đoàn). Tổng hợp sơ bộ đến 31/8/2021 đối với 91 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật.

"Kết quả kiểm toán cho thấy các đơn vị còn chưa chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai, tài nguyên khoáng sản; quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị; quản lý doanh thu, chi phí, công nợ… thậm chí có trường hợp hạch toán vào chi phí hợp lý một số khoản không hợp lý, không có căn cứ, làm giảm lớn số thuế TNDN phải nộp NSNN; một số cơ chế chính sách chậm được sửa đổi và chưa sát thực tế, hiệu quả chính sách chưa cao”, ông Thanh cho hay.

Cũng trong 8 tháng đầu năm 2021, KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 151 Báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương tình công tác.

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, tổng hợp sơ bộ đến 31/8/2021, các đơn vị đã thực hiện 30.834 tỷ đồng, đạt 49,9% số kiến nghị, thấp hơn cùng kỳ năm trước (55,9%) do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều đơn vị KTNN không kiểm tra trực tiếp theo dự kiến. Trong 4 tháng còn lại của năm 2021, ông Thanh cho biết, KTNN sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2022 theo Luật.

Kiểm toán lĩnh vực khoáng sản, đất đai

Theo ông Trần Sỹ Thanh, trong năm 2022, KTNN sẽ tập trung kiểm toán đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn, tiềm ẩn rủi ro để chấn chỉnh, phòng ngừa và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 phục vụ cho việc phê chuẩn của HĐND tỉnh, thành phố và Quốc hội; các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia; đồng thời tập trung kiểm toán các vấn đề dư luận xã hội quan tâm gắn với kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của UBTVQH.

Cụ thể là công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ TN&MT và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021; việc thực hiện chính sách xã hội hóa theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề; việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp một số dịch vụ công ích giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;…

Đồng thời, KTNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hoạt động kiểm toán, nhất là trong xây dựng KHKT hàng năm nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm toán; kiên quyết kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp không thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của KTNN.

Thẩm tra báo cáo, Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị KTNN Xây dựng kế hoạch kiểm toán cụ thể, đặc biệt lưu ý các kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động để phục vụ chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch được ban hành, bảo đảm chất lượng và thời gian các chuyên đề giám sát.

Luân Dũng
tienphong.vn