Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung: Kém minh bạch thông tin

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/11/2020 | 10:49:57 AM

QLMT - Khó tiếp cận Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), hạn chế quyền tham gia của người dân là những vấn đề nổi cộm tại bản dự thảo số 7 Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (dự thảo), dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này.

ĐTM vẫn là "hộp đen"

Xử lý rủi ro tại nguồn luôn mang đến hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Đánh giá tác động môi trường là một công cụ hữu hiệu được triển khai theo nguyên tắc này, thực hiện quá trình nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực.


Dự luật cần quy định rõ hơn về vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác tham vấn, quyền được biết thông tin và giám sát chất lượng môi trường. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn: TTXVN)

Luật Bảo vệ Môi trường 2014 quy định ĐTM nằm trong danh mục thông tin môi trường phải công khai. Tuy nhiên, Luật không quy định chế tài đối với hành vi không công khai ĐTM. Dự thảo không chỉ không "vá" được "lỗ thủng" này, mà còn tung hỏa mù đối với những cá nhân, tổ chức có nhu cầu tiếp cận ĐTM, trích khoản 9 Điều 38a: "Công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định (trừ các thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh) theo quy định của Luật này, pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật khác có liên quan”.

Luật Tiếp cận Thông tin, có hiệu lực từ 1.7.2018, điều chỉnh trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân đối với thông tin do cơ quan Nhà nước tạo ra. Như vậy, khi chủ dự án không phải cơ quan Nhà nước thì cộng đồng không thể vận dụng Luật Tiếp cận thông tin. Trong khi khoản 2 Điều 39a quy định Trách nhiệm của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trích: "Công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật này, trừ dự án thuộc bí mật nhà nước”. Công khai quyết định phê duyệt ĐTM không có nhiều ý nghĩa đối với giám sát, phản biện xã hội nếu như ĐTM vẫn là cái hộp đen mà chỉ cơ quan phê duyệt và chủ dự án biết với nhau.

ĐTM do chủ dự án trực tiếp thực hiện hoặc thuê ngoài dịch vụ, là đầu vào để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt. Như vậy, ĐTM dù không phải thông tin do cơ quan Nhà nước tạo ra (khoản 2 Điều 2 Luật Tiếp cận Thông tin) nhưng là bộ phận gắn bó hữu cơ với quyết định phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nếu ĐTM được thực hiện nghiêm túc, công khai từ khâu thực hiện đến phê duyệt thì không có lý do gì mà cơ quan Nhà nước không thể công bố ĐTM trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Hạn chế quyền tham gia của người dân: vi hiến?

Chương 13 của Dự thảo quy định quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổ chức Chính trị - xã hội, Tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường. Xem xét bốn thành phần vừa nêu, dự thảo không quy định quyền phản biện cho cộng đồng dân cư - nhóm chịu tác động trực tiếp của dự án.


Ngày 4.9 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty CP Bitexco với hành vi vi phạm hành chính là không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định. Ảnh: Vietnamnet

Mặc dù việc hạn chế quyền tham gia của người dân tham gia bảo vệ môi trường ở bản dự thảo lần 7 đã bớt "thô bạo" hơn so với dự thảo lần 5, tuy nhiên quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong cộng đồng vẫn còn nhiều rào cản, trích điểm b khoản 1 Điều 138: "Cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của dự án, cơ sở có quyền thông qua đại diện hợp pháp của mình yêu cầu chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đối thoại về trách nhiệm bảo vệ môi trường; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin về môi trường theo quy định của pháp luật”.

Quy định cộng đồng dân cư phải thông qua "đại diện hợp pháp” xói mòn quyền dân chủ trực tiếp của người dân, có dấu hiệu đi ngược lại tinh thần của Điều 28 Hiến pháp 2013, quy định: "Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.

Luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát):


Chưa có cơ quan cơ quan đại diện hợp pháp của cư dân


Hiện nay, về mặt luật pháp, chưa có cơ quan nào là cơ quan đại diện hợp pháp của cư dân. Như vậy đồng nghĩa với việc nếu thông qua dự luật này sẽ phải tạo ra quy định về mặt luật pháp trong việc xác định cơ quan nào là cơ quan đại diện hợp pháp của dân.

Lâu nay chúng ta đang nhắc đến Mặt trận Tổ quốc là cơ quan vừa phản ánh của nhân dân, vừa thực hiện vai trò đại đoàn kết nhân dân.  Nhưng không thể nói là rằng tất cả tiếng nói của mặt trận tổ quốc là tiếng nói của tất cả nhân dân. Vì vậy, rất khó để hình thành được cơ quan đại diện của cư dân khi nó không phản ảnh đủ ý kiến của cư dân. Trong khi quyền ý kiến đóng góp của cư dân đã được hiến định.

Nói như vậy, không có nghĩa rằng chúng ta không tạo được cơ chế để thành lập được một cơ quan, tổ chức là đại diện hợp pháp của cư dân. Nhưng để làm được nó thì không chỉ câu chuyện môt sớm một chiều. Và nếu việc sớm thông qua nội dung này của dự thảo, đồng nghĩa lại tiếp tục tạo ra một lỗ hổng trong quy định, cơ chế.

Theo/Khuê Anh/Người Đô Thị

Tags đánh giá tác động môi trường Luật Bảo vệ môi trường bảo vệ môi trường Luật Tiếp cận thông tin

Các tin khác

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến việc xây đập dâng trên sông Hồng, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Huân cho biết khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, từ đó làm ảnh hưởng tới sinh thái phía hạ lưu, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại. Vì vậy, cơ quan chuyên môn cần phải nghiên cứu, đánh giá để tìm ra phương án tối ưu...

Tiếp theo bài viết 'Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8' đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự