Những công nghệ phòng chống dịch cho khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/8/2021 | 3:42:56 PM

Ứng dụng các giải pháp công nghệ trong phòng chống dịch COVID-19 hiện nay ở TPHCM còn yếu, thiếu tính tổng thể và chưa gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, cũng như người dân. Việc tăng cường kết hợp giữa tiêm vaccine, thực hiện 5K và áp dụng công nghệ cần được triển khai đồng bộ trong thời gian tới.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM tại sự kiện "HCA TekTalk Series: Công nghệ và Cuộc sống” chuyên đề "Công nghệ phòng chống COVID-19 trong các khu công nghiệp, công nghệ”, do Hội Tin học TPHCM phối hợp với Sở KH&CN TPHCM tổ chức trực tuyến ngày 12/8.

Theo ông Thi, giải pháp "3 tại chỗ” (Sản xuất tại chỗ - Ăn tại chỗ - Nghỉ ngơi tại chỗ), "1 cung đường – 2 địa điểm” (chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân) chỉ là giải pháp tình thế, ngắn hạn và nhiều doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khi thời gian giãn cách kéo dài. Để doanh nghiệp thích ứng với tình trạng "bình thường mới” và bảo đảm sản xuất và an toàn cho người lao động trong đại dịch, ông Thi nhấn mạnh, cần kết hợp giữa tiêm vaccine và thực hiện nghiêm chỉnh 5K với ứng dụng công nghệ cần mạnh mẽ.


Sự kiện được tổ chức trực tuyến với nhiều đơn vị tham gia. Ảnh: Chụp màn hình

Ông Thi cho biết thêm, xuất phát từ nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp quản lý lực lượng lao động làm việc, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM đã đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm quản lý người lao động trên nền tảng GIS. Theo đó, các doanh nghiệp tiến hành cập nhật thường xuyên, đầy đủ, chính xác danh sách người lao động cùng địa chỉ cư trú, kể cả số lao động thời vụ và lao động ở đơn vị khác (đến công tác, tham gia vận chuyển hàng hóa…). Qua đó, có thể chủ động khi xảy ra dịch bệnh và dễ dàng truy vết. Ngoài ra, từ nguồn dữ liệu của người lao động, kết hợp với thông tin các ca F0, F1, F2, bản đồ dịch tễ của Thành phố, doanh nghiệp có thể giám sát được lộ trình của người lao động, từ đó tổ chức, mở rộng sản xuất an toàn hơn.

Ông Hoàng Minh Thắng, Trưởng phòng Marketing Công ty TMA Innovation cho biết, thiết bị khai báo y tế và kiểm soát ra vào T-Check do Công ty TMA nghiên cứu, phát triển tích hợp nhiều tính năng như kiểm tra thân nhiệt, khẩu trang, nhận diện khuôn mặt hoặc căn cước công dân, kết hợp điểm danh chấm công cho doanh nghiệp. Giải pháp đã được triển khai tại Công viên phần mềm Quang Trang và UBND tỉnh Bình Định, góp phần dễ dàng truy xuất lịch sử dịch tễ, truy vết, khoanh vùng dập dịch,… Bên cạnh đó, giải pháp quản lý vị trí công nhân và bảo vệ cũng do Công ty nghiên cứu, được cài ứng dụng trên điện thoại di động, để theo dõi và điềm danh tại các vị trí cho phép; đồng thời, phân công quản lý công việc, ca trực, kíp trực, cảnh báo, phát hiện kịp thời sai phạm hoặc sự cố.

Giải pháp đo thân nhiệt, tích hợp AI nhận dạng, điểm danh tự động của Công ty HPT. Ảnh: Chụp màn hình
Giải pháp đo thân nhiệt, tích hợp AI nhận dạng, điểm danh tự động của Công ty HPT. Ảnh: Chụp màn hình

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu HPT Việt Nam thì giới thiệu giải pháp camera đo thân nhiệt tự động tích hợp AI nhận dạng, điểm danh, đo nhiệt độ. Giải pháp có thể đo nhiệt độ tự động từ xa (2-6 mét), có khả năng đo cùng lúc tối đa 30 người (kể cả người đi bộ hoặc xe máy), với độ chính xác cao (sai số chỉ 0,3-0,5oC). Qua đó, giúp loại bỏ việc đo thân nhiệt bằng tay (làm tăng nguy cơ lây nhiễm, mất thời gian, nhân lực). Ngoài ra, giải pháp còn có chức năng tự động cảnh báo bằng còi và chụp hình khi phát hiện người có thân nhiệt cao hơn 37,5oC, gửi cho người quản lý bằng zalo, email; nhiệt độ, hình ảnh được lưu lại theo thời gian thực; lập thống kê số người đo thân nhiệt, người có thân nhiệt cao theo ngày, tuần; kết hợp tính năng trí tuệ nhân tạo để nhận diện khuôn mặt, chấm công, truy vết F1;… Giải pháp đã được triển khai tại Khu chế xuất Linh Trung 1, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, Tổng Công Ty Sonadezi, các nhà máy chế biến cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên.

Bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, cho biết Sở đang tổ chức Chương trình "Tìm kiếm và kết nối các giải pháp đổi mới sáng tạo ứng phó dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh năm 2021”. Bên cạnh đó, Sở còn có một số chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Việc tìm được những giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo phù hợp, gắn liền với nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp, sẽ giúp chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong các khu công nghiệp, khu công nghệ, khu chế xuất trên địa bàn thành phố”, bà Hải nói.

Nguồn: Khoa học và Phát triển