Bảo vệ các loài động vật hoang dã vì ‘ngôi nhà chung' đa dạng sinh học

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/3/2021 | 3:32:35 PM

QLMT - Ngày động vật, thực vật hoang dã thế giới (3/3) là dịp để truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thế giới động vật, thực vật hoang dã, từ đó góp phần bảo tồn nền tảng đa dạng sinh học.

bao-ve-cac-loai-dong-vat-hoang-da-vi-ngoi-nha-chung-da-dang-sinh-hoc-1
Cá thể rái cá thuộc nhóm 1B bị giam nhốt trong lồng sắt được chủ gian hàng Yên Tâm ở chợ nông sản trá hình Thạnh Hóa, tỉnh Long An rao bán trái phép trong năm 2020 với giá 10 triệu đồng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ra đời cách đây gần một thập kỷ, Ngày động vật, thực vật hoang dã thế giới (3/3) có ý nghĩa đặc biệt để truyền cảm hứng cho cộng đồng về vấn đề bảo tồn, từ đó cùng nhau bảo vệ thế giới động vật, thực vật hoang dã - nền tảng quan trọng của đa dạng sinh học.

Sự kiện "Ngày động vật, thực vật hoang dã thế giới” cũng là dịp để các quốc gia cùng lên kế hoạch hành động cho sự sống của các loài hoang dã, bởi theo báo cáo của Liên hợp quốc, sự tuyệt chủng của các loài hoang dã đang tăng với tốc độ chưa từng thấy, trong đó mối đe dọa lớn nhất xuất phát từ nhu cầu của con người.

Tại Việt Nam - một trong 16 quốc gia có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học cao nhất thế giới, trong khoảng thời gian gần 3 thập kỷ qua, mặc dù các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường được thực hiện ngày càng mạnh mẽ nhưng trên thực tế tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên sinh học vẫn bị khai thác quá mức, thiếu quy hoạch đã dẫn đến việc đa dạng sinh học không ngừng bị suy giảm.

Nhiều loài động vật, thực vật, nhất là các loài quý, hiếm đã trở nên tuyệt chủng ngoài tự nhiên hoặc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự suy giảm nghiêm trọng đó là do việc săn bắt, buôn bán và tiêu thụ không bền vững các sản phẩm từ động vật hoang dã quý, hiếm như: sừng tê giác, ngà voi, vảy têtê, cao hổ, mật gấu, đặc biệt là các loài chim di cư.

Điều đáng nói là, tình trạng săn bắt, giết hại, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh dịch từ động vật sang người như: lao, dại, sốt rét hay bệnh ký sinh trùng do toxoplasma gondii gây ra.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoảng 60% bệnh dịch lây nhiễm ở người xuất phát từ động vật. Con số trên đã tăng lên thành 75%, với những dịch bệnh đáng lo như Ebola, HIV, cúm gia cầm, Zika, dịch hạch…

Thực tế trên cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập trong Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường công tác quản lý các loài chim hoang dã di cư tại Việt Nam” - sau khi một số báo chí, đặc biệt là Báo Điện tử VietnamPlus đã liên tiếp đăng tải 3 loạt bài phóng sự điều tra về tình trạng săn bắt, giết hại, buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp các loài chim hoang dã bất chấp tình hình dịch bệnh, ở chợ nông sản trá hình Thạnh Hóa, tỉnh Long An (nơi được xem là "vùng đặc khu buôn bán chim trời” lớn nhất cả nước tồn tại hơn 10 năm qua); hay tình trạng bẫy bắt, giết hại, buôn bán chim hoang dã di cư ở quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) trong suốt 20 năm qua.

Nội dung dự thảo Chỉ thị nêu rõ: Trong thời gian qua, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã di cư diễn ra nghiêm trọng tại một số địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh và các cam kết quốc tế về Đối tác đường bay chim di cư tuyến Australia-Đông Á (EAAFP) mà Việt Nam là thành viên... Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam vẫn còn thiếu các chính sách, pháp luật phù hợp để quản lý bảo tồn các loài chim hoang dã di cư và các vùng chim quan trọng dẫn đến hoạt động săn bắt, tật diện, môi trường sống bị suy thoái, làm giảm số lượng các loài chim hoang dã di cư đến Việt Nam.

Vì thế, ngăn chặn, chấm dứt nạn săn, bắt tận diệt các loài chim hoang dã di cư là việc làm cấp thiết để bảo tồn các loài hoang dã cũng như cân bằng sinh thái, môi trường, an toàn sức khỏe con người và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

bao-ve-cac-loai-dong-vat-hoang-da-vi-ngoi-nha-chung-da-dang-sinh-hoc-2
Đảo Cát Bà dần vắng bóng chim trời do vấn nạn bẫy bắt, giết hại chim hoang dã di cư suốt 20 năm qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện dự thảo Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý các loài chim hoang dã di cư tại Việt Nam đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Quay trở lại với sự kiện "Ngày động vật, thực vật hoang dã thế giới” năm 2021, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus ở góc độ cá nhân, một lãnh đạo của Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết năm nay không có chương trình riêng cho ngày 3/3, bởi đã có rất nhiều sự kiện, tuyên bố của Liên hợp quốc trong các diễn đàn. Dù vậy, việc tuyên truyền về việc cấm săn bắt, buôn bán các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm vẫn được triển khai thường xuyên.

Trong thời gian vừa qua, ngoài việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về "tăng cường công tác quản lý các loài chim hoang dã di cư tại Việt Nam,” Bô Tài nguyên và Môi trường cũng đã có các văn bản gửi các bộ, ngành và các địa phương như: đề nghị chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; ngăn chặn nạn săn, bắt, tận diệt các loài chim hoang dã di cư…

Ngoài ra, hiện nay, một năm còn có rất nhiều ngày lễ quốc tế dành cho các loài động vật. Mỗi ngày nhắc từng loài vật cụ thể như: Ngày quốc tế ngựa vằn, Ngày cá voi, Ngày rùa biển thế giới, Ngày quốc tế loài hổ, Ngày quốc tế chim di cư… Vì thế, để tránh dàn trải, năm nay, các sự kiện liên quan sẽ được tập trung cho ngày lễ chính là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) - ngày lễ do Liên Hiệp Quốc lập ra để xúc tiến các vấn đề đa dạng sinh học, thế giới của các loài động vật hoang dã./.

Ngày 20 tháng 12 năm 2013, phiên họp lần thứ 68 của Đại Hội đồng liên hợp quốc đã thông qua tuyên bố chọn ngày Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) được ký kết năm 1973, ngày 3 tháng 3 là "Ngày động vật, thực vật hoang dã thế giới” nhằm mục đích nâng cao nhận thức công chúng về thế giới động vật, thực vật hoang dã.

Nghị quyết của Đại Hội đồng liên hợp quốc quy định, Ban thư ký CITES là Cơ quan thúc đẩy sự kiện này ở cấp độ toàn cầu. Ngày nay, sự kiện "Ngày động vật, thực vật hoang dã thế giới” đã trở thành sự kiện quan trọng nhất ở cấp độ toàn cầu để ghi nhận vai trò quan trọng của thế giới hoang dã đối với con người./.

bao-ve-cac-loai-dong-vat-hoang-da-vi-ngoi-nha-chung-da-dang-sinh-hoc-3
Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)


Theo Hùng Võ (Vietnam+)