Khéo tay vượt giãn cách

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/9/2021 | 11:51:54 AM

Khéo tay hay làm, nhiều chị em đã biến những ngày ở nhà thực hiện giãn cách xã hội buồn tẻ trở nên sinh động, vui vẻ và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình trên khắp cộng đồng mạng.

Sản phẩm trong bộ sưu tập
Sản phẩm trong bộ sưu tập "Chống dịch Covid-19” của chị Thanh Thương

Sáng tạo từ đồ tái chế

Bức ảnh người phụ nữ ôm bó hoa vải nhiều màu sắc của facebook Xâm Bùi đang được nhiều chị em chia sẻ lên các diễn đàn, hội nhóm khéo tay hay làm. Nhiều người tỏ ra thích thú hơn khi được biết những bông hoa được chị Bùi Xâm (Hà Nội) làm hoàn toàn từ vải vụn.

"Tôi luôn nhớ về tuổi thơ, những ngày cùng mẹ đi mua vải vụn về khâu vá, lúc đó chỉ ước sau này sắm được một chiếc máy may. Dịch COVID-19 bùng phát, khiến tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn nên quyết định mua ngay một chiếc máy may để thỏa đam mê từ bé”, chị Xâm kể.

Tận dụng những mảnh vải thừa trong nhà để ghép, chắp vá... chị đã cho ra đời những chiếc gối nhỏ, những con thú bông bằng vải, chiếc túi đơn giản, dây buộc tóc, kẹp tóc và mới đây là những chiếc khẩu trang, hoa vải tái chế đẹp mắt. Chị còn tự tay may những chiếc balô rút để tặng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Là một giáo viên, ngoài công việc dạy học online, chị Xâm dành thời gian cho may vá. Những mảnh vải thừa tưởng vứt đi, qua bàn tay khéo léo của chị, trở thành những món đồ xinh xắn, đáng yêu, đồng thời lan tỏa thông điệp ý nghĩa về đồ tái chế.

Cũng lựa chọn đồ tái chế, nhưng bạn trẻ Vũ Lê Nam Trân (TP.HCM) lại hô biến túi nilon đã qua sử dụng thành túi đi chợ bắt mắt. Theo hướng dẫn tỉ mỉ qua video, Nam Trân tìm ra phương án ép túi nilon bằng nhiệt độ thấp qua lớp giấy nến để tạo vật liệu may những chiếc túi xách màu sắc.

"Mình thích làm đồ handmade, tái chế nên cũng học hỏi nhiều của các bạn youtuber trên thế giới xem cái nào phù hợp để làm tại nhà. Đợt nghỉ dịch này có nhiều thời gian rảnh nên mình gom túi nilon có sẵn ra làm thử. Nhìn chung khá đơn giản, ai cũng có thể làm được, vừa lan tỏa lối sống xanh vừa để mình giải tỏa stress trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng”, tác giả của những chiếc túi nilong độc đáo chia sẻ.

Chị Hồ Bích Hiền (TP Thủ Đức, TP.HCM) lại hồ hởi khoe những món đồ chơi độc lạ chị làm cho con từ những nguyên liệu đơn giản, có sẵn trong nhà như vải, thùng mì tôm, giấy bìa. Ngôi nhà nhỏ cho búp bê với phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp, những bộ trang phục xinh xắn cứ thế được tạo ra bằng đôi bàn tay khéo léo của người mẹ.

Chị cũng làm một chiếc lều nhỏ để con có không gian chơi đùa. Chị Hiền tâm sự: "Mùa dịch, muốn mua đồ chơi cho con cũng khó. Một phần vì không muốn con sử dụng điện thoại quá nhiều, phần vì tôi muốn con có khoảng thời gian nghỉ dịch vui vẻ nên quyết định bày ra để mẹ con cùng làm. Có thể nó chưa đẹp lắm nhưng tôi vui vì cả nhà được trải nghiệm vui vẻ cùng nhau và tụi nhỏ rất thích”.

Chiếc túi nhiều màu sắc được Vũ Lê Nam Trân may từ nilong tái chế
Chiếc túi nhiều màu sắc được Vũ Lê Nam Trân may từ nilong tái chế

Mất việc không phải là mất tất cả

Trên trang Facebook cá nhân, cô gái trẻ Vy Phan (TP Nha Trang, Khánh Hòa) thường xuyên khoe những mẫu hoa được móc bằng len tỉ mỉ, xinh xắn. Công việc chính của Vy vốn là một nhân viên bán hàng nhưng thời gian này phải tạm nghỉ vì dịch bệnh. Vốn biết kha khá về kỹ thuật đan móc nên hàng ngày cô lại móc sản phẩm rồi khoe với bạn bè. Ban đầu chỉ có những người bạn và đồng nghiệp đặt hàng, nhưng đến nay Vy cho biết cô đã có lượng khách hàng kha khá, thậm chí phải làm liên tục từ nay đến Tết mới trả hết được đơn hàng.

Dịch bệnh kéo dài khiến Kiều Ly (quận 7, TPHCM) phải nghỉ việc ở công ty truyền thông. Đây cũng là cơ hội để cô chuyên tâm hơn cho sở thích làm đồ trang trí, trang sức, vật dụng văn phòng? từ nhựa nhân tạo tổng hợp. Những món đồ nhỏ xinh như bông tai, đánh dấu sách, lót ly, móc khóa, khay trang trí? đòi hỏi sự tập trung, cầu kỳ, tỉ mẩn từng họa tiết nhỏ mà trước đây khi còn bận đi làm, Kiều Ly không có thời gian để theo đuổi.

Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ ở TP. HCM, công việc bị ngưng trệ, Thiên Lâm (ở quận 4) có nhiều thời gian hơn cho thú vui của mình, đó là làm búp bê, đồ vật từ đất sét. Thú chơi này đòi hỏi sự sáng tạo, óc thẩm mỹ, khéo léo nhưng vì yêu thích nên Lâm có thể dành cả ngày để mò mẫm với những thớ đất.

"Hiện tại, mình đang làm búp bê tập yoga theo đơn đặt hàng từ một huấn luyện viên. Họ gửi hình các tư thế tập, sau đó mình sẽ dựa vào đó để làm. Ban đầu mình tự lên mạng tìm hiểu rồi làm theo, cũng là cách để xả stress, rồi không ngờ có người đặt làm”, Thiên Lâm cho biết.

Bức ảnh chị Xâm Bùi ôm bó hoa vải tái chế đang nhận được sự thích thú của chị em trên các diễn đàn khéo tay hay làm
Bức ảnh chị Xâm Bùi ôm bó hoa vải tái chế đang nhận được sự thích thú của chị em trên các diễn đàn khéo tay hay làm

Trên facebook Thương Kami ngập tràn những hình ảnh mô hình sống động, mô tả các y bác sĩ, anh dân quân, tình nguyện viên... tất bật chống dịch. Đó là những nhân vật trong bộ sưu tập "Chống dịch Covid-19” của chị Thanh Thương (TP.HCM). Tất cả đều được làm bằng giấy, nhưng với những đường gân lượn sóng theo kỹ thuật Kami. Những nhân vật được đặc tả tỉ mỉ, trông rất sinh động và có hồn đã nhận được sự đồng cảm và chia sẻ từ cộng đồng mạng.

Biết đến kỹ thuật gấp giấy Kami từ năm 2017, chị Thương đã học cách làm theo và thỉnh thoảng lại gấp vài sản phẩm khoe bạn bè. Từ những sản phẩm đơn giản như bông hoa, con gà đến xe đạp, xe máy, chân dung các cầu thủ nổi tiếng? Cách đây không lâu, một người bạn đặt chị làm chân dung bác sĩ để gửi tặng người bạn thân đang làm bác sĩ tình nguyện ở bệnh viện dã chiến.

Không ngờ món quà mang ý nghĩa tinh thần ấy được người bạn đăng lên mạng xã hội và được nhiều người chia sẻ, yêu thích. "Khó khăn nhất là khâu chọn mua giấy. Do ở nước ta không có loại giấy chuyên dụng. Không được ai hướng dẫn nên mình cũng tự mày mò, đúc kết quy trình riêng. Một tác phẩm gấp giấy Kami được hoàn thiện trong 3-4 giờ, sản phẩm nhiều chi tiết phải mất 2-3 ngày”, chị Thanh Thương cho biết. Thời gian này chị làm nhiều hơn các mô hình liên quan đến chủ đề COVID-19 như một sự ủng hộ tinh thần cho những người nơi tuyến đầu chống dịch.

Diệp Anh
tienphong.vn