Pháp luật về bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp: một số vấn đề cần đặt ra

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/9/2021 | 3:27:50 PM

Tại một số địa phương còn chưa có doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải nguy hại cho doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, KCX, nên chất thải nguy hại không được quản lý, xử lý theo quy định, nảy sinh nguy cơ về ô nhiễm môi trường.

TÓM TẮT:

Hệ thống pháp luật quy định về những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung và BVMT trong các khu công nghiệp (KCN) nói riêng đang từng bước được hoàn thiện, đồng bộ và thống nhất, trong đó có một số văn bản quan trọng sau: Luật BVMT năm 2020; Luật Xây dựng năm 2014; Luật Đầu tư công năm 2019; Luật Đầu tư năm 2014; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Tài nguyên nước 2012; thậm chí là Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015… Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, việc hình thành các KCN ở một số nơi diễn ra chưa theo quy hoạch, chủ yếu là nơi để các địa phương di dời những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, hoặc cấp phép hoạt động cho các loại hình doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Chính vì thế, thực trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN vẫn chưa được khắc phục triệt để. Bài viết nhằm bàn luận về các quy định của pháp luật liên quan đến BVMT ở các KCN và những vấn đề cần đề ra.

Từ khóa: Pháp luật, khu công nghiệp, bảo vệ môi trường, ô nhiễm môi trường.

1. Khái niệm khu công nghiệp và pháp luật BVMT ở khu công nghiệp

Khu công nghiệp là những khu vực đặt các cơ sở sản xuất, nhà máy phục vụ việc sản xuất hàng hóa, dịch vụ với quy mô lớn.

Theo khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư[1], KCN là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: "Khu công nghiệp, còn gọi là khu kỹ nghệ là khu vực dành cho phát triển công nghiệp theo một quy hoạch cụ thể nào đó nhằm đảm bảo được sự hài hòa và cân bằng tương đối giữa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường. Khu công nghiệp thường được Chính phủ cấp phép đầu tư với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và pháp lý riêng. Những khu công nghiệp có quy mô nhỏ thường được gọi là cụm công nghiệp”[2].

Theo Doãn Hồng Nhung (2017): KCN được hiểu theo nghĩa hẹp là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo quy định của Chính phủ [3].

Như vậy, có thể hiểu KCN là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp. Thu hút đầu tư đối với tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước phục vụ các ngành, nghề với các loại hàng hóa, dịch vụ đa dạng.

Hiện nay, KCN được thành lập trên tất cả 63 tỉnh, thành phố. KCN có một số đặc điểm nổi bật như sau: Đó là nơi không được phép có dân cư sinh sống; nơi chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp (logistics; sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng,…); doanh nghiệp hoạt động trong KCN được hưởng các chính sách ưu đãi, như: miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất…; mỗi khu công nghiệp đều có Ban quản lý KCN. Ban quản lý KCN là đơn vị có tư cách pháp nhân.

Trong thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Một trong những thành tựu của hệ thống pháp luật về BVMT là việc xây dựng, xác định được hệ thống nguyên tắc cơ bản trong chính sách, pháp luật về BVMT. Những nguyên tắc, chính sách cơ bản xuất phát từ chủ trương phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình bền vững (vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, BVMT và ổn định, công bằng xã hội). Pháp luật về BVMT đối với KCN bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, những vấn đề phát sinh trực tiếp trong hoạt động khai thác, quản lý KCN, có ảnh hưởng tác động đến môi trường.

Pháp luật về BVMT đối với KCN quy định về những vấn đề đảm bảo sự ổn định bền vững, phát triển môi trường, giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời sử dụng quyền lực nhà nước để tạo tính răn đe đối với những hành vi vi phạm, làm ảnh hưởng đến môi trường trong hoạt động của KCN.

2. Thực trạng về pháp luật BVMT tại các khu công nghiệp

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiệm vụ BVMT luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng. Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 và Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đưa ra những định hướng rất quan trọng, trong đó nhấn mạnh các đô thị, các KCN phải thực hiện tốt phương án xử lý chất thải, ưu tiên xử lý chất thải độc hại. Nghị quyết Đại hội IX một lần nữa khẳng định: "Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững”. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã nhấn mạnh vai trò của BVMT trong phát triển KCN bằng mục tiêu hết sức cụ thể: "Một số chỉ tiêu môi trường đạt và vượt kế hoạch… Tỉ lệ KCN, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ước năm 2020 là 90%. Tỉ lệ che phủ rừng ước đến năm 2020 khoảng 42%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra”. Gần đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về "định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, trong đó yêu cầu "xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”. Nghị quyết đề ra yêu cầu: "Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng hiệu quả, công nghệ và BVMT là tiêu chí đánh giá chủ yếu”.

Hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến công tác BVMT nói chung và BVMT trong các KCN đã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ và thống nhất, trong đó có một số văn bản quan trọng sau: Luật BVMT năm 2020; Luật Xây dựng năm 2014; Luật Đầu tư công năm 2019; Luật Đầu tư năm 2014; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Tài nguyên nước 2012,...

Chính phủ đã ban hành 14 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 17 Quyết định, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành 54 Thông tư và Thông tư liên tịch, 48 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (QCVN) có liên quan trực tiếp và là công cụ để quản lý và kiểm soát ô nhiễm KCN. Đặc biệt, kể đến Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT; Nghị định số 38/2015/NĐ - CP về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 về thoát nước và xử lý nước thải; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT, Thông tư số 35/2015/TT - BTNMT ngày 30/6/2015 về BVMT khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về BVMT KCN. Trong đó, có 11 văn bản của Tỉnh ủy, 51 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố, 212 Quyết định và 42 Chương trình, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Có 29 địa phương[4] ban hành cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với khu kinh tế và KCN, có 16 quy chuẩn địa phương[5] và một số địa phương khác cũng đang trong quá trình xây dựng[6]. Việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác BVMT đã theo hướng đồng bộ và toàn diện hơn, đồng thời tiệm cận và tương thích hơn với các thông lệ quốc tế và các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, góp phần thu hút đầu tư vào các KCN ngày càng tăng, bổ sung nguồn lực quan trọng từ bên ngoài cho công cuộc phát triển kinh tế, có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác. Quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT KCN đã đem lại những hiệu quả tích cực nhất định.

2.1. Những kết quả đạt được

Về xử lý nước thải: Việc xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung trong KCN đã được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm thúc đẩy. Tại một số khu vực, tỷ lệ các KCN có công trình nhà máy xử lý nước thải được xây dựng và đi vào hoạt động đạt tỷ lệ cao, như vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ; đồng thời, số lượng các doanh nghiệp trong KCN, KCX đấu nối vào nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ cao (khoảng 85%).

Về khí thải: Do được quan tâm, đánh giá, xem xét ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư nên nhiều doanh nghiệp trong KCN, KCX đã thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải. Một số ngành nghề có mức độ xả thải khí thải cao như sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Vì vậy, việc ô nhiễm khí thải, tiếng ồn được hạn chế.

Về chất thải rắn và chất thải nguy hại: Việc thực hiện các quy định về xử lý chất thải rắn được hầu hết các doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành. Đa số các doanh nghiệp trong KCN, KCX đã có biện pháp phân loại và lưu giữ tạm thời trước khi thu gom đến nơi xử lý. Một số KCN, KCX đã tổ chức thu gom, xử lý chất thải tập trung. Do vậy, về cơ bản, việc thu gom, xử lý chất thải rắn được đảm bảo.

2.2. Tồn tại và hạn chế

Về nước thải: Đa số các KCN, KCX đều phát triển sản xuất đa ngành, đa lĩnh vực nên phát thải nhiều loại nước thải khác nhau. Việc gom và xử lý chung là khó khăn. Mặc dù số lượng các nhà máy xử lý nước thải tập trung đã tăng lên, nhưng theo báo cáo của các BQL các KCN, tại khu vực xung quanh KCN, KCX ở một số địa phương, một số tiêu chuẩn nước thải vượt quá quy định cho phép. Nguyên nhân là do việc vận hành và kiểm tra vận hành nhà máy xử lý nước thải chưa có quy định pháp luật cụ thể, cũng như chưa có chế tài xử phạt có tính răn đe cao, cho nên một số KCN không vận hành các trạm xử lý nước thải liên tục.

Về khí thải: Mặc dù các doanh nghiệp đã có ý thức thực hiện nhưng trang thiết bị phục vụ công tác này chủ yếu còn sơ sài, đơn giản, chưa giảm thiểu triệt để ảnh hưởng của khí thải gây ra đối với môi trường xung quanh. Chất lượng môi trường không khí tại các KCN, đặc biệt là các KCN được thành lập trên cơ sở các doanh nghiệp cũ có sẵn với công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải đang bị suy giảm. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí trong các cơ sở sản xuất của các KCN cũng là vấn đề cần được quan tâm. Cụ thể như các đơn vị chế biến thủy sản, sản xuất hóa chất đang gây ô nhiễm tại chính các cơ sở sản xuất đó và đã tác động không nhỏ đến sức khỏe người lao động.

Về chất thải nguy hại và chất thải rắn: Một số doanh nghiệp trong KCN, KCX không thực hiện đăng ký nguồn thải theo quy định, có doanh nghiệp tự lưu giữ chất thải, gây ô nhiễm cục bộ. Tại một số địa phương còn chưa có doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải nguy hại cho doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, KCX, nên chất thải nguy hại không được quản lý, xử lý theo quy định, nảy sinh nguy cơ về ô nhiễm môi trường.

Ở một số địa phương, việc thực hiện ủy quyền cho BQL các KCN, KKT trong quản lý môi trường chưa triệt để. Do vậy, nảy sinh một số vấn đề như: cơ quan này cấp phép về môi trường trong khi cơ quan khác là đơn vị kiểm tra (ví dụ: UBND huyện cấp cam kết BVMT, BQL các KCN, KCX, KKT kiểm tra việc thực hiện cam kết); việc thanh, kiểm tra về môi trường chồng chéo và không hiệu quả.

3. Một số vấn đề cần đặt ra

- Về công tác tổ chức thực hiện

Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và triển khai mạnh mẽ chương trình sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất trong KCN; có chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Hai là, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra trách nhiệm quản lý môi trường KCN và các cơ sở sản xuất trong KCN, cần giám sát đặc biệt đối với các KCN đang là điểm nóng, bức xúc về môi trường để từng bước yêu cầu hoàn thiện thủ tục môi trường đầu tư hạ tầng KCN và xử lý chất thải tại KCN, hoặc các cơ sở trong KCN.

Ba là, cơ quan nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong KCN phải đấu nối với hệ thống xử lý chất thải tập trung. Nếu không đấu nối vào hệ thống xử lý chất thải tập trung, cần phải xây dựng nhà máy xử lý chất thải riêng, đảm bảo chất thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường. Trường hợp, doanh nghiệp cố tình vi phạm cần phải xử lý nghiêm.

- Về quy định của pháp luật đối với việc BVMT trong khu công nghiệp

Thứ nhất, theo Doãn Hồng Nhung (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội), để đảm bảo tính khách quan trong quản lý vấn đề BVMT KCN, pháp luật cần có quy định rõ ràng về Ban quản lý KCN chỉ là cơ quan quản lý nhà nước, không được đồng thời là chủ thể kinh doanh trong KCN. Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN phải là đơn vị độc lập, không kiêm nhiệm thêm các vai trò quản lý nhà nước trong KCN[7].

Thứ hai, kiên quyết không cho phép các KCN chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật đi vào hoạt động. Trường hợp KCN đã đi vào hoạt động mà chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải bắt buộc phải hoàn thiện ngay. Đồng thời, Nhà nước cần xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý chất thải mới và hiệu quả.

Thứ ba, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, nhằm nhận dạng, dự báo các tác động tới môi trường có thể xảy ra từ các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; kiên quyết không phê duyệt đối với những dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, có nguy cơ cao gây tác động xấu tới môi trường trong các KCN. 

Thứ tư, Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, như: đình chỉ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, đình chỉ hoạt động sản xuất gây ô nhiễm, cưỡng chế khấu trừ tài khoản ngân hàng, ngưng cấp điện, cấp nước để đơn vị vi phạm.

ThS. LÊ MINH 
Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam
----------------
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Xem Khoản 6 Điều 3 Luật Đầu tư. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2] Xem https://vi.wikipedia.org/wiki/Khu_c%C3%B4ng_nghi%E1%BB%87p

[3] Doãn Hồng Nhung (2017). Pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp ở Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Trang 12.

[4] Cao Bằng; Lào Cai; Phú Thọ; Bắc Giang; Hòa Bình; Điện Biên; Quảng Ninh; Hưn Yên; Vĩnh Phúc; Bắc Ninh; Thái Bình; Hà Tĩnh; Quảng Bình; Phú Yên; Ninh Thuận; Bình Thuận; Đắk Nông; Kon Tum; Đồng Nai; Bình Dương; Bình Phước; Bến Tre; Trà Vinh; Hậu Giang; Sóc Trăng; An Giang; Đồng Tháp; Bạc Liêu; Cà Mau.

[5] Thành phố Hà Nội đã ban hành 5 quy chuẩn kỹ thuật về chất thải theo quy định tại Luật Thủ đô năm 2012; UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành 2 quy chuẩn kỹ thuật địa phương (nước thải sinh hoạt và công nghiệp); UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành 1 quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước thải; UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành 6 quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; UBND tỉnh Ninh Bình ban hành 2 quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.

[6] Các tỉnh: Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Tây Ninh, Trà Vinh.

[7] Doãn Hồng Nhung (2017). Pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp ở Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Trang 290.

VIETNAM’S REGULATIONS ON THE ENVIRONMENTAL PROTECTION

IN INDUSTRIAL ZONES AND SOME RELATED ISSUES

Master. LE MINH

Vietnam Inland Waterways Administration

ABSTRACT:

Vietnam's legal system in environmental protection in general and environmental protection in industrial zones (IZs) in particular has been gradually improved and unified. The current national legal system consists some important regulations such as the 2020 Law on Environmental Protection, the 2014 Law on Construction, the 2019 Law on Public Investment, the 2014 Law on Investment, the 2014 Law on Marine and Island Resources and Environment, and the 2012 Law on Water Resources. However, the fact shows that some industrial zones are violating the planning and these industrial zones are mainly used for the relocation of polluting businesses. As a result, the issue of industrial zones’ environmental pollution is not being solved completely. This paper analyzes the issue of environmental protection in Vietnam’s industrial zones and related issues.

Keywords: law, industrial park, environmental protection, environmental pollution.


Tạp chí Công Thương