Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/8/2021 | 10:48:45 AM

QLMT - Quản lý chất thải rắn sinh hoạt đang là vấn đề được quan tâm tại Việt Nam vì khối lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt càng ngày càng tăng, tỷ lệ thu gom giữa đô thị và nông thôn còn chênh lệch và việc xử lý chưa đồng bộ.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt đang là vấn đề được quan tâm tại Việt Nam

Kết quả tính toán chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt bình quân đầu người dựa trên số liệu về khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và dân số cho thấy một số địa phương có chỉ số phát sinh cao (trên 1,0 kg/người/ngày) như Quảng Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang. 

Tỷ lệ phát sinh phát sinh chất thải rắn sinh hoạt giữa đô thị và nông thôn: 

Chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị chiếm đến hơn 50% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước, tăng từ 32.000 tấn/ngày năm 2014 lên 35.624 tấn/ngày trong năm. 

Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn có khối lượng ngày càng tăng, từ 18.200 tấn/ngày trong năm 2011 lên 28.394 tấn/ngày trong năm 2019. So với khu vực đô thị, mặc dù dân số khu vực nông thôn cao gấp hai lần, nhưng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh chỉ chiếm khoảng 45% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước. Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nhiều vùng nông thôn chưa được thu gom và xử lý đúng quy định và là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nông thôn.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt:

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam trung bình năm 2019 tại khu vực đô thị đạt 92% và khu vực nông thôn đạt 66%. 

Các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt:

Để xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã thu gom được, đến năm 2019, cả nước có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm: 381 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền chế biến phân compost, 904 bãi chôn lấp (trong đó chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh), góp phần xử lý lần lượt là 13%, 16% và 71% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom. 

Ngoài ra, chất thải nhựa khó phân hủy đang là vấn đề thách thức trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, với số liệu ước tính tỷ lệ chất thải nhựa trong các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt khoảng 6 - 8%, cộng với nhận thức của cộng đồng còn nhiều hạn chế nên công tác xử lý chất thải nhựa chưa thực sự được chú trọng theo hướng giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế. 

Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019