Hà Nội cần những gạch nối hiện tại với xưa cũ nghìn năm

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/6/2021 | 2:41:04 PM

Ngã tư Cát Linh - Giảng Võ là một trong những nơi có thể bắt gặp vẻ xưa cũ của Hà Nội qua chiếc ống khói đã trên 100 năm tuổi vẫn sừng sững ngay cạnh nét đẹp “tân thời” của phố phường. Đặc biệt hơn, nhà ga hiện đại của tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - ga Hà Nội đang dần hình thành tại khu vực này.

Chứng tích lịch sử

Mỗi lần qua ngã tư Cát Linh - Giảng Võ, nếu có dịp, tôi lại vòng vèo mãi quanh cái ống khói xây bằng gạch đỏ gắn bó với tuổi thơ của mình - cái thuở "tắm mưa” cũng qua đây nhặt mẩu gạch thải về mài thành viên bi, hay nhặt mấy mẩu ngói mỏng chạy ra cái ao đối diện ném thia lia. Rồi nhớ một thời lâu lắm, khi phố Cát Linh là phố bán gạch ngói, thiết bị nhà vệ sinh, nhà tắm; Nhật Tân là phố bán thịt chó. Sự đổi thay của hai con phố này có lẽ đủ để khái quát được quá trình Hà Nội chuyển mình từ thời kỳ bao cấp sang đổi mới trong vài thập kỷ.

Chiếc ống khói cao 50m nằm trong khuôn viên khách sạn Pullman Hanoi (trước kia là khách sạn Horizon) là một chứng tích lịch sử của Hà Nội, đánh dấu thời điểm Việt Nam đã bước vào thời đại công nghiệp đầu thế kỷ XX. Nó không kỳ vĩ, đập vào mắt mọi người như một chiếc cột "chống trời”, mà chỉ bền bỉ đứng đó như một chứng nhân lưu giữ lại yếu tố văn hóa và lịch sử cho không gian phố, lặng lẽ chứng kiến sự phát triển của đô thị.

Ống khói xưa xây bằng gạch đỏ nằm trong khuôn viên khách sạn Pullman Hà NộiỐng khói xưa xây bằng gạch đỏ nằm trong khuôn viên khách sạn Pullman Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Vị trí khách sạn Pullman Hanoi, trước đây là Nhà máy gạch Tám Ngói hay La Tuilerie Tonkinoise. Nhà máy được trang bị máy ép khuôn để sản xuất gạch và ngói; có hai ống khói cao 50m, được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu để hút không khí vào đường hầm đôi của lò nung, mỗi hầm dài 100m. Nhà máy được xây dựng bởi ông Nguyễn Văn Giệm, hay còn gọi là Năm Giệm. Trong thời kỳ hưng thịnh, hơn 600 công nhân đã làm việc tại đây. Nhà máy đã từng ngừng hoạt động trong thế chiến thứ II và hoạt động trở lại vào năm 1956, rồi sau này trở thành một DN Nhà nước.

Bước sang thời kỳ đổi mới, nhà máy và phần đất được đầu tư bằng nguồn vốn FDI nước ngoài để xây dựng thành một trong các khách sạn 5 sao đầu tiên của Hà Nội nhưng vẫn giữ lại một ống khói. Trong đồ án xây dựng khách sạn, các nhà thiết kế đã từng có ý định phá hủy cả hai chiếc ống khói của nhà máy gạch. Rất may là cuối cùng "chứng tích lịch sử” được giữ lại để trang trí cho khách sạn do bắn bên phá dỡ, sau khi phá xong cái thứ nhất, thì đặt giá quá cao cho cái còn lại. Có lẽ đây cũng là cái "duyên” chứ chả phải sự cố gắng của con người.

Ngày nay, chiếc ống khói hơn trăm tuổi trông thật nhỏ bé và giản dị so với những tòa nhà bề thế hay vẻ lộng lẫy, phồn hoa của Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng chứng tích này lại góp phần không nhỏ khiến khách sạn Pullman Hanoi được nhiều người biết đến, đặc biệt với những ai trót yêu Hà Nội muốn giữ được đẹp xưa cũ trong lòng TP, nơi chứa đựng cả các yếu tố văn hóa lẫn lịch sử trong cùng một không gian.

Những giá trị vô giá

Có ông Tây tên là Martin Rama chiến đấu không mệt mỏi cho việc bảo tồn Hà Nội cổ. Anh có cuốn sách ảnh "Hà Nội một chốn rong chơi” do anh chụp và viết, khi thực hiện dự án "Sustainable Urban Development in Hanoi - Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội” do chính anh khởi xướng và chủ trì. Dự án nhằm cố vấn cho TP làm sao phát triển cái mới và bảo tồn cái cũ. Ai trót yêu Hà Nội như Martin đều thích làm thế nào giữ được vẻ đẹp Á Đông pha trộn với kiến trúc Pháp, vẻ củ hành của Nga, cổ Trung Hoa và đôi chút của nền văn minh lúa nước thò thụt thấp cao, trong lòng TP...

Ngày nay, Hà Nội nói riêng và các TP châu Á nói chung đã có những bước phát triển thần tốc, nhiều trung tâm thương mại được xây dựng nhưng vẫn thiếu một khu trung tâm thương mại đẳng cấp, có thể kết hợp việc mua sắm với các yếu tố văn hóa và lịch sử trong cùng một không gian. Ở London (Anh) có khu Vườn Covent, San Francisco (Mỹ) có khu vực Ghirardelli tuyệt đẹp.

Nhiều nhà đầu tư thấy phá nhà cũ đi xây mới là cách rẻ nhất và theo được ý của người có tiền. Nhưng những giá trị văn hóa ẩn chứa trong từng viên gạch hay bức tường có hàng trăm năm tuổi lại không thể tính được bằng tiền. Theo Martin Rama, một nguyên tắc quan trọng cần phải đặc biệt lưu ý đó là phải ưu tiên tái định cư tại chỗ cho cư dân gốc của Hà Nội. Ông cho rằng, Hà Nội vốn hấp dẫn và độc đáo không chỉ bởi sự đặc sắc trong kiến trúc, cảnh quan… mà còn bởi chính cư dân. Mỗi người dân Hà Nội đã là một thực thể văn hóa có sức hút rất lớn, giá trị này sao có thể tính được bằng tiền...

Trở lại với Pullman Hanoi và chiếc ống khói già bền bỉ, tôi thầm ao ước, giá như các nhà đầu tư đều như chủ khách sạn này, hiểu thế nào là yếu tố văn hóa và lịch sử trong cùng một không gian để bên cạnh việc xây dựng công trình mới vẫn bảo tồn vài nét đặc trưng xưa cũ. Hiện tại, nhà ga ngầm Cát Linh của tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội, có lối lên xuống cạnh khách sạn Pullman trên phố Cát Linh đang được xây dựng và dần hình thành. Chúng ta, những người dân Thủ đô và du khách hoàn toàn có thể tới Pullman bằng tàu điện ngầm mang phong cách Pháp và hy vọng rằng 100 năm sau vẫn còn đó cột ống khói lịch sử.

Với một công trình ĐSĐT khác, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, du khách quốc tế có thể đi thẳng từ sân bay Nội Bài đến hồ Hoàn Kiếm, kết nối từ nơi hiện đại đến nơi "linh thiêng và hào hoa”. Trên tuyến ĐSĐT đó có ga ngầm C9 (ga Hoàn Kiếm) sẽ là gạch nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai góp phần xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến, sáng - xanh - sạch - đẹp... Việc xây dựng ga tàu điện ngầm tại khu vực hồ Hoàn Kiếm không chỉ phát triển hạ tầng giao thông vận tải, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đó còn là một con đường để đưa du khách bốn phương đến với trái tim Thủ đô, là gạch nối hiện tại với những giá trị văn hiến nghìn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
-------------------------------
Câu chuyện cột ống khói tồn tại khi xây dựng một công trình bề thế là một thí dụ điển hình cho thành công của cách tiếp cận đầy trân trọng quá khứ. Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, trải qua bề dày lịch sử chúng ta có vô vàn câu chuyện như thế, các di sản mang trong mình những lớp trầm tích văn hóa lịch sử cần được nâng tầm và mang lại cho nó một màu sắc mới theo thời gian.

LÊ TRUNG HIẾU 
Phó trưởng ban Quản lý ĐSĐT HÀ NỘI 
Nguồn: Kinh tế đô thị