Quỳ Châu - Nghệ An Hiệu quả từ mô hình mỗi nhà một thùng rác

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/9/2021 | 3:51:41 PM

Quỳ Châu là 1 trong 4 huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An. Trước đây, do nhận thức của người dân chưa cao nên rác thải không được thu gom mà mạnh ai nấy đổ khiến cho môi trường bị ô nhiễm. Tuy nhiên, từ vài năm nay tình hình đã có chuyển biến tích cực nhờ mô hình đặt thùng rác ở từng hộ dân cư.

Người dân đồng lòng

Vài năm trở lại đây, huyện miền núi Quỳ Châu - Nghệ An triển khai mô hình mỗi nhà một thùng rác đã mang lại hiệu quả cao, người dân có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường. Là huyện miền núi nghèo miền Tây xứ Nghệ, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống của bà con các dân tộc, những năm gần đây, chính quyền và người dân huyện miền núi Quỳ Châu luôn chú trọng công tác môi trường, mỹ quan thị trấn, thị tứ và các bản làng, từng bước xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

Hàng trăm thùng đựng rác được đặt ở thị trấn Tân Lạc và một số xã như Châu Tiến, Châu Bình
Hàng trăm thùng đựng rác được đặt ở thị trấn Tân Lạc và một số xã như Châu Tiến, Châu Bình

Chị Nguyễn Thị Hà, ở thị trấn Tân Lạc cho rằng: Đây là một mô hình rất khoa học, đi đúng vào tâm lý của người dân, lúc đầu người dân có thể chưa quen nhưng sau khi được vận động tuyên truyền ai đấy cũng tạo cho mình thói quen vứt rác đúng nơi quy định. "Gia đình tôi cũng như các gia đình khác ở thị trấn đã được chính quyền địa phương vận động và hỗ trợ nên những hộ dân cư tại khối Tân Hương đều đã mua và đặt thùng đựng rác trước cổng nhà. Nhìn khối xóm lúc nào cũng sạch đẹp khiến cho những ai từng đặt chân đến đây đều không khỏi bất ngờ” - chị Hà nói.

Giờ đây, tới Tân Lạc khó có thể thấy hình ảnh rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi đâu đó trên đường, dưới khe suối hay trên đồng ruộng. Tất cả rác thải sinh hoạt đều được người dân bỏ vào thùng rác gọn gàng đúng nơi quy định.

Ông Lô Thanh Sơn - Trưởng Phòng Thương mại và Môi trường huyện Quỳ Châu, cho biết vào đầu năm 2017, dự án "Phát triển nông thôn đa lĩnh vực” do Vương quốc Bỉ tài trợ cũng đã tiến hành tài trợ thêm cho thị trấn Tân Lạc 500 thùng đựng rác, xã Châu Tiến 100 thùng chứa rác, xã Châu Bình 100 thùng đựng rác. Từ đó ý thức của người dân đã từng bước được thay đổi. Người dân đều có ý thức hơn nhiều so với trước kia, chấm dứt tình trạng vứt rác bừa bãi, tiện đâu vứt đó.

Ngõ xóm khang trang sạch đẹp
Ngõ xóm khang trang sạch đẹp

Cần nhân rộng mô hình

Việc triển khai mô hình mỗi gia đình một thùng rác tại huyện miền núi cao Quỳ Châu đã đạt được những kết quả tích cực. Mô hình cũng giúp cho người dân Quỳ Châu nâng cao và hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến nay, qua 2 năm sau khi thực hiện mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, 100% các hộ gia đình trên địa bàn thị trấn Tân Lạc đã được đặt thùng thu gom rác tại gia. Ông Lô Thanh Sơn cho biết thêm, mô hình mỗi nhà mỗi thùng rác được triển khai tại thị trấn Tân Lạc tới thời điểm hiện tại đã mang lại hiệu quả. Việc xử lý rác thải đã tạo môi trường xanh - sạch - đẹp và từ đó người dân càng nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường chung.

Thực tế cho thấy mô hình đã mang lại hiệu quả cao, nâng cao ý thức cho người dân, góp phần không nhỏ trong quá trình thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường. Đây là một trong những mô hình tốt mà không chỉ các huyện vùng cao mà các huyện đồng bằng cũng cần học hỏi, nhân rộng.

Hoàng Trinh
congthuong.vn