"Siết" dự án có nguy cơ xấu đến môi trường

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/10/2020 | 11:25:46 AM

QLMT - Một trong 2 phương án của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình, đó là chỉ những dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, sáng 24-10, Quốc hội (QH) thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Vấn đề phân loại dự án đánh giá tác động môi trường; phân loại rác thải, thu phí rác thải… là những nội dung chính được các đại biểu (ĐB) QH quan tâm thảo luận.

Giảm thủ tục hành chính

Liên quan đến quy định về đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), Luật Xây dựng, trong phần trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng cho biết dự thảo luật vẫn để 2 phương án.

Phương án 1, tất cả dự án đầu tư phải có chủ trương đầu tư đều là đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Phương án này có ưu điểm là đối tượng dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường thống nhất với các luật về đầu tư và xây dựng. Hạn chế của phương án là bỏ sót nhiều dự án đầu tư có nguồn vốn từ tư nhân mà không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư (theo quy định của Luật Đầu tư) nhưng lại có tác động lớn đến môi trường.

Phương án 2, chỉ có các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Phương án này có ưu điểm là giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án thuộc đối tượng phải quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao. Đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Một số ĐBQH đồng tình với phương án 2. ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng việc quy định dự án thuộc nhóm 1 là nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao, là đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ sẽ sát với thực tế, bảo đảm hiệu quả và có tính khả thi hơn. Còn theo ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), dự án không có khả năng gây ô nhiễm môi trường thì không đánh giá tác động môi trường.

Trong khi đó, ĐB Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) nêu quan điểm: Tất cả dự án phải xin chủ trương đầu tư đều phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Việc này là cần thiết để có thông tin cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương có chấp nhận cho chủ dự án được đầu tư dự án hay không.

Ông Phan Xuân Dũng
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - phát biểu tại phiên họp Ảnh: Nguyễn Nam

Trả phí thu gom rác thải

Về vấn đề phân loại rác thải, ông Phan Xuân Dũng nêu rõ dự thảo luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Về thu phí rác thải, mức phí mà hộ gia đình, cá nhân phải trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sẽ do UBND cấp tỉnh quy định, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải phù hợp với nguyên tắc định giá của nhà nước theo quy định của pháp luật về giá, dựa trên lượng chất thải đã được phân loại.

Theo ông Phan Xuân Dũng, dự thảo luật cũng quy định đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật; trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định.

ĐB Phạm Thị Thu Trang tán thành quan điểm đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện phân loại rác thải, rác tại nguồn và tính phí thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên cơ sở lượng chất thải đã được phân loại. Theo bà Trang, đây là chủ trương được đa số người dân ủng hộ cần triển khai thực hiện. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định lộ trình đến ngày 1-1-2025 mới thực hiện thì quá lâu.

"Tôi đề nghị xem xét quy định lộ trình phấn đấu thực hiện sớm hơn. Đồng thời, quy định chính sách ưu tiên nguồn lực đầu tư để bảo đảm khả năng xử lý gồm cơ sở vật chất, xây dựng điểm xử lý chất thải rắn, nhà máy tái chế chất thải rắn sinh hoạt"- ĐB Trang đề xuất. 
-----------------------------------------------------------------
Cần có quy định xử lý tấm pin năng lượng mặt trời

Theo ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), việc sử dụng năng lượng từ mặt trời để thay thế các nguồn năng lượng khác đang có xu hướng gia tăng. Vật liệu làm tấm pin năng lượng mặt trời rất khó để xử lý khi chúng không còn giá trị sử dụng. Đây là một nguồn chất thải nguy hại nhưng trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vẫn chưa có quy định nào định hướng xử lý loại chất thải đặc biệt này. Do đó, ban soạn thảo cần bổ sung vào dự thảo luật và phải cân nhắc quy định rõ tấm pin năng lượng mặt trời thuộc danh mục sản phẩm phải thực hiện thu hồi sản phẩm thải bỏ hay không để có những giải pháp xử lý về sau.

Minh Chiến - Văn Duẩn/Người lao động