Nhập nhèm trong phát triển KCN sạch sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/8/2021 | 12:03:54 PM

"Khi chưa có một khung pháp lý rõ ràng quy định như thế nào là sạch mà đã “mạnh dạn” triển khai thì dựa trên hệ quy chiếu nào để đánh giá? Điều này sẽ rất dễ tạo nên sự nhập nhèm, thiếu minh bạch, ảnh hưởng đến môi trương đầu tư", TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.

Cùng với quá trình phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, các khu công nghiệp (KCN) bắt đầu ra đời. Sự xuất hiện KCN đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế của hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, sự tập trung phát triển nhanh chóng, ồ ạt các KCN chính là một trong những đầu mối dẫn đến những thảm hoạ về ô nhiễm môi trường, quy hoạch đô thị hiện nay. 

Không quá xa xôi khi nhắc tới hai vụ việc xả thải ô nhiễm trầm trọng trong vụ Vedan và Formusa. Đây là một trong những minh chứng rõ nhất cho thực trạng "mọc lên” các KCN nhưng thiếu công tác quản lý, quy hoạch. 

Nói để thấy, việc hình thành các mô hình KCN chuẩn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững là nhu cầu bức thiết hiện nay. Vừa giải quyết bài toán môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế lâu dài, vừa chấm dứt tình trạng xuất hiện "hỗn loạn” các KCN với nhiều mô hình phát triển khác nhau như: KCN sinh thái, KCN thông minh, KCN mới hay KCN sạch. 

Sự phát triển ồ ạt nhưng dựa trên hệ thống các quy định pháp lý đã đành, tuy nhiên, điều đáng quan ngại là việc phát triển này xuất hiện cả những mô hình còn chưa kịp "khai sinh” như KCN sạch.

Trước vấn đề này, PV Reatimes đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong.

Việc hình thành các mô hình KCN chuẩn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững là nhu cầu bức thiết hiện nay.
Việc hình thành các mô hình KCN chuẩn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững là nhu cầu bức thiết hiện nay. (Ảnh minh hoạ)

PV: Việt Nam đang trong quá trình "dọn tổ đón đại bàng", xây dựng hạ tầng các KCN để đón làn sóng dịch chuyển sản xuất của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều cách thức phát triển KCN khác nhau theo kiểu "mạnh ai nấy làm”. Trước thực trạng đó, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết ra đời 1 mô hình KCN chuẩn đáp ứng đầy đủ các nhu cầu, tiêu chí của doanh nghiệp FDI cũng như phù hợp với xu hướng phát triển KCN của thời đại?

TS. Nguyễn Minh Phong: Hiện nay chưa có một mô hình chuẩn duy nhất cho các KCN ở trong nước nói riêng hay các quốc gia trên thế giới nói chung. Bởi vì các tiêu chí của mỗi mô hình phụ thuộc vào từng nhu cầu, mục tiêu khác nhau từ các đối tượng doanh nghiệp hay mục tiêu phát triển chung của từng đất nước. Đặc biệt, với mục tiêu phát triển chung của từng đất nước thì mỗi giai đoạn theo sự tịnh tiến của thời gian, các tiêu chí lại được đặt ra khác nhau. Do đó, khó có thể xây dựng được một mô hình chuẩn, chung cho tất cả các KCN.

Tuy nhiên, nhìn chung chúng ta cần có một số tiêu chí nền tảng để hướng đến xây dựng các KCN trong thời đại hiện nay.

Thứ nhất, các KCN cần có quy hoạch rõ ràng, ổn định; cần kết nối tốt với các nguồn năng lượng, các cơ sở hạ tầng và những yếu tố đầu vào khác. Đây là một trong những yêu cầu hàng đầu của thực trạng các KCN hiện nay đặt ra. Một KCN được đặt giữa một sa mạc thì khó có thể vận hành. Vì vậy, tiêu chí đồng bộ, kết nối hạ tầng, liên thông với bên ngoài bao gồm cả đường sông, đường biển, đường bộ, đường sắt.. là rất cần thiết.

Thứ hai, các yếu tố bên trong KCN cũng cần được quan tâm, quy hoạch rõ ràng, thuận lợi. Đặc biệt là không nên ghép vào KCN là các doanh nghiệp hỗn tạp với nhiều lĩnh vực khác nhau. Bởi thực trạng hiện nay cho thấy, các KCN đang phải chứa rất nhiều những doanh nghiệp đa dạng các ngành, các lĩnh vực không có sự liên quan. Nó không tạo thành một chuỗi liên kết, rất lãng phí và hạ tầng không phát huy hiệu quả. Thậm chí còn dẫn đến tình trạng thừa, thiếu hạ tầng.



Thứ ba, cần phát triển logistics để vận hành trơn tru các hoạt động đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp. Đảm bảo các thông tin liên lạc cũng như hệ thống cung ứng dịch vụ cho các doanh nghiệp khác bao gồm cả tín dụng ngân hàng, hải quan, lao động và các thông tin bổ trợ…

Bên cạnh những tiêu chí nêu trên, một vấn đề cũng cần được quan tâm là hệ thống nhà ở xã hội để cung ứng cho người lao động nhằm tránh trường hợp người lao động phải ở xa, ở nhốn nháo, dẫn đến việc đi làm không đúng giờ, thiếu chuyên nghiệp, hiệu quả.

Đây là những yêu cầu cơ bản nhất mà theo tôi, bất cứ một KCN nào cũng cần có. Ngoài ra, tuỳ vào từng đối tác như Mỹ, Đức hay Trung Quốc... mà các KCN lại cần phải đáp ứng thêm những tiêu chí khác nhau.

Thêm vào đó, chúng ta muốn phát triển bất cứ một KCN nào cũng đòi hỏi đảm bảo được những yêu cầu cốt lõi mà KCN đó hướng đến. Ví dụ, với những KCN công nghệ phần mềm cần tập trung phát triển internet, cơ sở hạ tầng liên quan đến nhân lực; với KCN hỗ trợ thì cần chuyên môn hoá phát triển máy móc, thiết bị; hay thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường cần đặt ra các yêu cầu chặt chẽ về xử lý rác thải ô nhiễm, đảm bảo không gian xanh sạch…

Tóm lại, không dám nói có thể gây dựng được một mô hình KCN chuẩn ngay nhưng rất cần thiết chuyên nghiệp hoá các KCN trong thời đại hiện nay.

PV: Như chuyên gia vừa chia sẻ thì đây có được xem là giải pháp để hạn chế những bất cập còn tồn tại của các KCN từ trước đến nay như ô nhiễm môi tường, bỏ hoang, lãng phí đất đai… hay không?

TS. Nguyễn Minh Phong: Đúng vậy, tất cả những gì chia sẻ là kinh nghiệm rút ra từ quá khứ cũng như ở hiện tại của các KCN ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng ta cần xúc tiến đầu tư, tìm hiểu đánh giá các nhà đầu tư, xem họ cần cái gì? Họ cần các doanh nghiệp nào ở cùng với mình để liên kết thành chuỗi nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả.


Đặc biệt, người quản lý của các KCN phải là người có chuyên môn, chuyên nghiệp và có trách nhiệm với đất nước. Mọi KCN cần phải được vận hành đúng, chuẩn chỉnh theo quy định của pháp luật, tránh các trường hợp nhằm nâng cao lợi ích cá nhân, lợi nhuận doanh nghiệp để gây huỷ hoại môi trường.

Bởi lẽ, từ thực trạng hiện nay cho thấy, các vấn đề liên quan đến KCN còn tồn tại rất nhiều. Đơn cử như vấn đề xử lý rác thải, nước thải, khí thải; vấn đề về thất thoát, lãng phí đất đai… Tất cả những điều này đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là sức khoẻ toàn dân, tính mạng của những quần cư xung quanh KCN. 

Do đó không nên để chậm trễ việc quy hoạch, phát triển các KCN theo hướng chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn liền với sự phát triển bền vững lâu dài.

PV: Trên thị trường đang có xuất hiện một khái niệm mang tên "KCN sạch”, tuy nhiên pháp luật chưa có bất cứ quy định nào về loại hình này. Vậy theo ông, giá trị của một KCN gắn mác "sạch” so với một KCN bình thường sẽ được nâng lên như thế nào?

TS. Nguyễn Minh Phong: Khó để định lượng được giá trị của một KCN sẽ được nâng tầm lên bao nhiêu khi gắn mác là KCN sạch. Tuy nhiên, chắc chắn có thể khẳng định rằng, giá trị của nó sẽ cao hơn nhiều so với một KCN bình thường và đặc biệt sẽ được hưởng nhiều chế độ ưu đãi hơn.

Bởi vì, rõ ràng KCN sạch hay KCN xanh đang là xu thế phát triển, gắn với chiến lược phát triển xanh, phát triển bền vững của đất nước cũng như của thế giới trong hiện tại và tương lai. Xu thế đó đòi hỏi những yêu cầu giảm thiểu rác thải, đảm bảo các chỉ số về môi trường, không gây ra các hệ luỵ lâu dài cho cả doanh nghiệp trong KCN cũng như những vùng dân cư xung quanh. 

Khi được mang tên là KCN sạch thì KCN đó sẽ có nhiều lợi thế thu hút các nhà đầu tư, lợi thế về các vấn đề ưu đãi của Nhà nước. Ví dụ, để đảm bảo sạch cần có công nghệ cao, chi phí xử lý môi trường tốn kém hơn; vì vậy, chính sách về giảm thiểu thuế hay những hỗ trợ khác là cần thiết. 

Đó chính là những ưu thế mà một KCN sạch sẽ dễ dàng nhận được, chưa kể các mặt hàng sản xuất ra cũng dễ được các nước, các đối tác chấp nhận một cách tốt hơn, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh. Ngoài ra, các KCN được gắn mác "sạch" sẽ có sức hút mạnh mẽ với đối tượng lao động trình độ cao, đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực dồi dào.

Do đó, nhìn tổng quan, ưu thế của một KCN sạch là hoàn toàn vượt trội.

PV: Nếu chưa có quy định pháp lý rõ ràng mà ồ ạt triển khai các KCN sạch thì sẽ gây ra hệ lụy gì, thưa ông? Đặc biệt khi mà các doanh nghiệp đang muốn lợi dụng khái niệm này để nhằm mục đích hưởng các ưu đãi như ông vừa chia sẻ.

TS. Nguyễn Minh Phong: Nắm bắt xu thế, nắm bắt mong muốn của đất nước là tốt nhưng không có nghĩa là lợi dụng nó để đi trước, hưởng lợi. Khi chưa có bất cứ một quy định pháp lý rõ ràng về KCN sạch mà đã triển khai trước hết là sai phạm pháp luật, về sau là dẫn đến nhiều hệ quả cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Cụ thể, nó sẽ gây ra hiện trạng bát nháo thị trường, bất công bằng với các KCN "không sạch”.



Như tôi đã chia sẻ ở trên, sẽ rất bất công khi một KCN được mệnh danh là sạch so với một KCN bình thường. Mang thương hiệu sạch thì sẽ được quan tâm, được hưởng các chế độ ưu tiên về quy hoạch, về thuế, về vốn hỗ trợ… Các mặt hàng bán ra cũng dễ dàng trong khâu tiêu thụ, xuất khẩu. Tìm kiếm nguồn nhân lực cũng đơn giản, nhanh chóng… Nói tóm lại, sẽ tạo ra sự bất công bằng trong thị trường sản xuất công nghiệp.

Ngoài ra, khi chưa có một khung pháp lý rõ ràng, chưa có những quy chuẩn, tiêu chuẩn như thế nào là sạch mà đã "mạnh dạn” triển khai thì lấy hệ quy chiếu nào để đảm bảo có thực sự sạch hay không? Rất dễ tạo nên sự nhập nhèm giữa sạch và không sạch, sạch ở mức độ nào.

Ở Nghị quyết 50/NQ-TW của Chính phủ được ban hành tháng 8/2019 đã thể hiện rõ nội dung phấn đấu nâng cao vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp của nước ta. Tuy nhiên, sẽ khó có thể thực hiện nếu như thị trường KCN trong nước không ổn định, không rõ ràng minh bạch pháp lý. Bởi bất cứ một doanh nghiệp nước ngoài nào cũng sẽ e ngại khi đầu tư vào một thị trường hỗn loạn, nhập nhèm.

PV: Trước những hậu quả nêu trên, theo chuyên gia, Nhà nước cần làm gì để đảm bảo phát triển các KCN chuyên nghiệp hoá, hướng đến xu thế phát triển bền vững trong tương lai?

TS. Nguyễn Minh Phong:  Để chuyên nghiệp hoá các KCN, hướng đến xu thế phát triển bền vững trong tương lai đòi hỏi tổng hoà nhiều yếu tố.

Nhưng trước hết cần cụ thể hoá các tiêu chí để hình thành các tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc trong việc hình thành các mô hình KCN. Trên cơ sở đó, cho ra đời các điều kiện, yêu cầu cũng như các chính sách hỗ trợ phù hợp. Coi đây như một quy chuẩn mà các KCN cần phải hướng đến. 

Ngoài ra, Nhà nước cần ban hành các luật kiểm tra, kiểm định giống như quá trình đánh giá các di sản thế giới. Các quy định này cần được đề ra ngay và luôn, rõ ràng và minh bạch để tránh trường hợp các nhóm lợi ích lợi dụng, trục lợi.



Đơn cử như gắn mác là KCN sạch tuy nhiên chúng ta không có một hệ quy chiếu nào để khẳng định nó sạch hay không sạch và sạch như thế nào. Do đó, rất khó để xử phạt các trường hợp này một cách triệt để. Ngoài ra, các quy định, quy chuẩn phải được đặt trong quá trình phát triển liên tục của kinh tế - xã hội nhằm nhanh chóng phù hợp với tình hình đất nước. 

Chuyên nghiệp hoá luôn phải đi liền với yếu tố bền vững nên vấn đề môi trường cần được đặt lên hàng đầu. Phát triển công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo quy hoạch đô thị.

Cuối cùng, cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp lý về xây dựng và phát triển các KCN ở Việt Nam, nên có khung xử phạt rõ ràng, nghiêm minh, phù hợp để đảm bảo ổn định thị trường sản xuất công nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Nguyễn Thương (Thực hiện)
Thiết kế: Thảo Quyên
Nguồn: reatimes.vn