Trả lại bãi biển cho cộng đồng: còn rất nhiều việc phải làm!

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/4/2021 | 2:22:44 PM

QLMT - Gần đây, nhiều địa phương như Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, các chính quyền đã có những động thái thu hồi các dự án hết thời hạn thuê đất, các dự án treo để giành lại các bãi biển cho cộng đồng, tăng cường các không gian công cộng (KGCC) cho cư dân đô thị và du khách. Đây là những nỗ lực đáng được ghi nhận, thể hiện sự lắng nghe phản ứng của dư luận và tiếng nói của người dân, dẫn đến sự điều chỉnh xu hướng trong tiến trình dẫn dắt phát triển của các chính quyền địa phương.

Nhưng, dường như đây mới chỉ là những điểm sáng nhỏ, chưa đủ để trở thành một xu hướng đảo ngược: đòi lại bờ biển cho KGCC...

Tài sản chung thành... của riêng

KGCC là một trong các thước đo quan trọng chất lượng và mức độ đáng sống của một đô thị. Diện tích bình quân KGCC trên đầu người cho từng loại đô thị đã được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 0:2019/BXD về Quy hoạch xây dựng, bản sửa đổi 2019 có hiệu lực từ tháng 7.2020. Tuy nhiên các chỉ tiêu này vẫn là "mục tiêu hướng đến” chứ không phải điều kiện tối thiểu bắt buộc và có thể đạt được đối với tất cả các đô thị ở nước ta. 

tra-lai-bai-bien-cho-cong-dong-con-rat-nhieu-viec-phai-lam-1
PGS-TS-KTS. Phạm Thuý Loan.

Với các thành phố biển, các đô thị có chức năng du lịch, thì các KGCC càng trở nên quan trọng, nó vừa là hạ tầng xã hội, vừa là hạ tầng kinh tế, là "đại sảnh”, là "phòng khách” lớn của các thành phố, nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, các lễ hội, và nhiều sinh hoạt cộng đồng khác để tăng sức hấp dẫn của thành phố.

Thế nhưng "cuộc chiến ngầm không cân sức” giữa một bên là các nhà đầu tư (các tài phiệt quốc tế, các "ông lớn” bất động sản, các tập đoàn đa ngành…) và một bên là nhu cầu, mong ước của xã hội để giành giật quỹ không gian ven biển là cuộc chiến không đơn giản, và vai trò của chính quyền ở đâu trong việc giải quyết mâu thuẫn này là chủ đề cần được mổ xẻ.

Khoảng 20 năm trở lại đây, kinh tế phát triển và quá trình mở cửa, kết nối toàn cầu đã mở ra một thị trường du lịch năng động ở Việt Nam, kéo theo sự bùng nổ các mô hình đầu tư kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng trên toàn quốc. 

Bãi biển được phân lô thành chuỗi resort xếp hàng ngang buồn tẻ; khách sạn mọc lên san sát át hẳn cảnh quan núi đồi nên thơ vốn có… Quá trình "du lịch hóa” ồ ạt này, bên cạnh các lợi ích trước mắt đã để lại những hậu quả nặng nề và lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về mọi mặt cho các đô thị: hệ sinh thái và môi trường thiên nhiên bị phá hủy, cảnh quan đô thị ngột ngạt, bê tông hóa, đánh mất bản sắc, quá tải hạ tầng, thiếu KGCC và nhiều vấn đề khác. Và có một thực tế rất trớ trêu là những gì đặc sắc nhất mà thiên nhiên ban tặng con người Việt Nam nói chung, thì sau một trò chơi có tên "phát triển” (mà đại bộ phận người dân không được tham gia) các tài sản chung này lập tức không còn là của chung nữa, người dân không thể được đến, được sử dụng, thậm chí không thể ngắm nhìn nếu không "trả tiền” cho điều đó. 

Tôi muốn kể ra đây những trải nghiệm và ấn tượng khi có dịp sống và làm việc ở Úc. Bang New South Wales (NSW) có 2.137km chiều dài bờ biển với các vùng cảnh quan rất đa dạng: rừng nguyên sinh, vách đá vôi, bãi đá, vùng đầm lầy, vùng san hô và hàng trăm bãi biển lớn nhỏ rất thuận lợi cho việc tắm biển. Điều đáng nói là toàn bộ dải bờ biển và tất cả các bãi tắm nói trên đều là tiện ích công cộng, được quản lý và khai thác sử dụng phục vụ cộng đồng - hay nói ngắn gọn là các KGCC với hạ tầng và tiện ích đầy đủ, tiện nghi, an toàn cho tất cả mọi người.

tra-lai-bai-bien-cho-cong-dong-con-rat-nhieu-viec-phai-lam-2
Người dân bản địa Phú Quốc từng bức xúc vì bị các khu du lịch hạn chế tiếp cận bãi biển. Ảnh: T.M

Bạn thử hình dung thế này nhé: vào một ngày cuối tuần, bạn và gia đình khoác ba lô lên và đi. Với một chút đồ ăn, nước uống và các phương tiện cá nhân như lều, ván trượt, dù, cả gia đình bạn có thể đi ra biển, có thể tắm biển, lướt ván, chơi dù lượn thoải mái, hoặc có thể đi hàng chục cây số dọc theo bờ biển, men theo các vách đá tự nhiên, đi xuyên rừng qua các đường mòn, hay men theo các cầu treo bằng gỗ và thép được găm cài một cách tinh tế vào vách núi, có thể dừng chân tại một số điểm ngắm cảnh vì ghế ngồi đã được lắp đặt sẵn cho bạn... Tất cả thiên nhiên kia, trời biển kia là dành cho bạn, với sự hỗ trợ bởi các tiện ích hạ tầng cơ bản đã được chính quyền đầu tư xây dựng.

Bạn thấy mình tự do, bình đẳng và hòa hợp với thiên nhiên. Bạn không cần phải dành dụm cả năm thì gia đình mới có tiền để đi du lịch biển.  

Điều gì tạo nên hai thực tế khác biệt? 

Việt Nam có gần 98 triệu dân và hơn 3.000km bờ biển, nhưng số bãi tắm dành cho công cộng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn tại NSW của Úc, 8 triệu dân và hơn 2.000km bờ biển nhưng tất cả đều thuộc về công cộng. 

"Có một thực tế rất trớ trêu là những gì đặc sắc nhất mà thiên nhiên ban tặng con người Việt Nam nói chung, thì sau một trò chơi có tên "phát triển” (mà đại bộ phận người dân không được tham gia) các tài sản chung này lập tức không còn là của chung nữa, người dân không thể được đến, được sử dụng, thậm chí không thể ngắm nhìn nếu không "trả tiền” cho điều đó."

PGS-TS-KTS. Phạm Thuý Loan

Hệ thống quy hoạch và quản lý tài nguyên bờ biển của Úc có rất nhiều điều thú vị và bổ ích để soi rọi vào hệ thống công cụ pháp lý của Việt Nam. Bài viết này không thể mô tả đầy đủ hệ thống pháp lý của Úc, tuy nhiên, có thể điểm qua một số điểm chính, những yếu tố mấu chốt tạo nên hiệu lực mạnh mẽ của hệ thống pháp lý của họ, điều mà hệ thống của chúng ta rất yếu. Các điểm này được tóm tắt như sau:

Tuyên bố rõ ràng về mục tiêu quy hoạch và vai trò - trách nhiệm của các cấp chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước: Trong hệ thống các công cụ quy hoạch của bang NSW (gồm các luật, các định hướng chiến lược quy hoạch lớn (State Planing directions) và các văn bản chính sách quy hoạch cụ thể (các State Environmental Planning Policies – SEPPs) ban hành ở cấp bang, các quy hoạch cấp độ vùng (hay khu vực) (regional and district plans), hay các quy hoạch địa phương (Local Environmental Plan – SEP) thì các mục tiêu tối thượng của quy hoạch và vai trò – trách nhiệm của các cấp chính quyền đều được tuyên bố rất rõ ràng, và đảm bảo thực thi đúng như tuyên bố.

Ưu tiên mục tiêu môi trường và xã hội: Trong sự rõ ràng đó, điều đầu tiên có thể nhận thấy là trong ba trụ cột của sự phát triển bền vững, khía cạnh môi trường là ưu tiên số một, tiếp đến là khía cạnh xã hội, sau cùng mới đến phát triển kinh tế. Thứ tự ưu tiên này được nhấn mạnh trong hầu như tất cả các luật, chính sách, chiến lược và kế hoạch liên quan đến phát triển ở NSW.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà hệ thống quy hoạch ở đây luôn xuất hiện từ "environmental” đi kèm với từ "planning”: ví dụ Environmental Planning and Assessment Act (EP&AA) chính là luật quy hoạch của bang NSW, các SEPPs chính là các văn bản pháp quy cụ thể hoá luật EP&AA theo các lĩnh vực, các nhóm vấn đề, các địa điểm đặc thù; hay các Local Environmental Plan - LEP chính là bản quy hoạch địa phương, trong đó chứa các nội dung cụ thể về không gian đến từng lô đất chi tiết như bản quy hoạch chi tiết 1/500 của Việt Nam.

Tóm lại, môi trường và xã hội là hai chiều cạnh được đặt lên trên chiều cạnh kinh tế trong tư duy quy hoạch và quản lý phát triển ở Úc. Điều này khác biệt về bản chất với Việt Nam, khi chính quyền tuyên bố theo đuổi sự phát triển bền vững nhưng cách ra quyết định và hành động đôi khi đặt yếu tố tăng trưởng kinh tế lên trên. 

tra-lai-bai-bien-cho-cong-dong-con-rat-nhieu-viec-phai-lam-3
Khu resort Ana Mandara (Nha Trang) được chính quyền thu hồi và giao 10.000m2 mặt nước biển để làm bãi tắm công cộng. Ảnh: CTV

Thống nhất giữa lập quy hoạch và thực thi quy hoạch: Đặc điểm thứ hai là hệ thống của NSW có sự thống nhất cao giữa các cấp độ và tính chất của các văn bản pháp quy về quy hoạch, được nhóm thành hai loại công cụ chính: công cụ chiến lược (Stategic Planning) là các mô tả về tầm nhìn, mục tiêu, định hướng, kế hoạch cụ thể; và công cụ đánh giá phát triển (Developemnt Assessment) là đảm bảo việc thực thi đúng như chiến lược và kế hoạch đã được xây dựng. Cả hai quá trình này: lập quy hoạch (chiến lược, quy hoạch, kế hoạch) và giám sát thực thi đều được thiết kế chặt chẽ, logic, có khả năng đánh giá, kiểm chứng. Vì vậy, tình trạng "quy hoạch treo”, "nói một đằng, làm một nẻo” không thể xảy ra ở đây. 

Giải quyết mâu thuẫn và xung đột thông qua toà án: Thứ ba, về bản chất "quy hoạch” là một hệ thống công cụ pháp lý nhằm cân bằng lợi ích và ngăn chặn xung đột hay tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền đối với tài nguyên (đất, rừng, biển). Hệ thống quy hoạch ở Úc quy định rất rõ quyền và trách nhiệm của từng bên (kể cả các cấp chính quyền). Khi có những bất đồng hay xung đột mà giải quyết của chính quyền không thoả đáng, người dân có quyền gửi đơn thư lên tòa án (cơ quan tư pháp) đứng ra xét xử, độc lập hoàn toàn với các cấp chính quyền (cơ quan hành pháp).

"Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để khắc phục, để ngăn chặn và hạn chế sự bành trướng của các thế lực thị trường."

PGS-TS-KTS. Phạm Thuý Loan

Tham vấn cộng đồng được quy định rất khắt khe: Trong hệ thống quy hoạch của NSW,  "tham vấn cộng đồng” là bắt buộc bằng luật định với các hướng dẫn, quy định rõ ràng, chặt chẽ ở tất cả mọi cấp độ và nội dung của công tác lập chiến lược, soạn chính sách, hay lập các bản quy hoạch không gian địa phương. Chính quyền các cấp phải có trách nhiệm giải trình trước cộng đồng về bất cứ quyết định hay giải pháp nào của mình tại bất cứ vị trí đất đai nào trong địa phương, nếu được chất vấn.

Ví dụ, nếu một dự án resort được chính quyền chấp thuận tại một khu vực bờ biển nào đó thì chính quyền buộc phải đưa ra các giải thích rằng việc này có hay không mâu thuẫn với luật quản lý bờ biển, với các quy định đã được đề ra trong mục tiêu về môi trường, về xã hội trong các văn bản quy hoạch bang và địa phương. 

Minh bạch và tiếp cận thông tin: Mặc dù hệ thống quy hoạch ở Úc rất phức tạp và chi tiết với nhiều luật lệ, chính sách và quy định, nhưng toàn bộ hệ thống này mọi người dân đều có thể truy cập online thông qua cổng thông tin quy hoạch trên trang web của chính quyền bang, và thông tin của các bản đồ quy hoạch địa phương (với các quy định kiểm soát phát triển chi tiết đến từng lô đất) trên trang web của chính quyền địa phương. Nội dung, trạng thái và kết quả thẩm định (developemnt assessment) của từng dự án xin đầu tư cũng có thể được truy cập bởi tất cả mọi người.     

Riêng đối với vấn đề bờ biển, cùng với EP&AA (Luật quy hoạch và đánh giá môi trường), bang NSW có Luật quản lý bờ biển (coastal management Act); và Chính sách quy hoạch môi trường về quản lý bờ biển (SEPP for Coastal Management). Theo các văn bản này "quản lý môi trường ven biển bang NSW nhằm thực hiện các nguyên tắc phát triển bền vững về mặt sinh thái, vì phúc lợi xã hội, văn hóa và kinh tế của người dân bang”.

Như vậy cùng với bảo vệ môi trường, thì đảm bảo quyền tiếp cận biển và hỗ trợ khả năng tiếp cận biển tiện nghi, an toàn bằng việc cung cấp các hạ tầng cơ bản, và tôn trọng quyền bờ biển của cư dân bản địa là những nguyên tắc được đặt ngay ban đầu trong luật. Luật này cũng phân loại bờ biển thành bốn loại trên cơ sở đặc điểm địa lý và sinh thái, từ đó áp dụng các hình thức quản lý và khai thác phù hợp. 

Bốn loại vùng bờ bao gồm: vùng bờ biển rừng nhiệt đới hoặc đất trũng, vùng biển dễ bị tổn thương, vùng biển có giá trị môi trường, và vùng bờ biển có thể khai thác. Trong đó, chỉ loại 4 được phép tiếp nhận các dự án xây dựng sau khi được đánh giá, thẩm định kỹ càng. Ngoài ra, luật cũng quy định rõ các dự án phải đảm bảo "không gian mở công cộng đầy đủ được cung cấp, bao gồm cả các hoạt động giải trí và cơ sở hạ tầng liên quan”.  Những điều trên giúp chúng ta phần nào lý giải được tại sao các bờ biển tại Úc là những không gian công cộng tuyệt vời như vậy. 

Từ đó, liên hệ thực tế ở Việt Nam, rõ ràng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để khắc phục, để ngăn chặn và hạn chế sự bành trướng của các thế lực thị trường. Sắp xếp lại các mục tiêu ưu tiên trong phát triển, cải cách thể chế trong quy hoạch, trong kiểm soát phát triển, thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa và lắng nghe tiếng nói cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình sẽ là những nội dung cần được thực hiện trong thời gian tới ở các đô thị Việt Nam. 


PGS-TS-KTS. Phạm Thuý Loan (Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng)

Theo Người Đô Thị

Tags Nha Trang Đà Nẵng Vũng Tàu thu hồi các dự án hết thời hạn thuê đất dự án treo bãi biển không gian công cộng (KGCC)

Các tin khác

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến việc xây đập dâng trên sông Hồng, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Huân cho biết khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, từ đó làm ảnh hưởng tới sinh thái phía hạ lưu, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại. Vì vậy, cơ quan chuyên môn cần phải nghiên cứu, đánh giá để tìm ra phương án tối ưu...

Tiếp theo bài viết 'Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8' đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục