Mỗi khối nhà bê tông có thể là một cục pin sạc

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/8/2021 | 10:52:24 AM

Biến công trình xây dựng thành thiết bị lưu trữ năng lượng khổng lồ là ý tưởng táo bạo nhưng có nhiều tiềm năng ứng dụng.

Các khối nhà bê tông có thể trở thành pin sạc. Ảnh minh họa
Các khối nhà bê tông có thể trở thành pin sạc. Ảnh minh họa

TS Trần Duy Tập, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, các nhà khoa học Thụy Điển đã nghiên cứu thành công loại vật liệu trộn vào bê tông để biến bê tông thành vật liệu giống như pin sạc. Đây là một loại pin trên nền vật liệu xi măng có thể sử dụng trong xây dựng để lưu trữ năng lượng thu được từ nguồn năng lượng bên ngoài. Theo đó, các nhà khoa học tạo ra một hỗn hợp nền xi măng có bổ sung một lượng nhỏ các sợi carbon ngắn để tăng độ dẫn điện và độ bền uốn của vật liệu. Bên cạnh đó, hỗn hợp cũng được kết hợp một lưới sợi carbon phủ kim loại, sử dụng sắt cho cực dương và niken cho cực âm với hai dạng cấu trúc pin sạc (cấu trúc phân lớp và cấu trúc nhúng) trên nền vật liệu xi măng chính.

Các mẫu pin sạc tạo ra từ hỗn hợp xi măng này có hiệu suất với mật độ năng lượng trung bình khoảng 7Wh/m2 (hoặc 0.8Wh/l). Dù hiệu suất thếp nhưng do khối lượng lớn của kết cấu bê tông các tòa nhà, khả năng lưu trữ năng lượng có thể đạt ở mức cao, ngay cả khi năng lượng trên một đơn vị thể tích không cao. Công nghệ này có thể được sử dụng để biến các tòa nhà cao tầng về cơ bản trở thành cơ sở lưu trữ năng lượng khổng lồ.

Bên cạnh đó, công nghệ mới này còn có tiềm năng làm nền tảng cho sự ra đời của hàng loạt giải pháp năng lượng khác. Ví dụ như khi được kết hợp với các tấm pin mặt trời sẽ có khả năng biến cửa sổ của các tòa nhà lớn thành máy phát năng lượng liên tục, và chuyển đổi toàn bộ các tòa nhà trong thành phố thành những nhà máy sản xuất năng lượng khổng lồ. Một ngày nào đó trong tương lai, chúng có thể vừa cung cấp năng lượng cho các thành phố thông minh vừa đáp ứng các nhu cầu bảo vệ môi trường cấp thiết.
Nguồn: Khoa học & Đời sống