Đôi điều về định hướng phát triển Kiến trúc trong giai đoạn mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/2/2021 | 8:39:12 AM

QLMT - Xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vẫn là cái đích mà chúng ta phải đến, cho dù con đường đó không phải là dễ dàng.

doi-dieu-ve-dinh-huong-phat-trien-kien-truc-trong-giai-doan-1
Ảnh: Internet

1 Vừa qua, bằng Quyết  định  số 1136/QĐ-BXD ngày 25/8/2020, Bộ Xây dựng đã chính thức khởi động soạn thảo Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050, với Ban soạn thảo là các nhà quản lý và chuyên gia kiến trúc đầy kinh nghiệm của Bộ Xây dựng và cả của Hội KTS Việt Nam. Đây là công việc hệ trọng, liên quan, góp phần quyết định đến sự phát triển của nền Kiến trúc dân tộc trong thời kỳ phát triển mới của Đất nước với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là 4.0).

Tôi nhấn mạnh đến cụm từ "nền Kiến trúc dân tộc”, bởi thế giới ngày hôm nay là thế giới phẳng  (với sự phát triển của Internet và mạng xã hội), các quốc gia hội nhập rất sâu rộng và cởi mở trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau,  hai bên  cùng  có lợi, trong  đó có hội nhập  văn hóa. Văn hóa bản địa, bản sắc văn hóa dân tộc được thế giới đề cao và vinh danh. Nhưng cũng chưa bao giờ văn hóa ngoại lai có điều kiện dễ dàng xâm nhập, chèn ép, làm phai nhạt bản sắc văn hóa, bản sắc kiến trúc như bây giờ.

Với Việt Nam, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu chính trị mà Đảng ta đã đề ra cho phát triển văn hóa, văn nghệ  bắt đầu từ cách đây 78 năm với Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) và đặc biệt, là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII cách đây 23 năm về xây dựng nền  văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm  đà bản  sắc dân  tộc (1998) và được làm rõ hơn, sâu sắc hơn trong  Nghị quyết 33 khóa XI về xây dựng  và phát  triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát  triển bền vững đất nước (2014). 

V ì thế, phải chăng, xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vẫn là cái đích mà chúng  ta phải đến, cho dù con đường  đó không phải là dễ dàng. Định hướng sắp tới sẽ phải đặt ra được các giải pháp cụ thể, kế hoạch cụ thể để thực hiện, chứ không phải là một bản định hướng chung  chung, trách nhiệm chung chung  mang  tính khẩu hiệu, kêu gọi rồi cuối cùng không biết cơ quan nào, tổ chức nào chịu trách nhiệm. 

Còn nhớ, cách đây 19 năm, ngày 03/9/2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 112/2002-TTg phê duyệt Định hướng  phát  triển Kiến trúc Việt Nam đến  2020. Trong nội dung  quyết  định có mục tiêu tổng  quát  là "nâng cao chất lượng kiến trúc, tạo lập môi trường cư trú bền vững, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế-xã hội trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình hình thành và phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.” và quan điểm "Kiến trúc phục vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Phát triển kiến trúc phải phù hợp với đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; phù hợp với điều kiện tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái; phục vụ nhân dân, coi trọng lợi ích của toàn xã hội; áp dụng có chọn lọc các tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại và thích hợp; đảm bảo kiến trúc phát triển bền vững”.

Chính vì thế, cần đặt ra câu hỏi, vì sao sau 20 năm thực hiện Định hướng  này, mà đến hôm nay lại chưa có một tổng kết nghiêm túc, khoa học để đánh giá thành công và cả chưa thành công trong việc thực hiện Định hướng mà Thủ tướng đã phê duyệt, để từ đó đề ra cơ sở khoa học xác định mục tiêu và nội dung  mới cho Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam sắp tới.

doi-dieu-ve-dinh-huong-phat-trien-kien-truc-trong-giai-doan-2

Khi khép lại Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam giai đoạn  2000-2020, thì trong  khoảng  20 năm đó, đất nước ta đã có rất nhiều thay đổi. Tốc độ đô thị hóa đạt gần 40%; hệ thống  đô thị phát  triển với khoảng  840 đô thị lớn nhỏ trải khắp từ Đông sang Tây, từ biên giới phía Bắc đến cực Nam của Tổ quốc. Chương trình nông thôn mới hoàn thành trước 2 năm, làm thay đổi diện mạo một phần khu vực nông thôn theo hướng hiện đại hóa và công nghiệp xanh, nâng cao thu nhập đời sống nông dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và đô thị. Kiến trúc nhà ở phát triển đáp ứng phần nào nhu cầu cấp bách về chỗ ở của nhân dân, đặc biệt là người thu nhập thấp ở đô thị và các khu công nghiệp. Các khu đô thị mới do các doanh  nghiệp  BĐS tư nhân  đầu  tư đã đem đến những sắc thái kiến trúc tươi mới, hiện đại cho bộ mặt đô thị. Kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái tiết kiệm năng  lượng, sử dụng  vật liệu thân  thiện với môi trường đã và đang trở thành  hướng phát triển của kiến trúc, của khoa học công nghệ, của ngành vật liệu xây dựng và sáng tác của KTS. Nhưng trong giai đoạn này, đặc biệt là khoảng 10 năm trở lại đây, công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị đã bộc lộ nhiều  bất cập trước biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, tài nguyên  dần cạn kiệt, đặc biệt là quỹ đất, quy hoạch thiếu tính dự báo hoặc dự báo sai, duy ý chí, xa rời thực tiễn phát triển của đời sống xã hội và thiếu kịch bản ứng phó với thiên tai, đại dịch. Sự biến đổi phức tạp của khí hậu đã làm tăng cường độ mưa, bão, lũ ở nước ta, như vừa qua, đã nhấn chìm hàng trăm làng xóm, hàng vạn ngôi nhà ở nông thôn miền Trung chìm trong nước.

Lần đầu tiên, trong vòng 60 năm trở lại đây, thiên tai đã gây ngập  lụt cả một tỉnh là Quảng Bình. Nhiều điểm dân cư vùng núi miền Trung và Bắc bộ bị lũ quét, sạt lở san phẳng như ở Quảng Nam, hay ở Yên Bái cách đây ba năm. Người dân ven sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang  phải đối phó với nước biển dâng, sạt lở bờ kè, đe dọa nhà cửa và cuộc sống. Kiến trúc đô thị manh mún, thiếu bản sắc địa phương. Kiến trúc nhà ở nông thôn bị lãng quên, thậm chí ở nơi này nơi khác, khái niệm "nông thôn mới” bị hiểu bằng việc làm mới kiến trúc nông thôn, đô thị hóa nông thôn, biến nông thôn thành  bãi rác thải của kiến trúc đô thị. Kiến trúc nông thôn truyền thống và văn hóa làng đang đứng trước nguy cơ dần biến mất. Đã xuất hiện ngày càng nhiều cái gọi là "dự án du lịch tâm linh” với việc để tư nhân sử dụng (và cả chiếm dụng) hàng trăm héc-ta đất để tạo ra những quần thể kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng  mới rất to lớn, bề thế, phục vụ mục đích thương mại, xa lạ với kiến trúc tâm linh truyền thống  của dân tộc?!... Các dự án xây dựng resort, nghỉ dưỡng và sân golf phát triển ồ ạt chiếm lĩnh các vị trí có cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất, hấp dẫn du khách nhất rải rác trên suốt hơn 3.000 km bờ biển nước ta, bất chấp những quy luật sinh tồn tự nhiên bền vững của hệ sinh thái biển và lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội, kể cả về an ninh quốc  phòng. Nhiều khu vực rừng nguyên  sinh, rừng phòng hộ, rừng thông cũng bị triệt để khai thác hay chuẩn bị khai thác bằng mọi giá với cái gọi là "đánh thức di sản”, "đánh thức tiềm năng du lịch”, như ở Ba Vì, Tam Đảo, Đà Lạt và một vài nơi khác. Nhiều chủ đầu tư BĐS lớn đã và đang bằng cách này, cách khác can thiệp vào việc "điều chỉnh quy hoạch” của Nhà nước vì mục đích lợi nhuận?! Tất cả những chuyển động đó có tác động sâu sắc đến sáng tạo của KTS và Định hướng phát triển kiến trúc của đất nước.
 

Cũng trong 20 năm qua, dù còn nhiều hạn chế bởi chưa có Luật Kiến trúc, nhiều bất cập trong quản lý kiến trúc, công trình được xây dựng  nhiều, nhưng  hiếm có tác phẩm  kiến trúc... thì cùng với sự phát  triển chung  của đất nước trong nền  nền  kinh tế thị trường  định  hướng  xã hội chủ nghĩa, KTS Việt Nam đã phát  triển mạnh về số lượng và có nhiều thuận lợi hơn trong sáng tác, trong hành nghề. Khoảng mươi năm gần đây, lĩnh vực kiến trúc nội thất (kéo theo nghề kinh doanh  các mặt hàng  nội thất) và kiến trúc cảnh quan  (kéo theo  nghề  trồng  cây cảnh, đá cảnh, thi công bể cả cảnh…) phát triển. 

Luật Doanh nghiệp thông thoáng  cho phép hàng ngàn doanh nghiệp tư vấn kiến trúc ra đời. Rất nhiều KTS trẻ ra trường vài ba năm đã có thể lập công ty riêng và trở thành giám đốc, tổng  giám đốc một cách hoành tráng. Hội nhập quốc tế sâu rộng tạo điều kiện để KTS chúng  ta cọ xát, học hỏi, tranh tài cùng KTS nhiều nước Á, Âu làm việc tại Việt Nam thông qua các cuộc thi tuyển kiến trúc. Kinh tế thị trường bắt buộc KTS phải thích ứng. Việc KTS này, nhóm  KTS kia được các doanh nghiệp tư nhân yêu thích, đích thân mời thực hiện các dự án kiến trúc lớn không qua thi tuyển đã không còn xa lạ. Nhiều KTS đã thành danh, có nhiều tác phẩm được giải thưởng kiến trúc quốc gia và quốc tế. Vai trò của KTS đã được xã hội công nhận. Người dân đã biết tìm đến các văn phòng tư vấn khi xây dựng hay sửa chữa cải tạo ngôi nhà ở của mình. Thậm chí nhiều lúc, nhiều nơi KTS còn được giới truyền thông săn đón chẳng kém các nghệ sĩ nổi tiếng trong giới showbiz.

2 Ngày hôm nay, chúng  ta chuẩn  bị cho ra đời một Định hướng  phát  triển  Kiến trúc  Việt Nam  mới trong  điều kiện thực thi Luật Kiến trúc và các văn bản pháp lý dưới Luật kèm theo như Nghị định, Thông tư…, cùng các nội dung cần thiết phục vụ việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và cả đạo đức nghề nghiệp cho KTS, giúp họ vững tin vượt qua các kỳ sát hạch công bằng, vô tư và nghiêm cẩn (hy vọng là thế) để có trong tay tấm bằng chứng chỉ hành nghề danh giá. Và với việc thực thi Luật Kiến trúc, sự đổi mới trong quản lý nhà nước về kiến trúc, lại có một đội ngũ những KTS hành nghề  tài năng (được lựa chọn qua các kỳ cấp chứng chỉ hành nghề), thì trong tương lai gần (khoảng 10-15 năm hoặc dài hơn nữa), nền Kiến trúc nước nhà liệu có thực sự đổi mới hơn, ngăn  nắp hơn, đàng  hoàng  hơn, đẹp hơn, hiện đại hơn, giàu bản sắc hơn để sánh vai với các nền kiến trúc tiên tiến trên thế giới? Đây là điều xã hội mong đợi, chờ giới KTS trả lời.

Trong Dự thảo Xây dựng Chiến lược phát  triển kính tế- xã hội 10 năm 2021-2030 (có mục tiêu phấn  đấu đến  năm 2030 và 2045) trình Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ "Phát triển nhanh  và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động, tích cực tham  gia cuộc Cách mạng  công nghiệp  lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế, năm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng  cao năng  suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tối đalợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu…”. 

Như vậy có thể thấy, phát triển kiến trúc giai đoạn tới không nằm ngoài quan điểm chỉ đạo của Đảng. Cách mạng 4.0 với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh thiên tai ngày càng khốc liệt do biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu sẽ tác động  rất lớn đến sự hình thành các xu hướng kiến trúc, đến chính sách phát triển và quản lý kiến trúc, đến các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế kiến trúc và trong công tác lập quy hoạch. Sẽ xuất hiện ngày càng nhiều đô thị thông  minh, khu đô thị thông  minh,và cả kiến trúc thông  minh sử dụng  công nghệ  số, trí tuệ  nhân tạo để quản trị, vận hành hoạt động  của đô thị từ quản lý, điều hành hệ thống  giao thông  an toàn; y tế phòng  chống dịch… cho đến các dịch vụ mua bán trực tuyến thay vì đổ xô đến các trung tâm thương mại siêu thị. Công nghệ số và đại dịch cho phép (và cả bắt buộc) người ta làm việc tại nhà hay tại các văn phòng  ảo. Trí tuệ nhân  tạo thay thế nhiều công việc của một công chức, viên chức truyền thống trong lĩnh vực ngân hành, dịch vụ công… và cả trong thiết kế kiến trúc. Các Văn phòng  KTS chỉ với hơn chục người sẽ thay thế các công ty, tập đoàn  tư vấn với hàng  trăm nhân  sự, quản lý cồng kềnh nặng  tính hành  chính như hiện nay. Các kho hàng  của Amazon và E.Bay sẽ dần thay thế các trung tâm thương  mại hiện đại, hoành  tráng  bởi hệ thống  bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nhà với máy bay không người lái, và đội ngũ shipper  chuyên  nghiệp. Các trụ sở công quyền cũng không còn to lớn bề thế như trụ sở các Bộ, ngành  bây giờ (bởi chủ trương giảm biên chế của Nhà nước) và công chức thời 4.0 dù ngồi ở bất kỳ chỗ nào, nơi nào (kể cả ngoài biên giới quốc  gia) cũng  có thể  trao đổi, nhận  nhiệm  vụ, truyền đạt mệnh lệnh hay báo cáo kết quả. Và như thế tiêu chuẩn công sở sẽ phải thay đổi. Hay cả các trung tâm hành chính tập trung liệu sẽ phải trở lại dạng phân  tán cho phù hợp với đại dịch và với điều kiện của nền công nghiệp  4.0. Trong quy hoạch, khái niệm truyền thống theo kiểu "tựa núi - nhìn sông” khi bố trí các điểm dân cư miền núi, vùng nông thôn ven sông, ven biển... liệu có còn giá trị? Hay phát triển đô thị lớn với diện tích đến nghìn ki-lô-mét vuông, số dân vài triệu người liệu có còn phù hợp, hay đây là thời kỳ mà các đô thị vừa và nhỏ lên ngôi.

3 Bài viết của tôi chỉ là những  gợi ý rất nhỏ bàn về một cái rất lớn là Định hướng  phát  triển của một nền kiến trúc. Sẽ còn rất nhiều vấn đề phải bàn khi xây dựng Định hướng với mục tiêu là xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại giàu bản sắc văn hóa dân tộc như các Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ, với một đội ngũ các KTS tài năng sánh ngang  cùng kiến trúc thế giới trong  vài ba chục năm nữa. Nếu vậy thì, theo tôi, tại sao không xây dựng một Chiến lược phát triển Kiến trúc Việt Nam đến 2030 hay 2045, có chỉ tiêu rõ ràng để phấn đấu, thay vì lặp lại Định hướng phát triển Kiến trúc chung chung như vừa qua.

KTS PHẠM THANH TÙNG - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam

Theo Tạp chí Xây dựng