Cây mai dương - mối đe dọa môi trường và đa dạng sinh học ở Điện Biên

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/9/2021 | 4:22:09 PM

Nhiều năm trở lại đây, trên nhiều diện tích đất của đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện cây mai dương (gần giống với cây trinh nữ) xâm hại đất trồng, hiểm họa của môi trường và đa dạng sinh học. Đây là loài cây dại, có sức sống mãnh liệt, thân gỗ có gai, dễ cọc, khả năng tái sinh cao, khó diệt trừ và đặc biệt rất hại đất.

Ông Lường Văn Tọ, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, cho biết: Trước đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban hành Công văn số 552/SNN-BVTV, ngày 05/4/2018 về việc chủ động kiểm soát, ngăn chặn và diệt trừ cây mai dương.  Tuy nhiên, loài cây này có sức sống rất mãnh liệt, hạt của cây phát tán theo gió, trôi theo dòng nước. Đặc biệt, cây có khả năng tái sinh sau khi bị chặt hoặc đốt, thích nghi tốt với mọi điều kiện môi trường, thổ nhưỡng và khó diệt trừ. Hiện nay, cây này sống thành quần thể đông đúc tại khu vực sông Nậm Rốm, thuộc địa phận TP. Điện Biên Phủ.

Cây mai dương mọc dọc bãi bồi của sông Nậm Rốm
Cây mai dương mọc dọc bãi bồi của sông Nậm Rốm, thuộc địa phần phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ.

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cây Mai dương xuất hiện chủ yếu ở Thành Phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên; diện tích khoảng 5,1ha tại các khu đất hoang, vùng đất trống, các khu vực ven bờ ruộng, kênh mương, bãi bồi, dọc ven sông Nậm Rốm và có nguy cơ xâm lấn đến đất sản xuất nông nghiệp.

Cây Mai dương (Mimosa Pigra L.) hay tên gọi khác là cây trinh nữ thân gỗ, trinh nữ đầm lầy… Là một trong những loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm, đe dọa đối với sản xuất nông nghiệp, môi trường và đa dạng sinh học.

Cây mai dương
Cây mai dương.

Cây có khả năng sinh trưởng khoẻ, có nhiều gai nhọn sắc, hệ thống rễ cọc cắm sâu trong đất nên cạnh tranh mạnh về dinh dưỡng và ánh sáng với các loại cây khác, cây chứa chất Mirnosin (loại axit amin có thể gây độc với nhiều loài) ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái. Khả năng sinh sản lớn, hạt có lớp lông cứng dầy, bám dính tốt, trôi nổi theo nguồn nước; lẫn trong đất cát khi khai thác cát ở sông nên phát tán đi khắp nơi. Đây chính là nguồn để cây Mai dương có thể phát tán trên diện rộng.

Trần Hương
baotainguyenmoitruong.vn