Chủ động quản lý, bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2021 | 8:32:08 AM

QLMT - Năm 2020, năm kết thúc của nhiệm kỳ 2016 - 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ TN&MT, sự nỗ lực của Tổng cục Môi trường, các cấp, ngành liên quan, địa phương, tổ chức và người dân, công tác quản lý, BVMT đã đạt những kết quả tích cực trên nhiều mặt

Năm 2020, năm kết thúc của nhiệm kỳ 2016 - 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ TN&MT, sự nỗ lực của Tổng cục Môi trường, các cấp, ngành liên quan, địa phương, tổ chức và người dân, công tác quản lý, BVMT đã đạt những kết quả tích cực trên nhiều mặt, trong đó nổi bật là:

   Thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ thống nhất, đột phá để đưa công tác BVMT trở thành trụ cột của quá trình phát triển bền vững: Trong giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục Môi trường đã xây dựng, tham mưu Bộ TN&MT trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 7 Nghị định, 3 Quyết định, 3 Chỉ thị cùng nhiều Kế hoạch, Đề án quan trọng khác; ban hành theo thẩm quyền 15 Thông tư, 1 Thông tư liên tịch hướng dẫn Luật BVMT năm 2014 và Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) năm 2008, cùng 12 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đặc biệt, Tổng cục đã tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực tối đa để thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ TN&MT trong xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua Luật BVMT năm 2020 (Luật số 72/QH14). Lần đầu tiên, Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành hành lang pháp lý cơ bản về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội. Mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm của Luật BVMT năm 2020 là bảo đảm chất lượng môi trường sống để bảo vệ sức khỏe người dân, thay đổi phương thức quản lý theo hướng bám sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hội nhập, cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của các công cụ quản lý môi trường, tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao. Luật quy định đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo suốt vòng đời của dự án đầu tư phát triển, bắt đầu từ khâu quy hoạch, xem xét chủ trương, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện dự án cho đến khi vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kết thúc hoạt động. Cùng với đó, Luật cũng đã cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp đối với nhóm ít nguy cơ gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường; đồng thời thúc đẩy các mô hình kinh tế thân thiện với môi trường, các bon thấp, kinh tế tuần hoàn, đầu tư phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên để vừa phát triển kinh tế, vừa BVMT, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Với rất nhiều điểm mới, mang tính đột phá, Luật BVMT năm 2020 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về nhận thức, hành động trong công tác quản lý và BVMT nhằm bảo đảm vấn đề môi trường cùng với kinh tế, xã hội phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế để thực hiện phát triển bền vững đất nước.

    Đổi mới tư duy quản lý, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, giám sát các vấn đề môi trường: Bước vào giai đoạn 2016 - 2020, Đảng, Nhà nước đã quán triệt thực hiện chủ trương phát triển kinh tế không ảnh hưởng đến môi trường, phát triển kinh tế dựa trên việc quản lý chặt chẽ tài nguyên và chủ động ứng phó với BĐKH. Đối với công tác quản lý, BVMT từ chỗ còn bị động, lúng túng trong việc xử lý, giải quyết các vụ việc, sự cố về ÔNMT, đến nay chúng ta đã thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các vấn đề môi trường, chủ động phối hợp với các địa phương, tổ chức liên quan trong việc xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT), điểm nóng về môi trường. Theo đó đã thành lập và duy trì 12 Tổ giám sát đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao để đảm bảo các dự án này hoạt động an toàn về môi trường, có đóng góp cho tăng trưởng; phối hợp đầu tư lắp đặt 867 trạm quan trắc nguồn thải có kết nối số liệu trực tiếp về Sở TN&MT và Bộ TN&MT để theo dõi, giám sát; thành lập và duy trì hiệu quả Đường dây nóng về môi trường xuyên suốt từ Trung ương đến các địa phương để nắm bắt, giải quyết các vấn đề ÔNMT phát sinh ngay từ cơ sở.

    Đồng thời, Tổng cục Môi trường đã chủ động, kịp thời tham mưu Bộ TN&MT, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT; tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; tăng cường quản lý chất thải rắn; kiểm soát loài ngoại lai xâm hại và ÔNMT không khí. Kết quả là đã tập trung kiểm soát 20 - 30% các đối tượng có nguy cơ ô nhiễm cao, kiểm soát tới 80% vấn đề môi trường; giải quyết dứt điểm hơn 1.000 kiến nghị, phản ánh nhận được qua đường dây nóng (chiếm khoảng 66%); đảm bảo xử lý đúng thời hạn gần 90% kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương. Qua đó, chỉ số hài lòng của người dân đối với công tác quản lý nhà nước về BVMT tăng dần qua từng năm.

    Công tác quản lý chất thải, cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH đạt được những kết quả tích cực: Nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung được đưa vào vận hành tại các địa phương, một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư và xây dựng các khu liên hợp xử lý chất thải rắn có quy mô lớn. Trong 5 năm qua, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được thu gom, tái chế liên tục tăng; tỷ lệ phải chôn lấp giảm; chất thải nguy hại được kiểm soát, quản lý tốt hơn thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn phát, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đã đạt 13% (tăng khoảng 6% so với năm 2016); tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 92% (tăng 7% so với năm 2016), tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 66% (tăng 15% so với năm 2016); tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 85% (tăng khoảng 6% so với năm 2017); hoàn thành xử lý triệt để 340/435 cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng (tăng 30,2% so với năm 2016); số xã đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới về môi trường tăng 8,3%. Số lượng các khu bảo tồn, khu Ramsar ở nước ta tiếp tục gia tăng. Hiện nay, cả nước có 172 khu bảo tồn, gồm 33 vườn quốc gia; 65 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 6 khu bảo tồn so với năm 2016); 9 khu Ramsar (tăng 2 khu so với năm 2016); 10 Vườn Di sản ASEAN (tăng 4 Vườn Di sản ASEAN so với năm 2016).

    Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử trong quản lý, BVMT: Với các hoạt động đa dạng, cấp thiết, trong khi điều kiện về nhân lực hạn chế, Tổng cục Môi trường đã hết sức coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước. Theo đó, đã thực hiện trên 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết thủ tục hành chính về môi trường; thiết lập và tổ chức hàng trăm cuộc họp, hội nghị, hội thảo thông qua phương thức trực truyến (online); triển khai thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường; tăng cường hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo môi trường từ Trung ương tới địa phương, cơ sở; đưa vào sử dụng ứng dụng Envisoft trên thiết bị di động để công bố thông tin trực tuyến về chất lượng môi trường không khí (VN AQI) trên phạm vi toàn quốc cho cộng đồng, đến nay đã kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

    Tuy vậy, đến nay công tác quản lý, BVMT ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế; môi trường đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn ÔNMT; số lượng, quy mô và mức độ tác động từ hoạt động của các khu công nghiệp, đô thị, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ gia tăng. Nhiều vấn đề môi trường còn tồn đọng, nhất là ô nhiễm không khí tại các đô thị, thành phố lớn; rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả; nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp phát sinh ngày càng lớn trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu; các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp diện tích do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng gia tăng. Các loài động thực vật hoang dã tiếp tục suy giảm; vẫn còn các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen.


chu-dong-quan-ly-bao-ve-moi-truong-huong-toi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-dat-nuoc-1
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021 của Tổng cục Môi trường ngày 22/12/2020

    Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và các kế hoạch 5 năm trên các lĩnh vực. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các nước ngày càng chú trọng hàng rào kỹ thuật về môi trường, xu hướng chuyển dịch công nghệ lạc hậu, kém thân thiện với môi trường vào các nước kém phát triển vẫn tiếp tục diễn ra. Đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực môi trường. Xu hướng về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, giao tiếp xã hội, khoa học công nghệ... tiếp tục phát triển. Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi và kế thừa các kết quả đạt được của giai đoạn trước, tác động của dịch bệnh, BĐKH, xu hướng chuyển đổi số, yêu cầu cho đầu tư phát triển để thực hiện chủ trương bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững sẽ tác động, tạo áp lực lớn đối với công tác BVMT, trong khi nguồn lực, ý thức, trách nhiệm về BVMT còn hạn chế. Đây sẽ là những thách thức đặt ra đối với công tác BVMT trong năm 2021 và những năm tiếp theo của giai đoạn 2021 - 2025.

    Trên cơ sở kế thừa những kết quả quan trọng, cơ bản đã đạt được, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tạo nền tảng vững chắc cho công tác quản lý, BVMT giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới phát triển bền vững, Tổng cục Môi trường tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về BVMT; quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cho giai đoạn 2021 - 2030 với ba nội dung chính:

- Tập trung xây dựng và trình ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020 để bảo đảm triển khai thực hiện Luật kể từ ngày 1/1/2022; Thông tư quy định kỹ thuật quan trắc môi trường; Chiến lược quốc gia về ĐDSH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; Đề án kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2040; Kế hoạch hành động quốc gia về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; Danh mục vùng đất ngập nước quan trọng trên phạm vi toàn quốc.

- Triển khai xây dựng quy hoạch BVMT quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường theo quy định của Luật BVMT năm 2020, trong đó có các nhóm quy chuẩn môi trường mới như quy chuẩn về quản lý chất thải, đặc biệt là trong lĩnh vực xử lý CTRSH cho phù hợp với các công nghệ hiện nay như công nghệ xử lý CTRSH kết hợp với thu hồi năng lượng, khí hóa…; quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông vận tải; quy chuẩn về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị. Rà soát, xây dựng các quy trình kỹ thuật, định mức đơn giá phục vụ công tác quản lý nhà nước về BVMT.

Hai là, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương giải quyết các vấn đề ÔNMT gắn với số đông dân cư. Trọng tâm là triển khai thực hiện Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ÔNMT không khí; tăng cường biện pháp giám sát, kiểm soát nguồn thải ra các lưu vực sông bị ô nhiễm, ô nhiễm nguồn nước mặt trong các khu đô thị, khu dân cư, vùng kinh tế trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ÔNMT hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư. Kiện toàn và vận hành hiệu quả đường dây nóng về ÔNMT từ Trung ương đến cấp quận/huyện trên phạm vi cả nước nhằm giải quyết những vấn đề ÔNMT ngay từ cơ sở, địa bàn cụ thể. Chủ động rà soát, nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh, kiến nghị về ÔNMT trên các cơ quan truyền thông, báo chí.

Ba là, chủ động phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các dự án, nguồn thải có nguy cơ gây ÔNMT cao. Xây dựng quy định tiêu chí môi trường để lựa chọn, quyết định đầu tư phát triển; phân loại các dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chủ động phòng ngừa, kiểm soát nhóm các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; tiếp tục chủ động thực hiện các hoạt động giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ÔNMT cao, đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường thông qua việc tiếp tục duy trì, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, cơ chế giám sát môi trường đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ ÔNMT cao để bảo đảm các dự án, cơ sở này vận hành an toàn về môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng; kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; tổ chức đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra công tác xử lý triệt để ô nhiễm tại 47 làng nghề ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả đối với các vụ việc, sự cố liên quan đến môi trường phát sinh.

Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH. Thúc đẩy các hoạt động bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng; mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên; tăng cường kiểm soát tác động tiêu cực của các dự án, hoạt động kinh tế tới thiên nhiên, ĐDSH; rà soát, đánh giá, đề xuất kế hoạch sửa đổi Luật ĐDSH; xây dựng Chương trình tổng thể về bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Năm là, tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với 17 loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ÔNMT; các cơ sở xử lý chất thải nguy hại; các cơ sở có nguồn khí thải lưu lượng lớn; các cơ sở, dự án gây ảnh hưởng lớn tới di sản thiên nhiên, ĐDSH theo quy định của pháp luật.

Sáu là, tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo chất lượng môi trường. Tập trung thực hiện tốt chương trình quan trắc môi trường định kỳ, nhất là hệ thống các trạm quan trắc môi trường không khí để cung cấp thông tin về chất lượng môi trường không khí tới người dân, tổ chức; tăng cường năng lực hệ thống quan trắc môi trường không khí đô thị, năng lực quan trắc môi trường tại các Trung tâm vùng; nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng tác nghiệp hoạt động quan trắc môi trường.

Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số đối với lĩnh vực môi trường. Triển khai có hiệu quả việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 100% thủ tục hành chính về môi trường; tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với nhóm dịch vụ liên quan đến thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường; kết nối, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, hình thành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia đồng bộ, thống nhất, kết nối, chia sẻ từ Trung ương đến địa phương; tăng cường sử dụng phương thức làm việc trực tuyến (online) trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ.

Tám là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng trong công tác BVMT. Tập trung tuyên truyền, giới thiệu các quy định của Luật BVMT năm 2020, thực hiện các mô hình truyền thông mạnh mẽ để tạo sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức và hành động về BVMT, nhất là đối với Luật BVMT năm 2020. Phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt; kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong BVMT. Phát huy hiệu quả vai trò, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, quần chúng nhân dân từ hoạch định chính sách, giám sát thực thi chính sách pháp luật, huy động nguồn lực đầu tư cho BVMT. 

TS. Nguyễn Văn Tài
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Theo Tạp Chí Môi Trường