Những bước tiến mới trong tránh thai nam giới

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/3/2021 | 4:37:37 PM

QLMT - Trong thập kỷ qua, việc phát triển các biện pháp tránh thai dành cho nam giới đã bị chững lại, tuy nhiên một số nghiên cứu sơ bộ mới đây cho thấy nhiều hứa hẹn.


Hình ảnh hiển vi điện tử quét quá trình sản xuất tinh trùng. Trong hình: Đầu tinh trùng (xanh lá cây) và đuôi (xanh lam). Ảnh: Susumu Nishinaga / SPL

Vào tháng 6/2020, khi Đại học California, Davis (Mỹ) thông báo tuyển các cặp đôi dị tính tham gia một nghiên cứu lâm sàng quốc tế thử nghiệm gel tránh thai dành cho nam giới, các nhà nghiên cứu đã bị bất ngờ. "Chuông điện thoại rung liên tục vì mọi người đều muốn tham gia”, Richard Anderson, một trong những nhà nghiên cứu chính của dự án và hiện là chuyên gia sức khỏe sinh sản tại Đại học Edinburgh (Anh), cho biết.

Nhu cầu tránh thai của nam giới là có thật. Một cuộc khảo sát toàn cầu của Viện nghiên cứu Guttmacher cho thấy, 48% trường hợp mang thai trên thế giới trong giai đoạn 2015-2019 là ngoài ý muốn, mặc dù hiện đã có một loạt các lựa chọn tránh thai.

Diana Blithe, người đứng đầu Chương trình phát triển các biện pháp tránh thai tại Viện Quốc gia về Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người Hoa Kỳ (NICHD), cho rằng nhiều nam giới muốn thử các biện pháp tránh thai thay thế cho việc dùng bao cao su và thắt ống dẫn tinh. "Các khảo sát cho thấy khoảng 60% nam giới nói rằng họ quan tâm đến vấn đề này”, bà cho biết.

Loại gel trong thử nghiệm trên kết hợp hai loại hormone testosterone và segesterone acetate (được bán trên thị trường dưới tên Nestorone) đang ở giai đoạn thử nghiệm tính hiệu quả trong hơn 5 năm, mang lại tia hy vọng hiếm hoi sau nhiều thập kỷ lĩnh vực tránh thai cho nam giới bị chững lại.

Ngưỡng vô sinh: 1 triệu tinh trùng

Thuốc tránh thai nội tiết ngăn rụng trứng đã biến đổi sức khỏe sinh sản và tự do của phụ nữ. Theo một cách tương tự, phần lớn các nỗ lực liên quan đến biện pháp tránh thai nam giới đều nhằm mục đích ngăn chặn việc sản xuất tinh trùng.

Trong những năm 1980 và 1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã giám sát các cuộc thử nghiệm dùng testosterone để tránh thai. Mặc dù testosterone được biết đến như một chất thúc đẩy việc phát triển các đặc điểm tính dục nam giới, nó cũng có thể ngăn chặn việc giải phóng các hormone tuyến yên kích thích sản xuất tinh trùng.

Năm 1996, các nhà khoa học của WHO báo cáo, trong một nghiên cứu thuần tập (cohort study) – tức chọn ra một nhóm đối tượng có cùng một đặc tính nào đó và quan sát họ theo thời gian – tới 98% trong số 399 người đàn ông được tiêm testosterone đã giảm đáng kể lượng tinh trùng và 70% không phát hiện bất kì tinh trùng nào. Trong nhóm 70%, không một trường hợp thụ thai nào được ghi nhận; còn trong nhóm có lượng tinh trùng giảm, chỉ có 4 trường hợp thụ thai được báo cáo.

Tuy nhiên, testosterone liều cao có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn liên quan đến thay đổi tâm tính, tăng cân và nồng độ cholesterol. Do vậy, các nghiên cứu tiếp theo đã kết hợp testosterone với các hormone liên quan đến sinh dục nữ là progesterone.

Trong cơ thể, progesterone ức chế việc giải phóng các hormone tuyến yên, nhưng cũng ngăn chặn việc sản xuất testosterone - do đó, phải bổ sung testosterone để duy trì sự cân bằng hormone bình thường.

Theo kết quả của nghiên cứu, gần 96% nam giới đạt mục tiêu giảm số lượng tinh trùng. Bạn đời của những người đàn ông này rất ít dính bầu, đó là một kết quả lớn. Thật không may, nghiên cứu này bị kết thúc sớm vì mối lo ngại về một số tác dụng phụ, chủ yếu liên quan đến thay đổi tính khí thất thường và bị đau khi tiêm.

Bà Christina Wang, bác sĩ nội tiết tại Trung tâm Y tế Harbour-UCLA ở Torrance, California, từng làm cố vấn cho WHO, xót xa về việc chấm dứt nghiên cứu. Bà chỉ ra rằng vấn đề chủ yếu là do báo cáo không nhất quán về tác dụng phụ ở các cơ sở thử nghiệm khác nhau.

"Hơn 90% lời phàn nàn đến từ một cơ sở”, bà cho biết. Cơ sở này đã từng phải đổi người đứng đầu trong thời gian thực hiện. Nhưng lo ngại đã khiến WHO kêu gọi tạm dừng dự án. Wang nhớ lại: "Điều này thực sự gây tranh cãi. Họ đã dừng nghiên cứu mà không tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu chính hoặc những người quản lý dự án, hoặc từ phía dữ liệu độc lập và ban kiểm tra an toàn.”

Dù không dẫn đến bất kỳ chấp thuận lâm sàng nào, thử nghiệm này và nhiều thử nghiệm khác đều đã đem lại một số bài học quý giá. Chẳng hạn, rõ ràng phương án dừng hoàn toàn quá trình tạo tinh trùng là không thực tiễn, do vậy các nhà nghiên cứu cần xác định một ngưỡng giới hạn để đàn ông có thể trở nên vô sinh một cách hiệu quả.

Thông thường, đàn ông có khả năng sinh sản lúc xuất tinh chứa khoảng 15 triệu tinh trùng/ml dịch. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy, nếu giảm con số này xuống khoảng 1 triệu tinh trùng/ ml là đủ để tránh thai, tức mang lại hiệu quả tổng thể tương đương với viên thuốc tránh thai của nữ giới.

Nhưng các nhà nghiên cứu cũng phát hiện, một số người đàn ông mất nhiều thời gian để đạt được ngưỡng 1 triệu tinh trùng này hơn so với người khác. "Có những người chỉ mất 2-4 tuần, có những người phải mất 16-20 tuần”, theo Diana Blithe.

Hi vọng từ thử nghiệm tránh thai mới

Trước đây, một nghiên cứu về kết hợp giữa testosterone undecanoate và norethisterone enanthate đã được công ty dược phẩm Schering AG (Đức) hỗ trợ thực hiện cho đến khi hãng này bị công ty Bayer (Đức) mua lại. Họ ngừng đầu tư cho dự án, bỏ lại lĩnh vực này mà chưa đạt được thành công rõ ràng nào.

Cũng không có thêm công ty dược lớn nào đang thực hiện các chương trình R&D về tránh thai cho nam giới, bởi vậy, các nhà khoa học rất phấn khích trước thử nghiệm phương pháp tránh thai kết hợp giữa testosterone và Nestorone do Viện Quốc gia về Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người Hoa Kỳ và tổ chức phi lợi nhuận Population Council ở thành phố New York hỗ trợ.

Cả hai chất testosterone và Nestorone đều không thể uống nhưng có sẵn dưới dạng gel bôi hấp thụ qua da. Anderson cho biết, Nestorone là một loại progestogen đặc biệt mạnh và có thể duy trì hoạt động trong mạch máu lâu gấp đôi so với testosterone vốn phải được cung cấp hằng ngày. Do vậy, đó là một cơ chế an toàn tích hợp nếu chẳng may người dùng bỏ lỡ một liều, Anderson nói thêm.

Thử nghiệm ban đầu cho thấy 84% nam giới sử dụng hai loại chất kết hợp này đã giảm lượng tinh trùng xuống dưới 1 triệu tinh trùng/ml trong vòng 28 ngày và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận. Bên cạnh đó, gel bôi da cũng được ưa chuộng hơn so với các loại tiêm bắp, vốn là một trong những lý do khiến nam giới bỏ sử dụng các biện pháp tránh thai.

Cuộc thử nghiệm giai đoạn II dự kiến sẽ có 400 cặp dị tính tham gia, đến từ Mỹ, Châu Âu, Nam Mỹ và Châu Phi. Việc tuyển ứng viên bị tạm dừng bởi đại dịch COVID-19 nhưng hiện đã hoàn thành được một nửa và đang cập nhật những dữ liệu đầu tiên. Đã có những cặp đôi vừa hoàn thành một năm sử dụng biện pháp tránh thai bằng gel. Anderson cho biết thêm, đến nay dữ liệu về tính hiệu quả "rất đáng khích lệ".

Dự án còn 200 suất tuyển cặp đôi, và mỗi cặp được nghiên cứu kéo dài trong khoảng 18 tháng, do vậy sẽ còn nhiều thời gian để xem xét bằng chứng về tính hiệu quả của phương pháp tránh thai này.

Những biện pháp khác ngoài liệu pháp hormone

Nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ các biện pháp tránh thai sử dụng hormone nhắm đến quá trình sản xuất, thực hiện chức năng hoặc giải phóng tinh trùng vì họ đã có hiểu biết rõ ràng về các hệ thống liên quan đến hormone, chẳng hạn như tác dụng phụ của chúng.

Nhưng hormone không phải là hướng duy nhất. Các biện pháp tránh thai không sử dụng hormone có thể cung cấp giải pháp thay thế trực tiếp và hiệu quả nhanh hơn so với hormone, tuy nhiên chúng lại mang đến những rủi ro mới.

Vào những năm 1980, hợp chất gossypol có nguồn gốc thực vật được phát hiện có khả năng ngừa thai trong các thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc. Mặc dù vậy, tác dụng tiêu diệt tinh trùng của nó được chứng minh là không thể đảo ngược được ở khoảng 20% nam giới. Một số ít người thử nghiệm cũng trải qua những đợt tê liệt cơ bắp.

Bất chấp vấn đề đó, một số biện pháp hứa hẹn không sử dụng hormone đang xuất hiện. Chẳng hạn, một số đang nhắm đến axit retinoic, một hợp chất được sản xuất từ vitamin A giúp thúc đẩy quá trình sinh tinh. Gunda Georg, nhà hóa dược học tại Đại học Minnesota, cho biết: "Từ lâu, người ta đã biết rằng nếu cho chuột ăn theo chế độ thiếu vitamin A, chúng sẽ trở nên vô sinh.” Bà đang phát triển triển những chất kìm hãm tổng hợp axit retinoic.

Nhà nội tiết học John Amory tại Đại học Washington chỉ ra rằng những nỗ lực ban đầu để ngăn chặn việc tổng hợp axit retinoic cũng đã ngăn loại enzyme chịu trách nhiệm chuyển hóa rượu, dẫn đến việc những người uống rượu bị ốm nặng. Từ đó, nhóm của ông thiết kế một số ứng viên thuốc có khả năng ngăn chặn việc sản xuất axit retinoic mà không gây các hiệu ứng ngoài mục tiêu như vậy.

Một số công ty khởi nghiệp đang đầu tư vào những chiến lược không dùng hormone. Georg đã giới thiệu với một số công ty về nghiên cứu hợp chất làm giảm khả năng vận động của tinh trùng do bà nghiên cứu. "Ta có thể hình dung nó như một dạng tránh thai cho nam giới, nhưng cũng có thể làm tránh thai cho nữ giới - ví dụ như một dạng gel bôi trơn âm hộ,” bà nói.

Tổ chức Sáng kiến Tránh thai Nam giới có trụ sở tại Durham, Bắc Carolina, cũng đã tài trợ cho một nghiên cứu về các loại thuốc không chứa nội tiết tố. Họ đang hỗ trợ một số chương trình thương mại đầy hứa hẹn. Ví dụ, hai doanh nghiệp Revolution Contratives có trụ sở tại California và Contraline có trụ ở tại Virginia đã phát triển các sản phẩm chặn dòng tinh trùng qua ống dẫn tinh một cách cơ học.

"Cả hai doanh nghiệp đều có dữ liệu thử nghiệm trên động vật đầy hứa hẹn”, Logan Nickels, giám đốc nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến Tránh thai Nam giới, nhận xét. Tuy vậy, ông lưu ý rằng, vẫn chưa đủ dữ liệu để chứng minh khả năng đảo ngược tác dụng chặn tinh trùng của các loại thuốc này ở động vật hoặc con người, nếu đối tượng sử dụng muốn ngừng tránh thai.

Nickels cũng rất hào hứng với một công ty mang tên Eppin Pharma có trụ sở ở North Carolina. Công ty này đã phát triển được một loại thuốc viên có thể ức chế khả năng di chuyển của tinh trùng, thử nghiệm trên một mô hình linh trưởng không phải người, và cho biết có thể đảo ngược được quá trình ức chế đó.

Đột phá của bất kỳ nhà nghiên cứu hay công ty nhỏ nào cũng có thể đánh thức sự quan tâm của các hãng dược phẩm lớn. Nickels không coi cuộc đua hiện tại là trò chơi có tổng bằng không.

Tiến bộ trong các biện pháp tránh thai dành cho nam có vẻ chậm chạp, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều nam giới và phụ nữ đều muốn tìm giải pháp thay thế cho bao cao su.

Bình đẳng cơ hội bắt đầu từ các biện pháp tránh thai

Martha Bailey - giáo sư kinh tế ở ĐH California, Los Angeles, và nghiên cứu viên tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ - cho rằng việc cung cấp quyền tiếp cận các biện pháp kiểm soát sinh sản miễn phí cho tất cả mọi người sẽ giúp tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng hơn.

Trong số 6 triệu ca mang thai mỗi năm ở Mỹ, gần một nửa là ngoài ý muốn. Những trường hợp này nhiều khả năng xảy ra ở phụ nữ độc thân và ít học. Sau khi sinh, các bà mẹ này có xu hướng nghỉ thai sản ngắn hơn, ít có thời gian và tài chính để nuôi con hơn. Con cái ở các gia đình có thu nhập thấp và thu nhập cao sẽ có quỹ đạo sống rất khác nhau, làm gia tăng khoảng bất bình đẳng về kinh tế vốn đã rộng giữa các tầng lớp.

Các nhà kinh tế thường đưa ra 3 cách lý giải về việc tại sao phụ nữ Mỹ không sử dụng các biện pháp tránh thai tốt hơn để ngăn việc mang thai ngoài ý muốn.

Thứ nhất, những cảm xúc mâu thuẫn về việc mang thai - liên quan đến kinh tế, văn hóa hoặc niềm tin tôn giáo - khiến nhiều trường hợp phụ nữ vẫn quyết định sinh con ngoài ý muốn.

Thứ hai, nhiều phụ nữ có mong muốn tránh thai tuy nhiên lại không được đơn vị cung cấp dịch vụ y tế tư vấn hoặc đưa ra đầy đủ thông tin về các biện pháp tránh thai.

Thứ ba, chi phí người dân phải trả thêm cho các biện pháp tránh thai vẫn còn tương đối cao, đặc biệt với những phụ nữ vốn gặp khó khăn về mặt tài chính. Điều này liên quan nhiều đến các gói bảo hiểm y tế, đạo luật chăm sóc sức khỏe và phân bổ ngân sách công tại nước sở tại.

Ở hầu hết các quốc gia có thu nhập cao, chính phủ thường cung cấp các biện pháp tránh thai miễn phí hoặc giá rẻ. Không ít nghiên cứu chỉ ra rằng ở những nơi người mẹ được tiếp cận với các chương trình trợ cấp kế hoạch hóa gia đình, trẻ em sinh ra sẽ ít phải sống trong cảnh bần hàn hoặc phải nhận trợ cấp. Chúng thường hoàn thành được nhiều chương trình đào tạo hơn, kiếm được mức lương cao hơn và có thu nhập gia đình cao hơn trong nhiều thập kỷ sau đó.

Do vậy, Bailey kêu gọi phải "trao quyền cho phụ nữ trong việc lập kế hoạch mang thai của mình" bởi đó không chỉ là công bằng sinh sản mà còn là việc mở rộng cơ hội cho thế hệ tiếp theo.


Theo Trang Linh/ Khoa Học & Phát Triển