Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 so với Luật Bảo vệ môi trường 2014?

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/7/2021 | 2:52:29 PM

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có những điểm gì mới so với Luật Bảo vệ môi trường 2014? Các luật nào cần sửa đổi, bổ sung sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 ra đời?


Hỏi: Luật Bảo vệ môi trường 2020 có những điểm gì mới so với Luật Bảo vệ môi trường 2014?

Trả lời: Luật Bảo vệ môi trường 2020 được bố cục lại so với Luật Bảo vệ môi trường 2014, đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường khác. Cụ thể là:

-  Luật Bảo vệ môi trường 2020 lần đầu tiên quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, Luật cũng quy định tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm được quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

- Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định các tiêu chí về môi trường như quy mô, công suất, yếu tố nhạy cảm về môi trường... để phân loại dự án đầu tư thành các nhóm: Có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

- Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.

-  Luật Bảo vệ môi trường mới được thiết kế khung chính sách hướng tới việc hình thành đạo luật về Bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội, đồng thời cải cách mạnh mẽ, cắt giảm hơn 40% thủ tục hành chính (TTHC), giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 20 đến 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

- Kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (1/1/2022) sẽ thay thế Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13; đồng thời khoản 3 Điều 75 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 và Điều 7 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 cũng hết hiệu lực thi hành. 
Luật Bảo vệ môi trường 2020

Hỏi: Các luật nào cần sửa đổi, bổ sung sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 ra đời?         

Trả lời: Sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến bảo vệ môi trường (Điều 169):

- Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 08/2017/QH14 và Luật số 35/2018/QH14 như sau:

+ Bãi bỏ Điều 37 và điểm đ khoản 1 Điều 38.

+  Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 73.

- Bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 44 và Điều 58 của Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 59/2020/QH14.       

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2020/QH14 như sau:       

+ Sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 2 Điều 30: "g) Phân tích, đánh giá sơ bộ tác động xã hội; đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;”;        

+ Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 31: "6. Phân tích, đánh giá sơ bộ tác động xã hội; đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; xác định sơ bộ hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội;”.      

-  Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Mục IX - Phí thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc Phụ lục số 01 - Danh mục Phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2017/QH14 và Luật số 23/2018/QH14 như sau:

+ Sửa đổi, bổ sung điểm 1.4 như sau:

1.4 Phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường 
* Bộ Tài chính quy định đối với hoạt động thẩm định do cơ quan trung ương thực hiện       
    
* Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện.

+ Bổ sung điểm 1.6 và sau điểm 1.5 như sau:

1.6 Phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường 
* Bộ Tài chính quy định đối với hoạt động thẩm định do cơ quan trung ương thực hiện;          
 
* Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện.

+ Bãi bỏ điểm 5.4, điểm 6.3 và tiểu mục 9.

- Kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (1/1/2022) sẽ thay thế Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13; đồng thời khoản 3 Điều 75 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 và Điều 7 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 cũng hết hiệu lực thi hành.

Theo Sở tư pháp tỉnh Sơn La
Nguồn: Báo Sơn La