Ô nhiễm không khí lan rộng nhiều tỉnh miền Bắc

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/1/2023 | 3:18:54 PM

QLMT - Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Nguyên… có chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao chưa từng thấy.

Sương mù dày đặc bao phủ khiến chất ô nhiễm không thể phát tán

Sáng 10/1, mây mù bao phủ toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Hồng khiến nhiều tỉnh có chỉ số ô nhiễm không khí cao chưa từng có. Tại ứng dụng đo chất lượng không khí của PamAir, chỉ số AQI của nhiều địa phương đạt mức cảnh báo màu nâu (mức ô nhiễm cao nhất), cá biệt có những nơi chỉ số này cao ở mức kịch khung.

Điểm có mức chỉ số AQI cao nhất là Bái Đính (Ninh Bình) và Khu đô thị Time City (Hà Nội) lên đến 500. Đây là mức cao nhất trong thang đo chỉ số ô nhiễm không khí.

Các khu vực khác có chỉ số cao tương tự gồm Gia Viễn (Ninh Bình) AQI 439, thành phố Nam Định AQI 356, thành phố Thái Nguyên AQI 428, Ba Vì (Hà Nội) AQI 361, Văn Lâm (Hưng Yên) AQI 498, Gia Lâm (Hà Nội) AQI 356, Mỹ Hào (Hưng Yên) có AQI 341, Nam Đàn (Nghệ An) AQI 379…

Tại Hà Nội, nhiều khu vực cảnh báo ô nhiễm không khí mức màu nâu - mức cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Một số khu vực có chỉ số AQI rất cao như Cầu Giấy AQI 433, phố Phạm Tuấn Tài 305, Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen AQI 451, Thanh Xuân AQI 318, Hoàn Kiếm AQI 376…

Tại bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới sáng 10/1 trên ứng dụng IQAir của Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hà Nội đứng thứ 3 với chỉ số AQI trung bình là 193.

TS Hoàng Dương Tùng, Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, nguyên nhân của đợt ô nhiễm này liên quan chặt chẽ đến yếu tố thời tiết. Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua những ngày lặng gió, rét, hanh. Đây là điều kiện khiến các chất ô nhiễm không thể phát tán mà tập trung ở khu vực gần mặt đất gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Sương mù quang hóa là sương mù xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ (ánh Mặt trời) gây đảo nhiệt kết hợp với độ ẩm trong không khí cao, từ đó tích tụ ngưng kết các chất ô nhiễm sẵn có trong không khí ở tầng cao, tạo hiện tượng mù quang hóa, đặc biệt trong khu vực nội thành. Hiện tượng này có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn.

Ngoài ra, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các đô thị còn xuất phát từ các nguồn thải giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh khác.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi. Trong đó, bụi mịn PM2.5 được coi là "tử thần” trong không khí có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.


Ảnh minh họa/Nguồn: Internet. 

Giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí

TS Hoàng Dương Tùng cho biết, tác nhân của ô nhiễm không khí vẫn đến từ các nguồn phát thải như hoạt động giao thông, xây dựng trong thành phố. Bụi bẩn thực chất vẫn luôn tồn tại bởi các nguồn phát thải chưa được giảm thiểu.

Những ngày gió mạnh giúp khuếch tán các chất bẩn lên cao, không khí trong lành. Cũng có những ngày lặng gió, chất bẩn bị nén xuống, quanh quẩn ở trong thành phố.

Các số liệu quan trắc cho thấy chất lượng không khí tại các khu đô thị ngày càng giảm, đặc biệt là bụi mịn PM 2.5. Các tỉnh miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng, chất lượng không khí ô nhiễm đã xảy ra từ nhiều năm chứ không phải riêng năm nay. Tuy nhiên, ô nhiễm mức độ nào, cần đánh giá sâu hơn của các nhà khoa học, các bộ, ngành.

Nhiều quốc gia đã có công cụ dự báo chất lượng không khí dựa vào thời tiết, vào các nguồn thải và các thiết bị quan trắc. Việt Nam thời điểm hiện tại mới chỉ đưa ra các thông tin mang tính ước lượng.

Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam khuyến cáo trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao, người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời, kể cả việc tập thể dục vào sáng sớm. Việc cho học sinh tham gia các tiết học ngoài trời cũng cần được cân nhắc kỹ.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, để giảm thiểu ô nhiễm không khí, cần đẩy mạnh hoạt động quan trắc và kiểm kê nguồn thải; tăng cường thanh tra, kiểm soát nguồn thải; công khai, minh bạch thông tin về quan trắc, thanh tra, ô nhiễm môi trường.

Mặt khác, tăng cường giao thông công cộng, sử dụng rộng rãi năng lượng sạch trong giao thông công cộng, quy hoạch mạng lưới đô thị, kiểm soát khí thải xe máy, nâng cao chất lượng nhiên liệu, áp dụng các tiêu chuẩn EURO 4,5; đồng thời cần đẩy mạnh nhóm giải pháp xanh như năng lượng tái tạo, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp…

PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, chúng ta cần quản lý giao thông, quy hoạch lại đô thị và cần kiểm soát phát thải của phương tiện giao thông cơ giới. Cố gắng đưa cộng đồng và thị trường vào mối quan tâm chung về ô nhiễm, tăng cường sử dụng biện pháp kinh tế thay vì biện pháp hành chính.

Theo Nhật Phong/Báo GDTĐ

Tags Ô nhiễm không khí miền Bắc

Các tin khác

Nhiều ngày sau trận mưa lịch sử, Dubai vẫn chìm trong lũ - một ví dụ sâu sắc về việc thế giới đang thua trong cuộc chạy đua "nước rút" với biến đổi khí hậu.

Vào những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều trạm quan trắc, ứng dụng đo lường chất lượng không khí Hà Nội liên tục cho kết quả ở mức xấu.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.

UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản 1576/UBND-XD về việc dừng sử dụng xe ba bánh chạy bằng động cơ điện thu gom, vận chuyển rác thải tại Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị tỉnh Lào Cai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự