Mô hình công nghệ sinh thái tăng lợi nhuận cho nông dân và bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ bảy, 11/9/2021 | 11:14:06 AM

Thời gian qua, mô hình công nghệ sinh thái (ruộng lúa bờ hoa) được triển khai tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã mang lại lợi ích kép cho nông dân, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất.

Mô hình công nghệ sinh thái đã được thực hiện tại huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ.
Thời gian qua, mô hình công nghệ sinh thái cũng đã được thực hiện tại huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ.

Ngành Nông nghiệp tại nhiều địa phương đã phát động nông dân ứng dụng mô hình công nghệ sinh thái trên cơ sở áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, trồng thêm cây có hoa trên bờ để dẫn dụ thiên địch góp phần hạn chế dịch hại, từ đó vừa giảm chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vừa làm đẹp cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường. Tại tỉnh An Giang, chương trình "Công nghệ sinh thái” được Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang triển khai ứng dụng từ vụ hè thu 2010, đến vụ đông xuân năm 2020-2021 đã thực hiện 315 mô hình, với 3.652 lượt nông dân tham gia ứng dụng trên diện tích 3.212ha. Mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái đã thu hút thiên địch diệt trừ sâu hại giúp giảm mật độ rầy nâu và sâu cuốn lá. Chủng loại hoa được chọn ở các mô hình khá đa dạng và phong phú như sao nháy, hướng dương, cúc ngũ sắc, cúc tím, móng tay, màu gà, sục sạc, trâm ổi, xuyến chi, dừa cạn, vòi voi, mười giờ, vạn thọ… Trong đó, loại hoa chủ yếu các mô hình lựa chọn là sao nháy và cúc vì dễ trồng và sức sống tốt. Ngoài ra, các mô hình còn chọn các loại cây tăng thu nhập như mè, đậu bắp, đậu đen, đậu xanh, đậu cove,… Nông dân tham gia đều có ý thức áp dụng các quy trình kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng”, "1 phải, 5 giảm”... nên cũng giảm mật độ gieo sạ lúa và giảm lượng sử dụng phân bón, thuốc BVTV.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang, qua các vụ lúa vừa qua, mô hình công nghệ sinh thái giúp nông dân giảm được lần phun thuốc trừ sâu rầy ít nhất từ 1,2-2,6 lần/vụ. Vụ đông xuân 2020-2021, tỉnh An Giang thực hiện được 11 mô hình công nghệ sinh thái (3 ha/mô hình) tại 11 huyện, thị và thành phố trong tỉnh. Tổng chi phí sản xuất trung bình khoảng 20,9 triệu đồng/ha, thấp hơn bên ngoài khoảng 3,8 triệu đồng/ha và lợi nhuận cao hơn bình quân 4,3 triệu đồng/ha.

Tin, ảnh: Khánh Trung
baocantho.com.vn