Đắk Lắk bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn xanh - sạch - đẹp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/6/2021 | 9:30:44 AM

Đây là nhiệm vụ quan trọng trong Kế hoạch chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2021 vừa được UBND tỉnh ban hành.

Kế hoạch đã đề ra một số nhiệm vụ chính như: Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030; chỉ đạo các địa phương chủ động ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và thu hút nhiều lao động.

Tập trung giải quyết, xử lý một số vấn đề bức thiết ở địa phương được tổng kết sau 10 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, như: thu gom và xử lý chất thải, nước thải, cung cấp nước sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ thông tin…

dak-lak-bao-ve-moi-truong-xay-dung-nong-thon-xanh-sach-dep-1
Đắk Lắk xây dựng nông thôn mới xanh-sạch-đẹp

Ngoài ra, các địa phương căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, để chủ động lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình năm 2021.

Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nổi các vùng, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển kinh tế nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; Giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và quốc phòng trên địa bàn nông thôn.

Đặc biệt là tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, nhất là việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và quản trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tập trung hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực….

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, hướng dẫn việc thực hiện các tiêu chí số 17 về Môi trường và An toàn thực phẩm, nhất là nước thải, các chất thải trong nông thôn và các điểm thu gom, xử lý rác thải ở các xã; Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện tiêu chí số 17 về Ban Chỉ đạo tỉnh theo quy định.


Theo Phạm Oanh/ dttg.baotainguyenmoitruong.vn