Định nghĩa sự “thông minh” của đô thị

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/10/2020 | 11:19:14 AM

QLMT - Phát triển đô thị thông minh chính là một trong những trụ cột mang lại sự phát triển đột phá, có vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển đô thị quốc gia bền vững giai đoạn tới.

Tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020 với chủ đề "Đô thị Thông minh - hướng tới Cộng đồng, Bản sắc và Phát triển Bền vững vì một ASEAN Gắn kết và Chủ động Thích ứng”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, phát triển đô thị thông minh là cuộc chơi lớn, trong đó không chỉ hứa hẹn những kết quả tốt đẹp mà còn có thể chứa đựng cả những rủi ro. 

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ: "Chúng ta đang ở những bước đi khởi đầu trong hành trình tiếp cận, gia tăng tri thức và áp dụng tri thức mới. Thế giới sẽ còn tiếp tục nghiên cứu xu hướng này để tìm ra một giải pháp tối ưu hơn nữa. Nhưng trước mắt, sự nỗ lực của mọi quốc gia trong việc nhận định "sự thông minh” phù hợp trong bối cảnh phát triển của đất nước mình là rất quan trọng, để cùng nhau đóng góp cho sự phát triển đô thị thông minh nói riêng và phát triển bền vững thế giới nói chung".

Bộ trưởng Trần Hồng Hà 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Cũng theo Bộ trưởng, chiến lược phát triển đô thị đã định hướng phát triển đô thị thông minh chính là một trong những trụ cột mang lại sự phát triển đột phá, có vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển đô thị quốc gia bền vững giai đoạn tới.

Liên quan đến định nghĩa sự "thông minh” của đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, một đô thị thông minh được xác định trên nhiều nội dung, bao gồm: 

Về tầm nhìn, lựa chọn thúc đẩy đô thị hóa nhanh, xây dựng hệ thống đô thị hiệu quả về liên kết và chia sẻ chuỗi giá trị, lấy phát triển đô thị làm động lực phát triển kinh tế đặt trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình phát triển đô thị dựa trên thâm dụng tài nguyên sang sử dụng hiệu quả tài nguyên, đi sâu vào chất lượng và tăng khả năng tự phục hồi, tái tạo, thực hiện phát triển theo mô hình xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, có bản sắc và văn minh đô thị, hướng đến phát triển bền vững.

Về quy hoạch đô thị thông minh, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công cụ phân tích dữ liệu để nâng cao chất lượng của quy hoạch cũng như quản lý xây dựng theo quy hoạch; đưa những yếu tố thông minh vào nội dung về xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch.

Về quản lý thông minh, thực hiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số để nâng cao năng suất, chất lượng của bộ máy chính quyền, đồng thời là công cụ chủ yếu để hình thành và củng cố các cơ sở dữ liệu nền tảng. Quản lý thông minh tập trung vào lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý tài nguyên, quản lý nguồn lực phát triển đô thị

Về cung cấp tiện ích thông minh, việc cung cấp tiện ích thông minh không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân cũng như phát triển năng lực của cộng đồng trong bối cảnh mới, mà còn nằm trong nhiệm vụ thiết lập nền tảng hạ tầng xã hội thông minh, kết nối các nguồn lực xã hội được sử dụng hiệu quả hơn. 

Đô thị thông minh không chỉ là các tiện ích hạ tầng phần cứng trong các lĩnh vực trường học, bệnh viện, thư viện, giáo dục… mà còn quan trọng hơn chính là các tiện ích này giúp cho kết nối nguồn nhân lực bác sỹ, kỹ sư, các nhà tri thức để cùng đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đô thị và quốc gia. Khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ. Việc phát triển các ứng dụng thông minh phải trên nguyên tắc kế thừa, đặc biệt kế thừa hệ thống cơ sở dữ liệu đã được tích lũy.

Xây dựng tiềm lực đề phát triển đô thị thông minh bền vững phải bao gồm đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực; phát triển nghiên cứu chế tạo, ứng dụng khoa học công nghệ đô thị thông minh đồng thời thúc đẩy các hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ và phát triển đô thị thông minh bền vững.

Người đứng đầu Bộ Xây dựng nhấn mạnh: "Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm về quy hoạch đô thị thông minh, quản lý đô thị thông minh, cung cấp các tiện ích thông minh và xây dựng cơ sở nền tảng và tăng cường tiềm lực thực hiện, cần xác định rõ bản chất của đô thị thông minh chính là sự liên kết, chia sẻ và tích hợp thông tin, phát triển theo chiều sâu, đổi mới cơ chế và thể chế".

Nguyễn Nguyễn/Raetimes